Trạm thu phí tiếp tục tăng

(ĐTTCO)-Trạm thu phí ngày càng vây kín nhiều tuyến đường ở khu vực Đông Nam bộ. Không chỉ thế, nhiều trạm đã tăng giá thu khiến nhà xe ngày càng khốn đốn.

(ĐTTCO)-Trạm thu phí ngày càng vây kín nhiều tuyến đường ở khu vực Đông Nam bộ. Không chỉ thế, nhiều trạm đã tăng giá thu khiến nhà xe ngày càng khốn đốn.

Ma trận…

Trên đường ĐT 768 qua khu vực TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vừa mọc thêm 2 trạm thu phí. Cụ thể, từ đường ĐT 768 rẽ vào đường Thiện Tân thẳng ra quốc lộ 1 dài khoảng 7km có Trạm thu phí 3A (tại ấp 1, xã Tân An, huyện Vĩnh Cửu) và Trạm thu phí 4A (tại phường Tân Hòa, TP Biên Hòa).

Giá vé qua mỗi trạm trung bình 15.000 đồng. Còn nếu đi ngược đường ĐT 768 hướng ra đường Đồng Khởi để ra ngã tư Tân Phong (TP Biên Hòa) thì phải qua Trạm thu phí 3B (ở ấp Vàm, xã Thiện Tân) và Trạm thu phí 2A (đường Đồng Khởi - giữa phường Tân Phong và phường Trảng Dài), trong khi khoảng cách ở 2 trạm này chỉ trên 10km.

 

Còn ngược đường ĐT 768 đi thẳng đến phường Bửu Long (TP Biên Hòa) cũng phải qua 2 trạm thu phí 3B và 1A (ĐT 768) với chiều dài khoảng cách giữa 2 trạm khoảng 17km.

Đi từ TPHCM về ngã ba Vũng Tàu tỉnh Đồng Nai theo hướng xa lộ Hà Nội chừng 13km, phải qua 2 trạm phí cầu đường. Đó là trạm gần ngã ba Cát Lái và trạm thu phí cầu Đồng Nai - quốc lộ 1. Từ ngã ba Vũng Tàu, xe rẽ vào quốc lộ 51 về hướng TP Vũng Tàu mới được 29km lại tiếp tục phải mua phí do Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thu.

Đáng nói, cách trạm này 19km lại xuất hiện trạm thu phí cũng do đơn vị này thu. Với bán kính 61km có đến 4 trạm thu phí, như vậy khoảng cách trung bình mỗi trạm là 15,25km. Hướng ngược lại, từ TP Biên Hòa về hướng TPHCM theo quốc lộ 1K, vừa qua khỏi bùng binh cầu An (mới) thuộc xã Hóa An (TP Biên Hòa), người đi đường gặp ngay trạm thu phí tại phường Bửu Hòa. Qua khỏi bùng binh cầu An, cũng trên cung đường này rẽ trái sẽ đụng ngay 2 trạm thu phí tại xã Hóa An và xã Tân Vạn.

Ngoài các trạm trên, trên địa bàn TP Biên Hòa có đến 11 trạm thu phí. Điều đáng nói, có trạm cách nhau chưa đến 1km như 2 trạm ĐT 760 và ĐT 743. Trên quốc lộ 20, đoạn từ quốc lộ 1A - ngã tư Dầu Giây hướng lên huyện Định Quán còn có 2 trạm thu phí án ngữ trên cung đường này.

Từ TP Biên Hòa theo hướng quốc lộ 1K về tỉnh Bình Dương, chỉ trong bán kính 30km khu vực thị xã Thuận An - Dĩ An (giáp Đồng Nai và TPHCM) có tới 5 trạm thu phí bao vây các trục đường. Tuyến đường ĐT 743 (nối TP Thủ Dầu Một, Bình Dương và TP Biên Hòa, Đồng Nai) chỉ dài hơn 20km nhưng có đến 4 trạm thu phí, trong đó 2 trạm của Bình Dương và 2 trạm của Đồng Nai.

Hiện tỉnh Bình Dương đang tiếp tục triển khai hàng loạt dự án giao thông theo hình thức BOT như đường Mỹ Phước - Tân Vạn (nối Bình Dương và TPHCM); 3 tuyến đường ở Tân Uyên là ĐT 746, ĐT 747B và ĐT 742 với tổng chiều dài 57km.

Ngoài ra, còn có trạm thu phí Vĩnh Phú (huyện Thuận An) trên quốc lộ 13, hướng TPHCM đi Bình Dương, do Becamex làm chủ đầu tư; trạm Suối Giữa cũng trên quốc lộ 13, cách trạm Vĩnh Phú 20km về hướng thị xã Thủ Dầu Một; trạm Lái Thiêu (huyện Thuận An) cách trạm Vĩnh Phú khoảng 2km; trạm An Phú (huyện Thuận An) cách trạm Lái Thiêu 8km và trạm Bình Thung cách trạm An Phú 18km.  

Nặng gánh

Khi chúng tôi đề cập đến tình trạng trạm thu phí “bủa vây” các tuyến đường, anh Trần Đình Thơ, ngụ huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, chủ hai xe tải 2,5 tấn, bức xúc: “Báo chí đã nhiều lần phản ánh tình trạng này nhưng tôi thấy cơ quan chức năng chỉ cần nâng cấp, mở rộng đường là lập trạm thu phí. Hàng năm tôi phải đóng hơn 2 triệu đồng phí bảo trì đường bộ cho một đầu xe. Tưởng sẽ giảm các khoản phí khác, ai ngờ nay vừa tăng trạm lại vừa tăng giá vé. Nhiều nơi giá vé đã tăng khoảng 10% - 20% so với trước”.

Xe của anh Trần Đình Thơ đi từ TP Biên Hòa tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ khoảng 100km nhưng phải qua tới 5 trạm thu phí. Vừa đi vừa về tiền vé mất tổng cộng 130.000 đồng. Theo nhiều tài xế ở Đồng Nai, xe đi từ TPHCM tới Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại đều gặp các trạm thu phí bủa vây trên các quốc lộ như vậy. Và chi phí mua phí giao thông đang thực sự là gánh nặng cho các đơn vị vận tải.

Hiện Bộ GTVT đang quản lý 74 trạm thu phí BOT trên cả nước. Trong năm 2016, Bộ GTVT không cấp mới dự án BOT nào. Tuy nhiên, vận dụng quy định cho phép HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tùy tình hình thực tế, nhu cầu của địa phương được xem xét cho phép đầu tư xây dựng đường theo hình thức BOT, nhiều địa phương đã cấp phép cho các dự án này triển khai.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, văn bản nêu rõ: Do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển trạm thu phí các dự án BOT nên hiện có tình trạng trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách với trạm thu phí khác là 70km theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Một loạt dự án BOT, tăng phí sẽ tác động trực tiếp tới chi phí vận tải, chỉ số giá tiêu dùng và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Do vậy, Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT có báo cáo đánh giá toàn diện cả những cái được và chưa được của hoạt động thu hút vốn BOT thời gian qua; từ đó có sự chấn chỉnh, điều chỉnh trong công tác đầu tư, quản lý và phê duyệt các dự án theo hình thức đầu tư này.

Các tin khác