NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA

Hóa giải các thách thức hiện hữu

(ĐTTCO) - Nhận định về kinh tế 2016, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), cho rằng chính sách cải cách đã ban hành nhưng việc thực thi vẫn gặp nhiều khó khăn, nếu không kiên quyết, sự trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài. Để trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, ta phải tiếp tục xử lý thấu đáo những cản ngại, đừng làm mất đi khí thế cải cách đang độ chín muồi.

(ĐTTCO) - Nhận định về kinh tế 2016, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), cho rằng chính sách cải cách đã ban hành nhưng việc thực thi vẫn gặp nhiều khó khăn, nếu không kiên quyết, sự trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài. Để trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, ta phải tiếp tục xử lý thấu đáo những cản ngại, đừng làm mất đi khí thế cải cách đang độ chín muồi.

Triển vọng khả quan

Báo cáo kinh tế Việt Nam 2015 và triển vọng 2016 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cuối tuần qua, cho thấy những chỉ số rất khả quan của nền kinh tế trong năm 2015. Theo đó, GDP tăng trưởng 6,68% so mục tiêu đề ra 6,2%, lạm phát được kiểm soát ở mức 0,63% thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu giữ dưới 5%, thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) ước khoảng 5% GDP. Đà phục hồi kinh tế rõ ràng, quý sau luôn cao hơn quý trước.

Nguy cơ ngành nông nghiệp nước ta thua trên sân nhà là thấy rõ. Yếu kém của nền nông nghiệp hiện tại nằm ở quy mô sản xuất phân tán, manh mún, nông dân tự làm theo ý mình. Hơn nữa khâu phân phối lưu thông hàng hóa quá kém và không được quan tâm đúng mức. Khi bước vào hội nhập, hệ thống phân phối không chuyên nghiệp, thiếu kết nối là một bất lợi lớn, gây ra nhiều hệ lụy.

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

Niềm tin nhà đầu tư cũng được cải thiện, thể hiện qua việc tỷ lệ đầu tư/GDP tăng nhiều, vượt xa mức tăng cùng kỳ 2014. Tỷ lệ đầu tư/GDP tăng đều, quý I đạt 30,4%, quý II đạt 31,7%, quý III đạt 33,2%, quý IV đạt 34,1%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quý IV tuy không nhiều nhưng giải ngân đạt 4,8 tỷ USD - kỷ lục nhiều năm tính theo quý. Chuyển biến về chất trong thu hút FDI rất rõ ràng. Mọi năm giải ngân khoảng 11 tỷ USD/năm, năm 2015 đạt 14,5 tỷ USD, cho thấy sự chuyển biến tích cực, nhà đầu tư nước ngoài tin vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng cũng ghi nhận sự tích cực, cả năm đạt trên 18%, cao hơn mục tiêu đề ra 13-15%. Nhưng vấn đề đặt ra là chưa giảm được lãi suất cho vay, cộng với phải dành một phần thanh khoản cho trái phiếu chính phủ (TPCP). Trong 2 tháng cuối năm, khi Chính phủ phát hành TPCP, tăng trưởng tín dụng tăng lên nhiều và nhanh.

Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu cả năm đạt 7,9%, thấp hơn nhiều con số mục tiêu 10%. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại, cho thấy sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Trong cả năm 2015, dầu thô giảm 48,5% về kim ngạch xuất khẩu và 1,3% về lượng. TS. Nguyễn Anh Dương, Phó Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), cho rằng đi sâu hơn vào các chỉ số tích cực sẽ thấy nhiều vấn đề cần cải thiện của nền kinh tế. Lạm phát thấp xuất phát từ sự giảm giá rất mạnh của các mặt hàng, đặc biệt hiệu ứng giá dầu khiến các mặt hàng khác giảm theo. Bên cạnh đó, tổng cầu nền kinh tế không tăng nhanh, tổng cung được cải thiện, chênh lệch không nhiều nên sức ép lạm phát không lớn. Điều này cho thấy chất lượng tăng trưởng thay đổi không nhiều.

Ông Dương cũng cho rằng so với tăng trưởng GDP giai đoạn 1990-2010 đạt trung bình 7,3%, tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 thấp hơn nhiều. Nền kinh tế cần nhiều thời gian để trở lại đà tăng trưởng cũ, bởi GDP thực tế và tiềm năng tăng GDP trong năm 2015 xấp xỉ nhau, cho thấy nền kinh tế đang thiếu động lực tăng trưởng. Một biểu hiện là đà phục hồi khu vực công nghiệp xây dựng phụ thuộc nhiều vào giải ngân gói 30.000 tỷ đồng trong quý IV-2015, còn lại chỉ số phát triển công nghiệp PMI cả năm thấp. Một khó khăn vĩ mô khác được đặt ra trong năm qua là tình hình tài khóa căng thẳng hơn, thu NSNN chậm dẫn tới loay hoay tìm nguồn cho chi NSNN và đầu tư phát triển. Chỉ tới tháng 12-2015, Bộ Tài chính mới chắc chắn thu NSNN vượt dự toán, con số thu công bố vào đầu tháng 1-2016 vượt hơn 8%.

 Các điểm nghẽn cần khai thông

Theo tính toán của CIEM, năm 2016 tăng trưởng GDP đạt khoảng 6,82%, lạm phát tăng 4,37%, tăng trưởng xuất khẩu 10,4%, cán cân thương mại thâm hụt 4,1 tỷ USD. Để thực hiện được các con số này nền kinh tế phải vượt qua nhiều thách thức: Áp lực tỷ giá và lãi suất sẽ được hóa giải thế nào? Áp lực từ phát hành TPCP đối với lãi suất và tín dụng cho doanh nghiệp? Tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài, lộ trình tăng giá các mặt hàng nhà nước đang kiểm soát giá, tăng bảo hiểm xã hội, tăng lương gây áp lực cho doanh nghiệp?...

