QLTT đô thị có giúp Hà Nội giảm vi phạm xây dựng?

(ĐTTCO)-Vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội diễn ra phổ biến, lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị liệu có là giải pháp cho Hà Nội xử lý vấn đề này?
QLTT đô thị có giúp Hà Nội giảm vi phạm xây dựng?

Vi phạm trật tự xây dựng vẫn tràn lan

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm nay, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã kiểm tra 9.318 công trình, phát hiện và lập hồ sơ vi phạm 606 trường hợp (223 trường hợp không phép; 139 trường hợp sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 32 trường hợp ảnh hưởng công trình lân cận; 212 trường hợp xây dựng công trình trên đất công, đất nông nghiệp).

Nếu tính trung bình trong 6 tháng, mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội có trên 3 công trình vi phạm trật tự xây dựng, đây là một con số không hề nhỏ.

Từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018, Sở Xây dựng đã thành lập các hội đồng kỷ luật để xem xét trách nhiệm của các tập thể, cá nhân thanh tra xây dựng có khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn được giao phụ trách.

Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành 1 quyết định, đồng thời chỉ đạo Chánh Thanh tra ban hành 33 quyết định để kỷ luật đối với các cá nhân có khuyết điểm. Theo đó, có 29 trường hợp bị khiển trách, 5 trường hợp bị cảnh cáo. Đồng thời yêu cầu 9 tập thể phải nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị về các tồn tại của đơn vị.

Chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm

Tính hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng của mô hình đội thanh tra xây dựng cấp quận, huyện của Hà Nội đã được đặt dấu hỏi, khi vi phạm trật tự xây dựng diễn ra nhiều, lực lượng thanh tra cũng bị xét kỷ luật hàng chục cán bộ.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Đống Đa (Hà Nội), mô hình đội thanh tra xây dựng cấp quận, huyện đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đội Thanh tra xây dựng vừa chịu sự chỉ đạo của Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng vừa chịu sự chỉ đạo của UBND quận, huyện dẫn đến sự chồng chéo, không kịp thời.

“Đội Thanh tra Xây dựng chỉ lập hồ sơ vi phạm rồi chuyển đến chính quyền quận, huyện, xã, phường để xử lý vi phạm chứ không còn thẩm quyền xử lý dẫn đến tình trạng chậm xử lý vi phạm, đùn đẩy trách nhiệm và dây dưa kéo dài” – ông Tuấn nói.

Lãnh đạo một phường tại quận Hai Bà Trưng thì cho rằng, trước đây thanh tra xây dựng trực thuộc Sở Xây dựng, các tổ thanh tra nằm tại địa bàn. Vai trò của Thanh tra Sở Xây dựng vừa là kiểm tra, giám sát địa phương, vừa đi làm trực tiếp ở từng địa bàn. UBND phường chỉ cử một số cán bộ không chuyên trách có thể là người phụ trách mảng đô thị hay địa chính phối hợp. Mô hình hoạt động như vậy có những điểm “không khớp”, UBND cấp quận, phường yêu cầu có thể thanh tra xây dựng nghe hoặc không nghe vì đó là người của Sở Xây dựng.

Thực thi không nghiêm thì khó giảm vi phạm 

Trước sự hoạt động chồng chéo và tính hiệu quả không cao trong công tác quản lý trật tự xây dựng của lực lượng thanh tra xây dựng. Hà Nội được thí điểm lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện từ ngày 10/8 tới đây, trên cơ sở tổ chức lại đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã thuộc Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội. Đội trưởng và đội phó do chủ tịch UBND cấp quận, huyện bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.

Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị sẽ là công cụ trực tiếp cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Đội cũng có trách nhiệm phát hiện, lập hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Từ đó, đề xuất chủ tịch UBND cấp quận, huyện ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Như vậy, với việc lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, đầu mối trong công tác quản lý trật tự xây dựng sẽ tập trung một nơi. UBND cấp quận, huyện có lực lượng trong tay và chịu trách nhiệm toàn diện về các vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Liệu Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị có trở thành “cây gậy” trong tay chính quyền cơ sở để xử lý vi phạm trật tự xây dựng?

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc tập trung về một đầu mối là hoàn toàn hợp lý, tránh sự chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Chính quyền cơ sở là nơi nắm rõ nhất các hoạt động xây dựng trên địa bàn, công tác nên quản lý giao cho UBND các cấp thực hiện.

“Nhưng vi phạm trật tự xây dựng phát sinh không phải là do thiếu chế tài, lực lượng mà nằm ở việc thực thi. Do đó, dù tổ chức lực lượng như thế nào nhưng việc thực thi pháp luật không nghiêm thì cũng khó giảm vi phạm” – TS Liêm nói.

Các tin khác