Sân bay Long Thành: Chốt phương án GPMB trong tháng 10

(ĐTTCO) - Bộ KH-ĐT đang gấp rút lấy ý kiến các bộ, ngành về công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, để kịp trình Quốc hội thông qua phương án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại kỳ họp thứ 4 diễn ra trong tháng 10 tới.
 
Cần thêm khoảng 5.200 tỷ đồng
 Để có căn cứ thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án sân bay quốc tế Long Thành trong thời gian sớm nhất, tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị Thủ tướng phê duyệt khung chính sách GPMB dự án dựa trên cơ sở thẩm định của Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan.
Theo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, khái toán tổng mức đầu tư toàn bộ dự án áp dụng đơn giá của năm 2014 khoảng 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD); trong đó giai đoạn I dự án có tổng mức đầu tư khoảng 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD), chậm nhất đưa vào sử dụng vào năm 2025.
Tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án 5.000ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không 2.750ha, diện tích đất cho quốc phòng 1.050ha, diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và các công trình thương mại khác 1.200ha. Với tổng chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) và tái định cư của dự án lên tới 23.000 tỷ đồng, trong kỳ họp tháng 6 vừa qua Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 38 về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần.
Theo đó, công tác GPMB của dự án sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn I (2017-2018), sẽ ưu tiên GPMB phần diện tích phục vụ bay khoảng 2.750ha và xây dựng khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn hơn 282ha. Trong đó, diện tích đất thu hồi xây dựng sân bay khoảng 2.750ha, gồm 976,7ha đất hộ gia đình, cá nhân sử dụng; đất nông trường cao su 1.601ha; đất UBND cấp xã quản lý 13,9ha; đất các DN quản lý 63,4ha; còn lại 95ha đất giao thông, sông, suối thuộc 4 xã Bình Sơn, Long An, Suối Trầu, Cẩm Đường. Khái toán chi phí thực hiện GPMB dự án trong giai đoạn I khoảng 10.236 tỷ đồng. Như vậy, trong năm 2018, tỉnh Đồng Nai cần thêm khoảng 5.200 tỷ đồng để thực hiện công tác đền bù, GPMB dự án.
Giai đoạn 2 (2019-2020) UBND tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện giải tỏa diện tích đất thu hồi để xây dựng sân bay 225ha, đất xây dựng khu tái định cư Bình Sơn 282,3ha. Số trường hợp bị ảnh hưởng khi giải tỏa 2.922 hộ gia đình, cá nhân, trong đó 2.507 hộ gia đình, cá nhân bị giải tỏa trắng. Kinh phí khái toán thực hiện giai đoạn 2 dự án GPMB khoảng 12.780 tỷ đồng.
Sân bay Long Thành: Chốt phương án GPMB trong tháng 10 ảnh 1  
Số hộ dân trong diện GPMB dự án tăng
Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án GPMB này được Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn công trình hàng không ADCC (Bộ Quốc phòng) lập, cho thấy vùng dự án nằm trên 6 xã thuộc huyện Long Thành. Việc thực hiện theo số liệu bổ sung mới nhất sẽ ảnh hưởng đến 4.864 hộ dân (tăng 134 hộ), tổng số nhân khẩu ảnh hưởng 15.557 người (tăng 563 người), số lượng nhà phải giải tỏa 4.083 căn (tăng 80 căn), số lượng mồ mả 2.183 ngôi mộ (tăng 24 ngôi mộ), so với thời điểm tỉnh Đồng Nai khảo sát năm 2015.
Về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã có Văn bản 7645 trình Bộ TN-MT, Bộ GT-VT và các bộ, ngành liên quan thẩm tra theo quy định. Hiện nay Bộ TN-MT đã hoàn thành công tác thẩm tra khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đưa vào dự thảo Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án để trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua.
Nội dung báo báo nghiên cứu khả thi dự án GPMB sân bay quốc tế Long Thành, theo tờ trình của UBND tỉnh Đồng Nai gồm 13 chương và các phụ lục đính kèm với các nhóm nội dung lớn, như sự cần thiết thực hiện dự án, đánh giá vị trí hiện trạng khu vực dự án, xây dựng hạ tầng tái định cư, công tác thu hồi, bồi thường tái định cư, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân diện giải tỏa, điều chỉnh địa giới hành chính, đánh giá tác động môi trường, tổng mức đầu tư, cơ chế vốn và kiến nghị giải pháp bố trí vốn…
Báo cáo cũng kiến nghị Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù dự án trong các hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư, công tác đo đạc, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai, xác định giá đất cụ thể, thanh lý cây cao su, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và ổn định đời sống người dân.
Theo số liệu thống kê của đơn vị tư vấn ADCC, số người trong độ tuổi lao động ảnh hưởng khi GPMB sân bay quốc tế Long Thành khoảng 9.700 người, dưới độ tuổi lao động 4.389 người, trên độ tuổi lao động 1.468 người. Như vậy từ nay đến thời điểm thực hiện GPMB sân bay quốc tế Long Thành sẽ có trên 10.000 lao động thuộc diện phải đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Các tin khác