Tập trung xử lý các điểm ngập nặng

(ĐTTCO)-Ngày 30-5, Đoàn công tác Thường trực HĐND TPHCM do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP cùng các sở ngành về các dự án chống ngập trên địa bàn TP.
Đoàn giám sát các tuyến kênh bị lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy. Ảnh QUỐC HÙNG
Đoàn giám sát các tuyến kênh bị lấn chiếm gây ách tắc dòng chảy. Ảnh QUỐC HÙNG

Tại buổi làm việc, Phó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP Nguyễn Hoàng Anh Dũng đã báo cáo khái quát tổng thể về quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM với tổng diện tích vùng nghiên cứu 968.500ha, với 13 cống kiểm soát triều và hệ thống đê bao dài 172 km. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư quá lớn nên giai đoạn 1 (2015 - 2020) tập trung giải quyết khu vực trung tâm thành phố (550km2). Tổng nguồn vốn dự kiến bố trí trong trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đối với các dự án cải tạo xây dựng hệ thống thoát nước là 11.056 tỷ đồng. Trong đó, 64 dự án 10.556 tỷ đồng, 2 chương trình là 500 tỷ đồng. Cụ thể, 27 dự án chuyển tiếp có 19/27 dự án đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả chống, giảm ngập cho các khu vực như quận 5, 9, quận Tân Phú, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Hóc Môn, Củ Chi. Tổng mức đầu tư các dự án 1.843 tỷ đồng. 8/27 dự án đang triển khai thi công và 7 dự án cơ bản hoàn thành trong năm nay, 1 dự án hoàn thành trong năm 2020 với tổng mức đầu tư 1.275 tỷ đồng.

20 dự án vừa được HĐNDTP thông qua trung hạn ngày 11-5 vừa qua, dự kiến khởi công cuối năm nay hoặc đầu năm 2020. 3 dự án về các giải pháp công nghệ, điều khiển, quan trắc với tổng mức đầu tư khoảng 3.784 tỷ đồng chưa được đầu tư do chưa cân đối được nguồn vốn. 7 dự án chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nên cũng chưa triển khai được.

Thành phố đang hoàn thiện quy hoạch 103 vị trí hồ điều tiết cần đâu tư xây dựng. Cụ thể, quận Thủ Đức có 2 hồ là công viên Gò Dưa (28ha) và Linh Đông (8ha); quận 2 có 2 hồ trung tâm khu Thủ Thiêm (18ha), khu dân cư 87ha phường An Phú (2ha); quận Bình Tân công viên tại phường An Lạc (l,4ha); quận 7  2 hồ gồm ao Song Tân thuộc phường Tân Kiểng và Bình Thuận (7,4ha); Bình Chánh công viên Vĩnh Lộc (85ha); quận 12 có 2 hồ phường An Phú Đông (l,73ha), phường Thạnh Xuân (150ha); Tân Bình khu vực Bàu Cát; quận Gò Vấp, khu vực công viên Gia Định. Hiện nay đang triển khai thực hiện 3 hồ, trong đó, kêu gọi đầu tư bằng hình thức PPP 2 dự án tại công viên Gò Dưa (Thủ Đức) rộng 28ha, công viên Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8ha, và đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách 1 dự án tại khu vực Bàu Cát (Tân Bình) rộng 0,4ha.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP kiến nghị UBND TP xem xét bố trí vốn đối với các dự án vừa được HĐNDTP thông qua trung hạn ngày 11-5 vừa qua, để triển khai thực hiện, góp phân hoàn thành kế hoạch giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020. Chấp thuận giao đơn vị quản lý vận hành đối với các dự án Tham Lương Bến Cát (giai đoạn 1), 2 công trình thủy lợi bờ hữu Nam Rạch Tra và Bắc Rạch Tra, kênh Ba Bò, cống kiểm soát triều ông Đụng. Bên cạnh đó, cần khẩn trương triển khai các dự án nạo vét kênh rạch các trục thoát nước chính.

Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến của đại biểu cho rằng, tiến độ triển khai các dự án chậm chạp gây bức xúc trong dư luận. Thành phố triển khai nhiều hạng mục công trình nhưng kết quả giảm ngập chưa được như kỳ vọng, bằng chứng những cơn mưa đầu mùa vừa qua hầu như quận huyện nào cũng bị ngập. Vì vậy, đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP cũng như các đơn vị liên quan cần rà soát lại tình trạng ngập trên toàn TP, trong đó, xác định rõ đường ngập do mưa, ngập do triều cường và ngập khi mưa kết hợp với triều cường để có hướng giải quyết. Ngoài các giải pháp như thời gian qua, còn giải pháp nào để ứng phó giải quyết nhanh các tuyến đường bị ngập nặng để giúp người dân ổn định cuộc sống cũng như lưu thông an toàn.

Về việc tiếp nhận, quản lý vận hành, duy tu sửa chữa các công trình sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng như thời gian qua là chưa ổn. Việc triển khai thực hiện 103 hồ điều tiết quá chậm mặc dù đã có chủ trương từ lâu. Bên cạnh đó, cách xây dựng và kết nối giữa các hồ điều tiết như thế nào để đồng bộ với hệ thống thoát nước chứ không chỉ là xây hồ chứa nước. Về việc xử lý ô nhiễm tại các tuyến kênh rạch đã được đầu tư phải có giải pháp để phát huy tác dụng chứ không thể để xả thải ô nhiễm rồi thành phố lại tiếp tục đổ tiền để xử lý.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh, với sự nỗ lực rất lớn của UBND TP cùng với sự tham mưu của các sở ngành liên quan, quận huyện có nhiều chuyển biến góp phần giảm ngập do mưa và triều. Tuy nhiên, qua giám sát nhìn chung tiến độ thực hiện các dự án còn chậm; trong đó có những dự án HĐND TP đã duyệt từ năm 2016 như kênh A41, kênh Tân Trụ… nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Đồng thời, sự phối hợp giữa các sở, ngành và UBND quận huyện chưa thực sự nhịp nhàng để tạo điều kiện cho việc triển khai dự án trọng điểm trên địa bàn diễn ra tốt.

Bên cạnh đó, công tác xử lý các điểm ngập còn nhiều khó khăn. Kinh phí dành cho công tác chống ngập rất lớn nhưng hiệu quả chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng thời gian tới, các đơn vị liên qua phải tích cực hơn đánh giá lại hiệu quả các dự án, rà soát cập nhật các tuyến đường bị ngập để tham mưu UBND TP điều chỉnh phù hợp. Đặc biệt, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP tích cực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với các sở, ngành để tiến độ thực hiện dự án nhanh hơn. Riêng các điểm ngập khảo sát cụ thể, đánh giá để tập trung xử lý ngay trong năm nay.

Các tin khác