Trạm thu phí BOT Biên Hòa đặt đúng hay sai vị trí?

(ĐTTCO)- Vị trí đặt trạm thu phí BOT Biên Hòa, cải tạo QL1 được sự đồng thuận của địa phương, phù hợp quy hoạch mạng lưới trạm thu phí đường bộ của Chính phủ.
Trạm thu phí BOT Biên Hòa vẫn tiếp tục xả trạm.
Trạm thu phí BOT Biên Hòa vẫn tiếp tục xả trạm.

Sau nhiều ngày “thất thủ”, phải xả trạm, mới đây, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai tải đã có buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh, nhà đầu tư Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận, UBND huyện Trảng Bom và 4 xã: Tây Hòa, Trung Hòa, Đông Hòa, Hưng Thịnh để thông tin các nội dung về dự án đầu tư xây dựng tuyến Quốc lộ 1, đoạn tránh TP. Biên Hòa và các phương án đảm bảo cho thu phí trở lại.

Phù hợp quy hoạch

Theo Sở GTVT Đồng Nai, vị trí đặt trạm thu phí của dự án tuyến đường QL1 đoạn tránh TP. Biên Hòa phù hợp với quy hoạch mạng lưới thu phí sử dụng cầu, đường bộ đã được Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1209/CP-CN ngày 16/10/1998 và thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ, được các bộ, ngành và địa phương thống nhất, đồng thuận.

Tuyến QL1 đoạn tránh TP. Biên Hòa là một phần của tuyến QL1. Việc xây dựng tuyến này giúp mở thêm hướng lưu thông từ QL1 đi QL51 nhằm các mục đích sau: giảm tải lưu lượng cho tuyến QL1 hiện hữu; giảm lượng xe quá cảnh qua nội ô thành phố Biên Hòa; góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi cho việc chỉnh trang, phát triển đô thị Biên Hòa theo quy hoạch.

“Kể từ sau khi hoàn thành đi vào khai thác, dự án đã phát huy được hiệu quả đầu tư. Cụ thể là đã giảm tải lưu lượng cho tuyến QL1 hiện hữu từ khu vực dự án về đến nút giao ngã tư Vũng Tàu, đặc biệt là giảm ùn tắc cho khu vực chợ Sặt, chợ Thái Bình. Rút ngắn khoảng 5km cho các phương tiện lưu thông theo hướng từ QL1 đi QL51 thông qua tuyến mở mới, từ đó tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại”, đại diện Sở GTVT Đồng Nai khẳng định.
Theo định hướng tương lai, tuyến QL1 hiện hữu đoạn qua nội đô TP. Biên Hòa sẽ trở thành tuyến đường đô thị và sẽ được Bộ GTVT bàn giao về cho tỉnh Đồng Nai quản lý khai thác.

Trong điều kiện ngân sách khó khăn để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông tạo tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội, Đảng và Chính phủ đã có chủ trương thu hút các nguồn vốn khác ngoài ngân sách cùng tham gia đầu tư. Do đó, việc thực hiện dự án theo hình thức BOT là phù hợp. Trạm thu giá sử dụng dịch vụ của Dự án được xây dụng mới tại Km 1841+912, QL1, nằm trong phạm vi dự án. Vị trí đặt trạm thu giá của dự án Đầu tư xây dựng tuyến QL1 đoạn tránh TP. Biên Hòa là phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ và thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ, được các Bộ ngành Trung ương và địa phương thống nhất, đồng thuận.

Rút ngắn thời gian đi lại trên tuyến QL1

Theo nhiều lái xe đường dài chạy tuyến QL1 cho biết, trước đây khi chưa có tuyến tránh, chưa cải tạo đoạn QL1 qua Biên Hòa này thì đường khá xấu. Từ ngày có BOT thì tuyến đường này được duy tu, đảm bảo giao thông tốt hơn. Thời gian đi lại từ Biên Hòa đến Sông Phan (Bình Thuận) giảm đi được đáng kể.

“Chúng tôi là doanh nghiệp du lịch chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang, Bình Thuận lâu nay. Nói về mức phí từ đây ra Bình Thuận có 2 trạm thu phí, mức thu mỗi trạm 35.000 đồng/lượt cảm thấy chấp nhận được, không quá nhiều trạm. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vận tải cũng gặp nhiều khó khăn, kiến nghị nếu giảm được giá vé cho các xe thì tốt nhất”, anh Dũng, một lái xe chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang nói.

