Sao không phát hành trái phiếu “Đầu tư dự án sân bay Long Thành”?

(ĐTTCO)-Ông Trương Văn Phước: “Tại sao chúng ta không nghĩ ra việc phát hành loại trái phiếu, tín phiếu mang tên là “Đầu tư dự án sân bay Long Thành"?
Sao không phát hành trái phiếu “Đầu tư dự án sân bay Long Thành”?

Vấn đề bố trí vốn cho việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành được dư luận hết sức quan tâm trong thời gian qua. Với số vốn lên tới hơn 23.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), trong khi nhà nước hiện mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng đã và đang đặt ra nhiều thách thức về vốn để giải phóng mặt bằng cho siêu dự án sân bay Long Thành.

Việc bổ sung nguồn vốn trên 18.000 tỷ đồng để phục vụ cho dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành đang được xem là câu chuyện nan giải. Bởi toàn bộ nguồn vốn này đều đang trông chờ vào nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án.

Tất nhiên chuyện bố trí, sắp xếp, cân đối nguồn vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách sẽ được nhà nước tính toán, thế nhưng, với số tiền quá lớn như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng phải có những giải pháp, cơ chế riêng để điều tiết nguồn vốn này.

Ông Trương Văn Phước – Quyền Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: tại sao chúng ta không nghĩ ra việc phát hành loại trái phiếu, tín phiếu mang tên là “Đầu tư dự án sân bay Long Thành”?

“Những nhà đầu tư chính là những hộ dân trong diện bị GPMB đó, họ có thể mua trái phiếu, tín phiếu đó cùng với việc nhận được 1 số tiền mặt. Chẳng hạn, một hộ dân thuộc diện GPMB họ nhận được 5 tỷ đồng bồi thường, thì họ có thể nhận 2 tỷ, hoặc 1 tỷ, số còn lại họ mua trái phiếu này với thời gian 3 năm, 5 năm và họ được hưởng mức lãi suất nào đó, thì đây cũng là cách huy động vốn…”, ông Phước phân tích.

UBND tỉnh Đồng Nai thì cho rằng, trong kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành cần thời gian 4 đến 5 năm để xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn gần 300 ha.

Do tính cấp bách của dự án, nên tỉnh cũng đã kiến nghị các Bộ, ngành phải cho ứng vốn trước mới có thể hoàn thành giải tỏa đúng tiến độ.

“Theo các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam thì toàn bộ vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ nằm trong vốn đầu tư dự án, nhưng trong lúc này nếu giải phóng mặt bằng ngay mới kịp tiến độ và chắc chắn tỉnh phải làm việc với bộ, ngành trung ương để xin ứng vốn để làm trước, còn sau khi thực hiện việc quyết toán đầu tư thì nó sẽ được phân bổ lại”, ông Trần Văn Vĩnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị.

Là đại biểu Quốc hội của tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc cho rằng đối với một dự án lớn như Long Thành thì không thể để tình trạng "đầu chuột đuôi voi", như các dự án đang triển khai hiện nay.

Bất kỳ dự án nào được triển khai, dư luận cũng luôn đặt ra câu hỏi đầu tiên là: Dự án có khả năng xảy ra tiêu cực hay không? Nhưng với dự án này, người dân Đồng Nai, đặc biệt là người dân Long Thành rất mong muốn dự án phải sớm thực hiện, vì 12 năm gần như là dự án treo, đã phải chờ đợi quá lâu rồi.

Cần giám sát chặt chẽ trong quá trình thực thi, bởi thực tế chúng ta đã có quá nhiều dự án lớn, không phải “đầu voi đuôi chuột”, mà là…“đầu chuột đuôi voi”, nghĩa là dự án khi đưa ra thì rất nhẹ nhàng nhưng cuối cùng lại phình ra rất ghê gớm, tạo nợ công lớn.

Theo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, ngoài nhà đầu tư Thụy Sĩ thì cũng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đang rất quan tâm đến sân bay Long Thành. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng hay đấu thầu giữa các nhà đầu tư…là công đoạn sẽ được tiến hành sau khi Quốc hội thông qua Báo cáo khả thi dự án sân bay Long Thành dự kiến ở các kỳ họp Quốc hội trong năm 2018.

“Tôi vẫn khẳng định là báo cáo khả thi dự án thì phía Cảng vẫn thực hiện hết sức tích cực và cũng không phụ thuộc vào dự án giải phóng mặt bằng. Bời vì cuối cùng các nội dung dự án giải phóng mặt bằng sẽ được tập hợp và phối lại chung trong báo cáo khả thi để báo cáo Quốc hội”, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Điều cần thiết trong thời điểm này vẫn là vốn để giải phóng mặt bằng? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi nợ công tăng cao như hiện nay, việc siết chặt những dự án dàn trải, chi thường xuyên của ngân sách là việc phải làm.

Tuy nhiên, không có nghĩa là từ chối đầu tư các dự án hiệu quả và cần thiết. Chúng ta phải tạo áp lực để cắt giảm các dự án không cần thiết thì mới dành được tiền cho các dự án cần thiết như sân bay Long Thành. Long Thành cần phải làm và làm càng nhanh càng tốt. Đảm bảo kế hoạch chung cho siêu dự án sân  bay này.

Các tin khác