Tiếp tục lấy ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

(ĐTTCO)-Dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn và đi qua nhiều địa phương trên hành lang Bắc - Nam nên quá trình chuẩn bị đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận cao của Chính phủ, Trung ương, Quốc hội và người dân.
Tiếp tục lấy ý kiến về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Tại cuộc họp về phương án nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gần đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, hành lang Bắc - Nam kết nối 2 trung tâm kinh tế, chính trị lớn Hà Nội và TPHCM, đi qua 20 tỉnh, thành phố (chiếm 61% GDP cả nước), có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, thể hiện ý nguyện dân tộc về sự thống nhất của đất nước. 

Thực hiện các chủ trương về đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao tại Kết luận số 27-KL/TW ngày 17-9-2008 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16-1-2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Luật Đường sắt số 06/2017/QH14, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ GTVT phối hợp với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà kinh tế và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cơ bản hoàn thành quá trình nghiên cứu.

Tuy nhiên, đây là dự án có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, khối lượng bồi thường, giải phóng mặt bằng lớn và đi qua nhiều địa phương trên hành lang Bắc - Nam nên quá trình chuẩn bị đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để tạo sự đồng thuận cao của Chính phủ, Trung ương, Quốc hội và người dân.

Dự án phải được trình Hội đồng thẩm định nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ thông qua để xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, dù đã lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học và người dân nhưng dự án vẫn còn những ý kiến khác nhau, đặc biệt là việc xác định giai đoạn đầu tư dự án.

Vì vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trên cơ sở hồ sơ dự án đã được hoàn thiện, Hội đồng thẩm định nhà nước sau khi thành lập tổ chức thẩm định theo quy định, xem xét kỹ lưỡng về sự cần thiết đầu tư, hiệu quả kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh; làm rõ khả năng cân đối nguồn lực đầu tư dự án trong giai đoạn 2021 - 2030; đặc biệt là cân nhắc nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án giao thông lớn (như đường bộ cao tốc, hệ thống cảng hàng không, nâng cấp tuyến đường sắt hiện có và các hạ tầng giao thông khác) hoặc đề xuất đầu tư dự án giai đoạn sau năm 2030 để cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển theo từng giai đoạn cho phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét để báo cáo các cấp thẩm quyền theo quy định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và người dân, thu thập thêm kinh nghiệm các nước đã và đang phát triển đường sắt tốc độ cao để có đủ cơ sở hoàn thiện dự án và tạo sự đồng thuận cao đối với việc đầu tư dự án theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các tin khác