Tiếp sức giao thông công cộng

(ĐTTCO) - Trong những tháng đầu năm, hàng ngàn tỷ đồng ngân sách đã được giải ngân, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Bức tranh giao thông công cộng TPHCM đã có gam màu sáng.
Xe buýt đuối hơi
Trong bài toán giải tỏa ùn tắc giao thông tại TPHCM, hệ thống xe buýt, tuyến BRT (xe buýt nhanh), metro được xem là loại hình giao thông công cộng thay thế phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô con). Tuy nhiên, các loại hình giao thông này đang gặp khó về cơ chế, nguồn vốn, dẫn đến đuối hơi, thậm chí có dự án còn chết yểu.
 Trong năm nay, TPHCM khẩn trương đẩy nhanh tiến độ công tác đầu tư xây dựng, nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình giao thông mang tính cấp bách trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông. Ưu tiên tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình để kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái. Đáng chú ý, TP xây dựng các nút giao thông trọng điểm, khép kín đường Vành đai 2, các tuyến đường cửa ngõ TP.
Ông NGUYỄN THÀNH PHONG,
Chủ tịch UBND TPHCM
 
Quyết định 568/QĐ-TTG ngày 8-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn sau năm 2020, xác định rõ thị phần vận tải hành khách công cộng đảm bảo thực hiện được tối thiểu 60-80%.
Theo đó, vận tải bằng xe buýt tối ưu hóa mạng lưới hiện tại và phát triển mở mới bình quân 20-25 tuyến/năm (giai đoạn 2019-2020) và 17-18 tuyến/năm (giai đoạn 2021-2030). Cuối năm 2020, có khoảng 200-220 tuyến, với 4.500-5.200 phương tiện... Ngoài ra, đề án dự kiến hoàn thành 1 tuyến metro và 1 tuyến BRT đến năm 2020; 6 tuyến metro và 5-6 tuyến BRT đến năm 2030; phát triển mạng lưới buýt đường sông 3-5 tuyến đến năm 2020 và 12-15 tuyến vào năm 2030. 
Tuy nhiên, việc phát triển xe buýt gặp rất nhiều khó khăn, mạng lưới tuyến xe buýt TP chưa phân cấp rõ ràng. Phát triển mạng lưới trong giai đoạn hiện nay chỉ dựa vào nhu cầu thực tế đi lại của người dân, chưa có quy hoạch chi tiết cũng như định hướng lâu dài. Đáng lưu ý, năm 2017 TPHCM có 144 tuyến với 2.603 phương tiện xe buýt. Năm 2018 TP chỉ còn 138 tuyến (trong đó có 100 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá), với số lượng 2.457 phương tiện, giảm cả số tuyến và số phương tiện.
Báo cáo tổng kết của Sở GTVT TP về khối lượng vận tải bằng xe buýt năm 2018, khối lượng đạt 296,5 triệu lượt hành khách, tăng 1,7%. Tuy nhiên, khối lượng trên các tuyến có trợ giá chỉ đạt 211,8 triệu lượt, giảm 6,7% cùng kỳ và chỉ đạt 82,8% kế hoạch. Riêng tuyến BRT sau nhiều lần đưa ra nghiên cứu, đến nay UBND TP đã quyết định dừng triển khai, do kinh phí đầu tư BRT rất lớn và hiệu quả không cao, thiếu thực tế.
Tiếp sức giao thông công cộng ảnh 1 TPHCM đã tạm ứng 2.185 tỷ đồng để đẩy mạnh tiến độ dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. 
Giải ngân vốn cho metro
Theo Quyết định 568, hệ thống đường sắt đô thị của TP gồm 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt 1 ray. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị khoảng 220km, với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Trong những giải pháp nòng cốt để giảm tình trạng kẹt xe dai dẳng ở TP, các tuyến metro đang được thi công mang lại kỳ vọng lớn cho người dân TP. 
Vào trung tuần tháng 3 vừa qua, làm việc với Ban quản lý đường sắt đô thị TP, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nhấn mạnh nếu metro là giải pháp quan trọng để giải quyết vấn đề giao thông đô thị của các TP hàng triệu dân, nó chỉ có ý nghĩa thực sự khi hoạt động như một hệ thống.
Còn nếu lâu lâu làm 1 tuyến phải mất vài ba chục năm mới giải quyết vấn đề giao thông. Do đó, việc triển khai vận hành tuyến metro số 1 và số 2 có ý nghĩa hết sức quan trọng để có bài học về vấn đề kỹ thuật, bài học về quản lý. Vì vậy, phải có mục tiêu tổng thể đưa 8 tuyến metro vào hoạt động.
Cụ thể hóa điều nêu trên, TP vừa thành lập tổ công tác liên ngành thực hiện các dự án đường sắt đô thị TPHCM trên cơ sở sáp nhập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện và tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.
Theo đó, tổ công tác liên ngành thực hiện các dự án đường sắt đô thị TPHCM gồm 22 thành viên do Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến làm tổ trưởng, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP Bùi Xuân Cường làm tổ phó. Tổ công tác liên ngành thực hiện các dự án đường sắt đô thị TPHCM chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo giải quyết các vấn đề về tổ chức thực hiện các dự án tuyến đường sắt đô thị; đảm bảo chế độ quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan chức năng, các chủ đầu tu dự án khác có liên quan để triển khai có hiệu quả. 
Đặc biệt, sau những thời điểm khó khăn về giải ngân vốn, ngày 21-3 vừa qua, UBND TP có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và Ban quản lý đường sắt đô thị TP về việc tạm ứng vốn cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Theo đó, UBND TP chấp thuận tạm ứng đợt 1 năm 2019 từ ngân sách TP, với tổng số tiền 2.185,5 tỷ đồng cho dự án, đồng thời giao Sở Tài chính phối hợp Kho bạc Nhà nước TP khẩn trương thực hiện thủ tục tạm ứng theo tiến độ giải ngân thực tế cho dự án từ nguồn ngân sách TP. Các dự án trọng điểm hạ tầng giao thông đang được cấp tập triển khai trong năm 2019 ở TPHCM, thời gian tới chắc chắn thực trạng giao thông đô thị ở TP sôi động nhất cả nước này sẽ được cải thiện đáng kể.

Các tin khác