Chủ đầu tư BOT tuyến tránh Biên Hòa cho biết, vị trí đặt trạm và giá vé ở đây hoàn toàn do nhà nước quyết định, chủ đầu tư chỉ là đơn vị thi hành.

Tháng 11/2009, Bộ Tài chính có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho phép đặt trạm thu phí trên QL1 thay vì đúng quy định là trên tuyến tránh, để khuyến khích nhà đầu tư BOT thực hiện dự án. Và theo giấy chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vào tháng 10/2010 thì vị trí trạm được đặt tại Km1841+ 9123 trên QL1 tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

“Suốt từ giai đoạn bắt đầu triển khai đến vận hành khai thác thì vị trí trạm thu phí đã được khẳng định ngay từ đầu, và tuân thủ những quy định liên quan. Việc giảm phí ở đây, khi được Bộ GTVT, Bộ Tài chính chấp thuận chúng tôi sẽ làm theo. Quan điểm là sẽ hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người dân và của doanh nghiệp đầu tư”, ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Đồng Thuận, đại diện nhà đầu tư BOT tuyến tránh Biên Hòa nói.

Đại diện Sở GTVT Đồng Nai cũng cho biết các dự án BOT bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tiếp tục xem xét, đề xuất phương án xử lý nhất là các bất cập xung quanh các trạm thu giá. Về phía tỉnh Đồng Nai qua làm việc với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN), đến nay UBND tỉnh đã thống nhất với TCĐBVN báo cáo Bộ GTVT xem xét giảm 100% cho các phương tiện cư trú tại 4 xã: Tây Hòa, Trung Hòa, Đông Hòa, Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) trong vùng ảnh hưởng. Các xe buýt nội đô, các xe đưa rước công nhân, học sinh trong khu vực dự án với tổng số là 624 phương tiện. Bộ GTVT cũng đã thống nhất giảm giá sử dụng đường bộ cho tất cả các phương tiện, mức giá mới giảm 20% so với mức giá hiện tại đang thu và chính thức áp dụng từ ngày 16/10/2017.

Liên quan đến vấn đề khi nào trạm thu phí QL1 hoạt động trở lại, vị đại diện Sở GTVT Đồng Nai cho biết: Sau buổi họp các ban ngành chức năng và địa phương sẽ thực hiện công tác tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến trạm để người dân nắm rõ thông tin. Sắp tới nhà đầu tư sẽ có thông báo mới chính thức về thời gian hoạt động lại.

Ngày 20/10, trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa và cải tạo QL1 vẫn tiếp tục ngưng hoạt động. Theo chủ đầu tư dự án, phương án thu phí trở lại sẽ được triển khai trong 1 - 2 ngày tới.

Dự án BOT Biên Hòa gồm 2 phân đoạn:

Phân đoạn 1: Cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1841+000 đến Km1851+714, chiều dài 10,7 km. Quy mô đầu tư bao gồm thực hiện đào xử lý hai bên đường, thi công đầy đủ các lớp từ nền móng đường lên đến mặt đường bê tông nhựa, sau khi cải tạo đảm bảo mặt đường đủ 04 làn xe cơ giới. Xây dựng bổ sung, sửa chữa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống thoát nước và hoàn chỉnh các công trình phòng hộ, an toàn giao thông.

Phân đoạn 2: Xây dựng mới tuyến Quốc lộ 1 từ giao Km1851+714 Quốc lộ 1 hiện hữu đến giao Km5+000 Quốc lộ 51, chiều dài 12,2 km. Quy mô đầu tư xây dựng mới hoàn toàn tuyến đường với bề rộng nền đường là 23,6m, bề rộng mặt đường là 20,5m; cầu vượt đường sắt dài 232m, rộng 13m; Cầu Số 3 dài 25,54m, rộng 21,5m; Cầu Suối Quan dài 25,54m, 26,1m. Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước dọc, thoát nước ngang, chiếu sáng và các công trình phòng hộ, an toàn giao thông. Tổng mức đầu tư: 1.506,305 tỷ đồng.

Ngoài việc đầu tư, cải tạo các phân đoạn như trên, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên, trung tu, đại tu theo quy định trong suốt thời gian hoạt động của dự án.

Dự án đã được Kiểm toán Nhà nước (Quyết định số 570/QĐ-KTNN ngày 25/3/2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước) thực hiện kiểm toán hoàn thành tại Văn bản số 266/KTNN-TH ngày 02/8/2016.

Đây cũng là 1 trong 3 dự án BOT trên cả nước hiện đã thực hiện xong các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư với Bộ GTVT và Bộ Tài chính.

Các tin khác