TPHCM thiếu vốn đầu tư hạ tầng giao thông

(ĐTTCO) - Nạn ùn tắc giao thông được coi là điểm nghẽn lớn cho sự phát triển của TPHCM trong suốt nhiều năm qua. Một trong những lý do chính của tình trạng này là ngành giao thông vận tải (GT-VT) TP đói vốn để đầu tư hạ tầng giao thông.
 
Giảm tải khu vực gần sân bay
Cuối tháng 10 vừa qua, Sở GT-VT TPHCM tổ chức thông xe nhánh còn lại hướng Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh của cầu vượt ngã 6 Gò Vấp. Như vậy, sau 5 tháng thi công, nhánh còn lại cầu vượt hình chữ Y tại ngã 6 Gò Vấp dài hơn 280m được đưa vào sử dụng. Theo Sở GT-VT, công trình sẽ giảm kẹt xe đến 80% ở nút giao này. Việc thông xe cầu này nhằm giải quyết 1/37 điểm ùn tắc của TPHCM và khu vực ra vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo thiết kế, nhánh cầu vượt Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh dài 274m, rộng 6m cho 2 làn xe lưu thông và cải tạo hệ thống thoát nước, lắp đặt đèn chiếu sáng, trồng cây xanh. Dự án có tổng mức đầu tư 405,7 tỷ đồng. Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở GT-VT), việc hoàn thành toàn bộ nút giao thông ngã 6 Gò Vấp sẽ góp phần kéo giảm 75-80% tình trạng ùn tắc tại khu vực.
Có thể nói, dự án xây dựng cầu vượt thép hình chữ Y tại ngã 6 Gò Vấp là một trong những công trình quan trọng, góp phần giải quyết điểm nghẽn giao thông đã tồn tại gần chục năm cho trục đường quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi… Trước đó, vào tháng 1-2017 nhánh cầu vượt Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm cũng đã thông xe.
Trong khi đó, nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám (thuộc địa bàn quận Gò Vấp), tuyến đường quan trọng gần sân bay Tân Sơn Nhất, dù mới khởi công vào ngày 3-9 vừa qua, nhưng chủ đầu tư là Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã hoàn tất đưa vào sử dụng vào sáng ngày 16-11. Cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Dự án gồm 3 nhánh cầu theo hướng Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm - Hoàng Minh Giám và Hoàng Minh Giám - Nguyễn Thái Sơn. Nhánh cầu từ đường Hoàng Minh Giám về đường Nguyễn Thái Sơn đã chính thức đưa vào sử dụng từ đầu tháng 7-2017. Riêng nhánh cầu vượt Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (theo hình chữ N) thì dự kiến sẽ đưa vào hoạt động sau Tết Nguyên đán 2018.
Bà Đinh Thị Tuyết, người dân phường 10 (quận Gò Vấp) tâm sự: “Tôi sống ở quận Gò Vấp đã gần 30 năm, chứng kiến cảnh kẹt xe tại nút giao thông ngã 6 Gò Vấp diễn ra như cơm bữa. Mỗi khi có việc đi ra sân bay Tân Sơn Nhất vào đầu giờ sáng tôi vô cùng ngán ngẩm, vì nhích từng bước trên đường Nguyễn Kiệm. Nay người dân chúng tôi đã thoải mái hơn rồi, vì cảnh kẹt xe đã giảm dần từ khi thông xe cầu vượt tại ngã 6 Gò Vấp”.
TPHCM cần 553.879 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2025.
 
Cần nguồn vốn khủng
Theo Sở GT-VT TPHCM, hiện nay TPHCM đã đầu tư được hơn 106km tuyến đường hướng tâm, xây dựng tuyến metro số 1, đang đầu tư Vành đai 2 (chưa khép kín), xây dựng được gần 6km trục xuyên tâm, đang kêu gọi đầu tư 2 tuyến đường trên cao… Dẫu vậy, quỹ đất dành cho giao thông trên đất xây dựng của TP chỉ đạt 8,5% với hơn 8 triệu phương tiện, trong khi theo quy hoạch là 22,3%. Do đó, để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020-2025, TPHCM cần 553.879 tỷ đồng kinh phí đầu tư cho 203 dự án.
Trong số này, các công trình giao thông cầu đường bộ kết nối liên vùng, các tuyến vành đai và các trục hướng tâm cần tổng kinh phí 339.946 tỷ đồng cho 137 dự án; các công trình bãi đậu xe ô tô cần 71.458 tỷ đồng cho 41 dự án; vận tải hành khách công cộng 142.475 tỷ đồng cho 25 dự án. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GT-VT TPHCM, cho biết trong những năm qua, công tác đầu tư hạ tầng giao thông được lãnh đạo TP quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân quan trọng nhất là việc thiếu hụt nguồn vốn giữa nhu cầu và thực tế.
Trong quý II năm nay, UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho TP được áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt để đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với 12 dự án giao thông do nhà đầu tư đề xuất, có tính khả thi cao. Dự kiến, tổng mức đầu tư của 12 dự án này hơn 66.000 tỷ đồng. Trong đó, có những dự án cấp bách cần xây dựng ngay, như dự án đầu tư khép kín đường Vành đai 2 để hình thành tuyến tránh cho các phương tiện giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc tại khu vực phía Đông của TP.
Theo lãnh đạo Sở GT-VT TPHCM, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn ngân sách, khả năng bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư trung hạn (giai đoạn 2017-2020) chưa có; trong khi đó việc kêu gọi nguồn vốn ODA lại bị hạn chế, do đó với nhiều công trình cần ưu tiên, việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức PPP với quy mô thích hợp là cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay.
TPHCM cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng vận dụng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn dưới mọi hình thức để đầu tư kết cấu hạ tầng về giao thông. Chú trọng các nguồn lực xã hội qua hình thức PPP cho các công trình giao thông. Cùng với đó, TP sẽ ưu tiên tập trung vốn cho những công trình có khả năng hoàn thành để đưa vào khai thác, phát huy ngay tác dụng; đầu tư dứt điểm từng công trình theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải.

Các tin khác