TPHCM huy động nguồn vốn chống ngập

(ĐTTCO)-Ngày 18-5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi họp đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X về Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020.
TPHCM huy động nguồn vốn chống ngập

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TP cho biết, thời gian qua, Trung tâm chống ngập TP tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm TP và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) trong phạm vi 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân.

Đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường thành phố. Đến nay đã giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23/23 tuyến đường ngập nước do triều cường, 179/179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều cường; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải.
Cụ thể, trong năm 2016 và 2017 đã giải quyết được 15 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Quốc lộ 13 (quận Bình Thạnh), An Dương Vương (từ cầu Mỹ Thuận đến bến Phú Định), Gò Dầu, Lê Thành Phương, Mai Hắc Đế, Lương Văn Can, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Mai Xuân Thưởng, Hồng Bàng, Tân Hương, Gò Dưa.

Năm 2018 đang triển khai các dự án để giải quyết 7 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Mễ Cốc 2, Lưu Hữu Phước 2, Lương Định Của, Tôn Thất Hiệp, Hồ Văn Tư, Trương Vĩnh Ký, An Dương Vương (từ Tân Hòa Đông đến Bà Hom).

Như vậy, đến giữa nhiệm kỳ đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập đạt 59,46% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020.

Hiện nay, chủ đầu tư các dự án giải quyết 15 điểm ngập còn lại đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch.

Hiện đã hoàn thành đưa vào vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Tham Lương Bến Cát (công suất 131.000m3/ngày);  Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy từ 141.000m3/ngày lên 469.000m3/ngày; Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (công suất 480.000m3/ngày); Nhà máy Xử lý nước thải Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày.

Đối với 3 nhà máy xử lý nước thài (gồm Tân Hóa Lò Gốm công suất 300.000m3/ngày; Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000m3/ngày; nâng cấp, mở rộng Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa từ công suất 30.000m3/ngày lên 180.000m3/ngày).

Năm 2017 đưa vào vận hành 4 trạm xử lý nước thải gồm: khu dân cư 17,3 ha (quận 2) công suất 3.000 m3/ngày, khu dân cư 18,4 ha (quận 2) công suất 7.000 m3/ngày, Vĩnh Lộc B (huyện Binh Chánh) công suất 3.700 m3/ngày và hồ sinh học kênh Ba Bò (quận Thủ Đức) công suất 25.000 m3/ngày.

Về nhóm giải pháp công trình, hoàn thành 6 dự án góp phần cải tạo 1,8 km hệ thống thoát nước, góp phần giải quyết thoát nước và ngập cục bộ cho khu vực dự án. Đưa vào vận hành của 26 trạm bơm với số lượng 56 máy có công suất từ 168m3/giờ đến 84.000 m3/giờ bơm khi có mưa,

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của TP, do vậy nguồn vốn chi cho lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn hạn hẹp dần trong khi nhu cầu thực tế rất lớn.

Hiện Trung tâm chống ngập đang triển khai bước chuẩn bị đầu tư xây dựng 3 hồ điều tiết; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải và hệ thống cống bao. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc để hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục kiểm soát triều của dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (gịai đoạn 1); xây dựng 2 cống Vàm Thuật, rạch Nước Lên dự kiến sử dụng nguồn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB; xây dựng 12 km đê bao xung yếu thuộc bờ tả sông Sài Gòn; chuẩn bị đầu tư 4 dự án cải tạo trục tiêu thoát nước chính bà Tiếng, bà Lớn, Xóm Củi, Lung Mân (ngân sách Trung ương nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đang trình UBND TP chuyển nguồn về ngân sách thành phố).

Tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 là 96.329 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách TP 6.338 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương nguồn SCIC (đang xin chuyển nguồn từ vốn Trung ương về ngân sách TP, mới được bố trí 30 tỷ đồng chuẩn bị đầu tư) là 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là 588 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa là 21.865 tỷ đồng (trong đó có chính thức là 9.926 tỷ đồng) và nguồn vốn ODA là 57.518 tỷ đồng (đang tìm nguồn tài trợ).

Nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc quy hoạch tổng thể thoát nước TP đến năm 2020 (Quy hoạch 752) là 52.897 tỷ đồng gồm các dự án: xây dựng 3 hồ điều tiết; xây dựng, cải tạo hệ thống thoát nước giải quyết ngập do mưa (65 dự án và 2 chương trình); cải tạo rạch Xuyên Tâm; xây dựng nhà máỵ xử lý nước thải và hệ thống cống bao; quản lý rủi ro ngập khu vực TP.

Nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP (Quy hoạch 1547) là 20.482 tỷ đồng gồm các dự án: giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (PPP-BT); Bờ tả sông Sài Gòn; cống kiểm soát triều sông Kinh; nạo vét cải tạo 8 trục tiêu thoát nước chính.

Tổng cộng còn thiếu (Quy hoạch 752 và Quy hoạch 1547) là 46.527 tỷ đồng; còn lại 26.852 tỷ đồng (trong đó chắc chắn có 16.852 tỷ đồng, đang xin chuyển nguồn là 10.000 tỷ đồng).

Trung tâm chống ngập kiến nghị, UBND TP thông qua kế hoạch đầu tư các tuyến đường, hẻm (do UBND quận - huyện quản lý), hệ thống sông, kênh rạch kết nối đồng bộ với dự án giải quyết ngập do triều khu vực thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).

Mời gọi đầu tư các dự án bằng nguồn xã hội hóa và ODA.

Kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai thực hiện kế hoạch Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020.

UBND các quận, huyện quản lý có hiệu quả, xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, san lấp kênh rạch trái phép làm giảm năng lực tiêu thoát và trữ nước mưa, thường xuyên nạo vét thông thoáng kênh rạch thoát nước; sớm thống nhất về các quy phạm kỹ thuật có liên quan pháp lý (chỉ giới sông, kênh rạch, mép bờ cao...) để tiến hành giải tỏa tình trạng lấn chiếm…

Trung tâm chống ngập kiến nghị Thành ủy, HĐND TP chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện tập trung triển khai nhiệm vụ được giao, hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016-2020.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao kết quả Trung tâm chống ngập TP làm trong thời gian qua, bám sát 5 mục tiêu chương trình hành động do Thành ủy nêu ra.

Trung tâm chống ngập TP cần hệ thống lại các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để đối chiếu theo từng mốc thời gian thực hiện.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho rằng, ngập có rất nhiều nguyên nhân, vì vậy, không chỉ có Trung tâm chống ngập mà tất cả các sở ngành, quận huyện và các đơn vị liên quan tập trung các giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng ngập. Mục tiêu giải quyết dứt điểm tại lưu vực trung tâm và một phần 5 lưu vực ngoại vi như chương trình đã đề ra.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị Trung tâm chống ngập cập nhật, hệ thống hóa lại theo 5 nhóm giải pháp và đánh giá cái được và chưa được trong 2 năm rưỡi năm vừa qua (các công trình).

Trung tâm chống ngập nghiên cứu đề xuất giải pháp thời gian tới, nhất là khâu nguy động nguồn vốn.

“Để chống ngập hiệu quả, công tác quản lý và kết nối quy hoạch còn rất hạn chế, Trung tâm chống ngập mở rộng không gian trữ nước cần ở đâu cụ thể và còn chỗ nào nữa ngoài các điểm đã quy hoạch (hồ điều tiết), nghiên cứu cụ thể từng khu vực thoát nước, hiệu quả quản lý Nhà nước trong vấn đề quản lý hệ thống thoát nước, triển khai giải pháp cụ thể để giải quyết hệ thống thoát nước đồng bộ. Việc ngập nước có rất nhiều nguyên nhân, do triều cường dâng cao, lượng mưa lớn, hệ thống kênh rạch chưa được nạo vét, rác thải, xây dựng lấn chiếm, hệ thống thoát nước còn hạn chế, công tác quản lý phối hợp chưa đồng bộ… Vì vậy, giải pháp thực hiện phải đồng bộ tất cả các nguyên nhân này”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Các tin khác