Tài xế đòi trả lại 100 đồng, BOT Cai Lậy phải xả trạm lần 3

(ĐTTCO)- Rạng sáng nay do tình hình trật tự an toàn giao thông tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang diễn biến phức tạp, buộc trạm phải xả trạm lần 3.
Lộn xộn trạm trạm thu phí vào rạng sáng ngày 1/12.
Lộn xộn trạm trạm thu phí vào rạng sáng ngày 1/12.
Tối qua (30/11), mặc dù trạm có 4 làn thu phí theo hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi miền Tây nhưng do có các tài xế sử dụng tiền lẻ, thời gian kéo dài nên các phương tiện phía sau ‘kẹt cứng”. Theo đó các tài xế này luôn đưa dư số tiền 100 đồng, yêu cầu nhân viên bán vé phải trả lại 100 đồng.
Nhân viên hướng dẫn cho phương tiện qua trạm, tài xế không đồng ý vì cho rằng chưa mua vé nên làn thu phí luôn quá tải. Trạm thu phí BOT Cai Lậy mở thêm làn thứ 5, một số tài xế tiếp tục sử dụng tiền lẻ đi vào làn thu phí mới, ùn tắc giao thông thêm nặng nề, trạm thu phí buộc phải xả trạm lần 3. Đến giữa giờ sáng nay, 1/12, trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn còn xả trạm, giao thông trên Quốc lộ 1 thông thoáng.
Liên quan đến vụ giằng co dẫn đến tạm giữ 2 tài xế tại trạm thu phí BOT Cai Lậy vào chiều 30/11, hôm nay công an huyện Cai Lậy cho biết, 2 lái xe này đã được cho ra về. Đơn vị công an đã lập biên bản vi phạm hành chính và sẽ mời 2 tài xế khi có yêu cầu.
*-BOT Cai Lậy đã liên tục vấp phải sự phản đối của người dân vì đã “không đảm bảo quyền lựa chọn của dân”.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy sau một thời gian tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại thu phí vào ngày 30/11, nhưng ngay sau đó vấp phải sự phản đối của người dân đã khiến trạm này lại phải xả trạm. Như vậy, hàng loạt các "tương kế, tựu kế" của nhà đầu tư, cơ quan quản lý để ứng phó với người dân đi qua trạm thu phí này đã tiếp tục thất thủ. Hơn ai hết, chỉ có người dân đi qua đây mới thấy bức xúc khi những nhà đầu tư vẫn hàng ngày lấy  tiền của họ trên con đường mà họ đã phải đóng thuế để xây dựng.

Được biết, chủ đầu tư BOT Cai Lậy đã bỏ ra 300 tỷ đồng để tu sửa một đoạn đường Quốc lộ 1 và hơn 1.000 tỷ đồng để làm tuyến tránh qua Thị xã Cai Lậy – rồi sau đó đặt trạm thu phí. Vì trạm thu phí này đặt sai vị trí nên mới xảy ra những rắc rối như thời gian vừa qua. Giải pháp đã từng được đưa ra với trạm thu phí Cai Lậy là xóa bỏ hoặc đưa về đúng vị trí là tuyến tránh mà doanh nghiệp đã bỏ tiền xây dựng.

Câu chuyện trải mặt đường Quốc lộ 1 rồi đặt trạm thu phí Cai Lậy không khác gì với đoạn Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt những sai phạm thời gian qua. Vậy tại sao cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT lại vẫn thỏa hiệp với doanh nghiệp để trạm thu phí tồn tại như cái gai trong mắt người dân, thách thức dư luận, bất chấp qui định? Và vì lẽ gì mà Bộ Giao thông Vận tải lại để đời sống của biết bao con người hàng ngày phải đi qua trạm BOT Cai Lậy bị đảo lộn, gây ức chế đến như vậy?

Trước tình trạng hàng loạt trạm thu giá BOT giao thông gây bức xúc trong dư luận, ngày 21/10 vừa qua, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết 437 nêu rõ: Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. 

Chiểu theo Nghị quyết này của Quốc hội thì trạm thu phí BOT Cai Lậy không có lý do gì để tồn tại, để rồi các lực lượng an ninh ở địa phương phải tốn thời gian, công sức đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại khu vực trạm thu phí.

Còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm trước Quốc hội về xây dựng một Chính phủ kiến tạo là “Thay ngay những cán bộ "giao mãi không chịu làm. Cán bộ kém, dân kêu mà mãi không thay được thì kiến tạo cái gì?”.

Thủ tướng có biết, những người lãnh đạo quốc gia như ông đang rất cố gắng nhưng bên dưới "lại đang rất lạnh" khi mà những người có quyền trong tay đang đặt lợi ích của một nhóm người lên quyền lợi của hàng triệu người.

Chuyện hỗn loạn ở trạm thu phí Cai Lậy không thể kéo dài, và như thế người dân đang rất cần sự quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng.

Các tin khác