Tân Sơn Nhất tất bật ngày cuối năm

(ĐTTCO) - Vào dịp cuối năm, Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là nơi tất bật nhất trong cả nước, với hàng trăm ngàn lượt khách đến và đi mỗi ngày. Do nhu cầu đi lại đường hàng không tăng rất cao nên ngay từ lúc này, các phương án chống ùn tắc cho sân bay đã được các đơn vị chức năng triển khai đồng loạt.
Chưa đến Tết Dương lịch 2019 nhưng hành khách tại SBQT đã rất đông đúc.
Chưa đến Tết Dương lịch 2019 nhưng hành khách tại SBQT đã rất đông đúc.
Ngủ gục chờ người thân
Những năm gần đây, cứ gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng chen chúc, vạ vật ở khu vực Sân bay quốc tế (SBQT) Tân Sơn Nhất lại xảy ra, gây nhiều trở ngại cho khách đi và khách đến. Những ngày gần đây, khu vực nhà ga trong nước và quốc tế đều đông nghịt người. Đông nhất tại ga đến quốc tế, hàng trăm người tập trung chờ đón người thân từ nước ngoài về khiến khu vực này như “lò nung”.
Nhiều gia đình ở khu vực ĐBSCL và các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu lái xe lên sân bay, ngồi thành từng nhóm, chờ ở hành lang. Nhiều trẻ em ngồi đợi trong đêm khuya đã ngủ gục trên tay ba mẹ, nhiều người cũng tranh thủ gục đầu trên băng ghế.
Bà Duyên Bùi, Việt kiều sinh sống tại bang Florida (Mỹ) cứ 2 năm lại về Việt Nam đón Tết cùng người thân, thấy cảnh đông đúc như trên tại SBQT Tân Sơn Nhất có nhận định: “Ở phương Tây ít khi diễn ra cảnh đưa đón đông người, vì đó không phải là thói quen của họ. Tại Việt Nam, mỗi khi ai đó đi xa hoặc chuẩn bị về, người thân dù bận cũng phải sắp xếp đến tận nơi để đón hoặc chào tạm biệt. Việc này thể hiện tình nghĩa trọn vẹn. Nhưng do cơ sở vật chất tại sân bay chưa phát triển, dẫn đến quá tải khu chờ đón. Bản thân tôi khi về Việt Nam chỉ thông báo cho một và người thân, đồng thời dặn không phải đi đón”.
Nói về hiện tượng “1 người về, 10 người đón”, các chuyên gia cho rằng đây là thói quen của nhiều gia đình. Nhưng trong tình hình cuối năm nhu cầu đi lại tăng đột biến, số lượng hành khách đến và đi ở các sân bay rất cao, các gia đình nên cân nhắc việc nhiều người đưa đón thân nhân cho hợp lý, vừa tránh quá tải cho sân bay.
Chưa Tết đã kẹt xe
 Trong đợt cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2019 sắp tới, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao sẽ tạo áp lực rất lớn lên các tuyến đường quanh SBQT Tân Sơn Nhất. Do đó, ngoài lực lượng phản ứng nhanh thực hiện công tác giám sát, xử lý các trường hợp khẩn cấp, Thanh tra Sở GTVT TPHCM đã lên kế hoạch tăng cường 3 tổ công tác chốt tại khu vực đường Trường Sơn, Cộng Hòa, khu vực đầu đường Phạm Văn Đồng và 1 chốt ngay trong sân bay. Toàn bộ lực lượng thuộc Thanh tra Sở GTVT sẽ được huy động trực chiến, nhất là khu vực trước cửa sân bay.
Ông Trần Quốc Khánh,
Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM.
Chưa vào cao điểm Tết Dương lịch 2019 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhưng các tuyến đường vào SBQT Tân Sơn Nhất trong những ngày cuối năm 2018 đã thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc. Các chuyến bay thường xuyên bị trễ chuyến, đổi giờ bay khiến hành khách lo lắng. 
Sáng ngày 26-12, các tuyến đường quanh sân bay như Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi, Phổ Quang, Phan Thúc Duyện, Trần Quốc Hoàn, vòng xoay Lăng Cha Cả… xảy ra ùn tắc giao thông, hàng ngàn phương tiện xếp hàng dài, nhích từng mét. 
