Rề rà dự án giao thông BT ở Cà Mau

(ĐTTCO)-Hai dự án giao thông quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Cà Mau được xây dựng theo hình thức BT có chung cảnh ngộ là chậm tiến độ. 
Dự án đầu tư xây dựng đường phía bờ Nam Sông Đốc nối vào quốc lộ 1A chậm tiến độ so với cam kết theo hợp đồng. Ảnh: TẤN THÁI
Dự án đầu tư xây dựng đường phía bờ Nam Sông Đốc nối vào quốc lộ 1A chậm tiến độ so với cam kết theo hợp đồng. Ảnh: TẤN THÁI

Việc kéo dài thời gian hoàn thành ảnh hưởng tới chi phí đầu tư của dự án, chậm phát huy tác dụng, gây cản trở về phát triển kinh tế - xã hội nơi dự án đi qua.

Liên tục lùi tiến độ

Dự án đầu tư xây dựng đường phía bờ Nam Sông Đốc nối vào quốc lộ 1A được UBND tỉnh Cà Mau ký hợp đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với Công ty TNHH xây dựng Quang Tiền vào tháng 5-2014, tổng trị giá 1.436 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư là 1.236 tỷ đồng, thanh toán bằng dự án khác 200 tỷ đồng (tương đương với 300ha đất). Tuyến đường có chiều dài 22,7km, trên tuyến có 14 cây cầu.

Để triển khai dự án, UBND tỉnh Cà Mau giao cho Sở GTVT làm đầu mối thực hiện các quyền và nghĩa vụ của UBND tỉnh (bên A). Theo hợp đồng thì thời gian hoàn thành dự án là cuối năm 2017. Tuy nhiên, do chậm tiến độ, Công ty Quang Tiền được gia hạn (2 lần) thời gian hoàn thành vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, tuyến đường này thi công vẫn chưa hoàn thiện, do vướng mặt bằng. Vì vậy, tại điểm đấu nối với quốc lộ 1A, nhà đầu tư dựng bảng báo “đường chưa thông tuyến, cấm vào”.

Giải thích lý do dự án không hoàn thành theo tiến độ như đã cam kết, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Công ty Quang Tiền, nói: “Việc gia hạn thời gian hoàn thành là do còn đang vướng mặt bằng 71 hộ dân. Giai đoạn 3 còn đang vướng thủ tục đấu nối. Lỗi không phải do chúng tôi. Nếu có mặt bằng, chúng tôi thi công bàn giao trong quý 1-2019. Việc gia hạn thời gian hoàn thành đều có lý do chính đáng vì vậy tỉnh mới cho phép gia hạn”.

Tương tự, dự án đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc được xây dựng theo hình thức BT và dự án này vẫn không hoàn thành đúng như hợp đồng đã ký kết ban đầu. Tuyến đường này dài trên 30km, đi qua địa bàn 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đồng Tâm làm nhà đầu tư.

Khi thông tin bằng văn bản về dự án này đến phóng viên, ông Lê Thành Huấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau, cho biết dự án đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc có trị giá hợp đồng BT trên 700 tỷ đồng (bao gồm cả lợi nhuận của nhà đầu tư và chi phí lãi vay), phương án hoàn vốn bao gồm thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng dự án khác.

Sau nhiều lần gia hạn, UBND tỉnh yêu cầu đoạn 1 từ Co Xáng đến Vàm Đá Bạc hết tháng 10-2018 hoàn thành, giai đoạn 2 từ nút giao với đường Võ Văn Kiệt đến Co Xáng hết tháng 1-2019 hoàn thành. Dù được nhiều lần gia hạn nhưng nhà đầu tư vẫn “lỗi hẹn” như đã cam kết. Việc dự án chậm đưa vào sử dụng nên chưa phát huy được hiệu quả, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi có dự án đi qua…

Nhiều thủ tục bị bỏ qua

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình thanh tra công tác quản lý ngân sách trên địa bàn tỉnh Cà Mau, Bộ Tài chính có thanh tra dự án đầu tư xây dựng đường phía bờ Nam Sông Đốc nối vào quốc lộ 1A (thanh tra việc chấp hành quy định của nhà nước về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng) và Bộ Tài chính đã chỉ ra những vấn đề tồn tại dự án này.

Theo Bộ Tài chính, qua thanh tra thấy giá trị hợp đồng BT ký kết giữa UBND tỉnh Cà Mau và Công ty Quang Tiền với số tiền tạm tính là 1.436 tỷ đồng. Vì vậy, trị giá hợp đồng BT được ký kết cao hơn trị giá nhà đầu tư đề xuất và kết quả lựa chọn nhà đầu tư là 73 tỷ đồng. Theo giải thích của Sở GTVT, nguyên nhân do tổ điều phối dự án BT và tổ đàm phán dự án đã thương thảo với nhà đầu tư thực hiện tạm tính thêm phần lãi suất và lợi nhuận của nhà đầu tư.

Cũng theo Bộ Tài chính, báo cáo nghiên cứu khả thi chưa phân tích những lợi thế của việc thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT, chưa lập và phê duyệt nội dung, điều kiện thực hiện dự án khác để tạo ra nguồn thu trang trải chi phí xây dựng dự án. Chưa nêu rõ nội dung điều kiện, phương thức xác định nguồn thu từ việc khai thác 300ha đất được giao, tương ứng với 200 tỷ đồng.

Tại thời điểm thanh tra, Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng việc gia hạn thời gian hoàn thành, kéo dài thời gian thi công sẽ ảnh hưởng tới chi phí đầu tư của dự án. Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau xác định rõ trách nhiệm của các bên trong việc kéo dài thời gian thi công dự án làm căn cứ để nghiệm thu, thanh quyết toán dự án. Làm rõ điều kiện thực hiện dự án khác để tạo ra nguồn thu để trang trải chi phí xây dựng dự án số tiền 200 tỷ đồng tương đương 300ha đất.

Dự án đường Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc cũng có phương thức triển khai và hoàn vốn tương tự. Tuy nhiên, đối với dự án này thì UBND tỉnh Cà Mau đã giao đất cho nhà đầu tư (đây là dự án khác theo thỏa thuận giữa ba bên: UBND tỉnh Cà Mau, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đồng Tâm và Công ty cổ phần Thương mại phát triển Sài Gòn 268) thực hiện dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thương mại An Sinh (trước đây là Happy Home, tại Khu đô thị cửa ngõ Đông Bắc, TP Cà Mau).

Quy mô dự án đến 194ha (giai đoạn 1 của dự án là 80ha). Theo hồ sơ chúng tôi có được, khi thực hiện dự án nhà ở thương mại thì Công ty cổ phần Thương mại phát triển Sài Gòn 268 thực hiện huy động vốn mà chưa được Sở Xây dựng thông báo đủ điều kiện, có thời điểm huy động vốn khi chưa có quyết định giao đất, tự phân lô nền trên bản vẽ khi chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt... Do công ty này huy động vốn sai quy định nên UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo cơ quan kiểm tra và yêu cầu tạm ngưng dưới mọi hình thức và xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Công ty Quang Tiền, cho biết trong quá trình thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường phía bờ Nam Sông Đốc nối vào quốc lộ 1A theo hình thức BT doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn vì ngân sách không thanh toán kịp thời theo tiến độ thi công. Hiện khối lượng thi công của nhà đầu tư trên 1.300 tỷ đồng nhưng ngân sách mới chỉ thanh toán trên 300 tỷ đồng. Vì thanh toán chưa kịp thời nên nhà đầu tư chịu nhiều áp lực về chi phí lãi vay ngân hàng.

Các tin khác