Nhìn bề ngoài các chỉ số tốt lên, nhưng nhìn sâu hơn động lực nằm ở đâu chưa thấy sự thay đổi và tiềm năng tăng trưởng đang bị tận khai đến mức trần. Nhìn riêng từng chỉ tiêu một thì tốt nhưng nhìn sâu chuỗi thu chi ngân sách, nợ công, bội chi ngân sách và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… thấy rất lúng túng. Thậm chí có ít dư địa để cải cách, khó ứng phó với những cú sốc bên ngoài.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị năm 2016 cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô thực chất. Giữa phát hành TPCP và tiết kiệm chi nên nghiêng về phương án tiết kiệm chi để nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN, hướng đến giảm thâm hụt NSNN xuống khoảng 4% GDP. Cần bảo đảm kỷ luật chi NSNN và kỷ luật phát hành TPCP, đồng thời tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA), tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), FTA với Liên minh Kinh tế Á-Âu...

Phân tích động lực tăng trưởng kinh tế 2016, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhấn mạnh động lực tăng trưởng 2015 không phải từ khu vực tư nhân trong nước mà từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 50% giá trị công nghiệp và trên 70% giá trị xuất khẩu. Năm 2016 xu hướng này sẽ tiếp tục. Khu vực tư nhân nhiều khả năng vẫn khó tiếp cận tín dụng khi xu hướng tăng lãi suất thời gian tới vẫn rất mạnh, có một dòng tín dụng đã chuyển vào bất động sản, vào BOT sẽ tạo rủi ro nếu không kiểm soát tốt. Dù 2015 tăng trưởng tín dụng đạt 18%, nhưng chủ yếu tăng vào quý IV khi một lượng lớn TPCP phát hành ra thị trường. Điều này cho thấy khu vực tư nhân vẫn rất khó khăn trong tiếp cận vốn. Nợ xấu chưa có hướng giải quyết triệt để vì chưa có thị trường mua bán nợ. Chỉ số PMI thấp hơn cùng kỳ năm trước, nông nghiệp chưa tạo yếu tố nội sinh cho nền kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân đa số quy mô nhỏ và siêu nhỏ phải trông cậy vào Nhà nước là trọng tài để chống lại sự chèn lấn của khu vực DNNN và doanh nghiệp FDI, nhưng thực tế thời gian qua không cho thấy điều này. Gánh nặng đóng góp đè lên doanh nghiệp khi phải đóng 40,8% lợi nhuận của mình, cho thấy cải thiện môi trường kinh doanh chưa mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Chi phí doanh nghiệp trong sản xuất rất cao. Thực trạng này biểu hiện rất rõ khi giá dầu thô liên tục giảm nhưng giá xăng trong nước không giảm tương ứng, trong khi lại đòi hỏi doanh nghiệp vận tải phải giảm giá cước. Đó là tín hiệu cho thấy cải cách thể chế không tương thích cải thiện môi trường kinh doanh.

 Khôi phục thế mạnh nông nghiệp

Để nền kinh tế phát triển bền vững, một số chuyên gia khuyến nghị cần khôi phục sự phát triển nông nghiệp để làm chủ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Bởi tăng trưởng nông lâm ngư nghiệp trong năm 2015 không ổn định. Sự liên kết khu vực công nghiệp và nông nghiệp chưa như kỳ vọng. Những ngành như chế biến nông lâm thủy sản chưa có nhiều chuyển biến. Nếu không sớm cải thiện, khi tham gia AEC, doanh nghiệp các nước trong khu vực sẽ chiếm lĩnh thị trường nội địa nhờ ưu thế vượt trội. Điều đáng lo ngại nữa là trong khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp liên tục giảm 5 năm qua, riêng năm 2015 giảm sâu hơn. Giải pháp cho ngành nông nghiệp thời gian tới là mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài. Thời gian qua, nước ta đã xuất khẩu xoài, cá ngừ sang Nhật Bản, vải sang Australia… nhưng sau đó không xây dựng được các chuỗi giá trị này. Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề tích tụ đất đai, đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp bằng những chính sách cụ thể. Cần đầu tư hạ tầng trước để kích thích nông nghiệp phát triển. Hiện nay sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn là kinh tế tiểu nông, trang trại chưa chiếm được 1%, nên khó áp dụng khoa học công nghệ. Vì vậy tổ chức lại sản xuất nông nghiệp phải làm bằng chính sách, bằng đầu tư công. Nếu làm tốt những yếu tố này sẽ nâng tầm nông nghiệp nội địa, nâng cao cạnh tranh của nông sản.

Nền kinh tế nước ta cần khôi phục thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp.

Nền kinh tế nước ta cần khôi phục thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp.

Muốn phát triển nông nghiệp, yếu tố đầu tiên phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tức doanh nghiệp phải là hạt nhân từ sản xuất đến chế biến nông sản. Hạn chế là đến nay doanh nghiệp ít đầu tư vào nông nghiệp vì thiếu thị trường đất đai, không cho phép doanh nghiệp được quyền tích tụ đất đai sản xuất. Ngoài ra cần thay đổi cơ chế bảo hiểm nông nghiệp, lập quỹ dự phòng rủi ro. Lúa gạo là một thí dụ, nếu không thay đổi hướng tới gạo chất lượng cao, nông dân có nguy cơ chết ngập giữa mấy triệu tấn gạo nếu các quốc gia như Indonesia, Philippines không tiếp tục nhập gạo giá rẻ. Mặt khác, bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay không cho phép nông dân sản xuất nhiều lúa gạo như trước. Đã đến lúc ngành nông nghiệp phải thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để hướng đến xuất khẩu.

Các tin khác