Ông Nguyễn Thanh Cao (ngụ phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM) có việc phải đi Đà Nẵng trong buổi sáng, mò mẫm mãi ông mới đến được sân bay. Ông Cao than: “Hơn 1 tháng nữa mới đến Tết nhưng đường vào cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất đã kẹt cứng. Đi đoạn đường từ quận 12 tới sân bay chừng 7km nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ. May mà tôi chủ động đi xe ôm mới không bị trễ chuyến bay”.
Thật ra không cần ngày cao điểm, tuyến đường từ SBQT Tân Sơn Nhất chạy về khu vực trung tâm TPHCM gần như lúc nào cũng trong tình trạng quá tải phương tiện giao thông, xe và người nhung nhúc, di chuyển rất chậm. Phòng CSGT đường bộ, đường sắt – Công an TPHCM cho biết, mật độ xe cộ trên đường Trường Sơn, tuyến đường huyết mạch ra vào sân bay là rất lớn, ước khoảng 100.000 lượt người mỗi ngày, khiến cửa ngõ ra vào sân bay thường xuyên kẹt cứng.
Trong thời gian cao điểm phục vụ trước và sau Tết Kỷ Hợi, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát ở các tuyến đường ra vào sân bay, nhất là các khung giờ cao điểm từ 10 giờ - 14 giờ, 16 giờ 30 – 19 giờ 30. Lực lượng chức năng sẽ tăng cường xử phạt tình trạng dừng, đỗ sai quy định, đặc biệt là tình trạng dừng xe, bật xi nhan.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm giao thông công cộng TPHCM cho hay TP vừa tổ chức 4 tuyến xe buýt đưa đón khách ra, vào sân bay nhằm giảm phương tiện cá nhân, giảm áp lực giao thông khu vực sân bay. Tùy theo tình hình thực tế lượng khách dịp cao điểm Tết, Trung tâm sẽ linh hoạt tăng them xe buýt chạy tuyến đường này.
Thêm nhiều vị trí đỗ máy bay
Thông tin từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sắp tới, SBQT Tân Sơn Nhất sẽ bớt áp lực so với những năm trước, khi hàng loạt công trình hạ tầng được khai thác. Theo đó tại sân bay này có thêm 29 vị trí đỗ máy bay từ khu đất gần 20ha đất quân sự bàn giao và 8 bến đậu cho máy bay Code C, cùng 1 đường lăn giảm tải.
Như vậy từ nay đến giáp Tết, SBQT Tân Sơn Nhất sẽ được bổ sung 37 vị trí đỗ máy bay và 1 đường lăn. Các công trình này sau khi được đưa vào hoạt động sẽ giảm tải áp lực khai thác tại sân bay, góp phần hạn chế tình trạng ách tắc dẫn đến chậm, hủy chuyến bay trong dịp cao điểm nhất trong năm. Trước mắt, vào dịp Tết Dương lịch 2019, lãnh đạo ACV cho hay SBQT Tân Sơn Nhất đã lên kế hoạch tuần tra, kiểm soát khu vực sảnh nhà ga, đảm bảo không để các phương tiện dừng, đậu, đưa trả khách quá 3 phút; không để tình trạng xe dù, taxi Grab, xe ôm vào đón khách trái phép, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực sân bay. 
Đến thời điểm này, đại diện Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air cho biết cũng đã có kế hoạch chuẩn bị và tăng cường nhân sự để kịp thời hỗ trợ, phục vụ tốt cho hành khách đi lại dịp Tết. Trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, 3 hãng hàng không này sẽ tăng gần 4.000 chuyến bay, tương đương tăng thêm 70% so với ngày thường.
Một trong những giải pháp được đưa ra là Cảng vụ hàng không miền Nam và các hãng hàng không cần tăng cường bay đêm (từ 22 giờ  đến 5 giờ sáng hôm sau), đảm bảo an toàn giao thông ở khu vực trước nhà ga, đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ từ nhà gửi xe vào nhà ga.

Các tin khác