Minh bạch loại hình đầu tư BT, BOT ở TPHCM

(ĐTTCO)-Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Sử Ngọc Anh tại buổi họp báo chớp nhoáng ngay sau khi kết thúc cuộc họp sơ kết hai năm thực hiện các dự án BT, BOT trên địa bàn thành phố diễn ra ngày 24/10.
Cầu Phú Mỹ, một trong những dự án BOT có nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư.
Cầu Phú Mỹ, một trong những dự án BOT có nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư.

Phân định rõ trách nhiệm

 Theo ông Sử Ngọc Anh, là một trong những thành phố năng động, sáng tạo, gần 20 năm trước, TPHCM đã thực hiện thành công dự án BOT đầu tiên, đó là xây dựng đường Trường Sơn với chiều dài khoảng 1 km. Từ mô hình điểm nói trên, TPHCM đã huy động nguồn lực trong dân xã hội hóa để làm đường.

 Do nguồn thu ngân sách có giới hạn, thành phố chủ trương đổi đất lấy hạ tầng (phương thức BT) nhằm khai thác các nguồn lực từ đất đai. Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2015, TPHCM đã có 18 dự án đầu tư theo các phương thức BOT (xây dựng - thu phí - chuyển giao), BT (xây dựng -  chuyển giao)… với tổng vốn trên 59.000 tỷ đồng.

 “TPHCM có nhiều nhà đầu tư tư nhân muốn chia sẻ khó khăn với thành phố trong việc đầu tư làm hạ tầng, giải quyết ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục… và thành phố rất trân trọng điều này. Họ sẵn sàng chia sẻ nguồn lực của mình vì lợi ích chung, trong bối cảnh nhà nước không thể kham nổi”, ông Sử Ngọc Anh nói.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM cho biết việc của thành phố sắp tới đối với hình thức đầu tư đối tác công – tư (PPP) là sẽ ban hành những quy định riêng, cụ thể hoá quy trình thực hiện trong đó phân định rõ vai trò, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cơ quan nhằm minh bạch toàn bộ quy trình để các nhà đầu tư an tâm.

Theo đại diện Cty đầu tư Tài chính TPHCM, từ năm 2015 đến nay, TPHCM đã kêu gọi, hoàn tất ký kết hợp đồng và triển khai thực hiện 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 11.902 tỷ đồng.

Bên cạnh các dự án đã hoàn tất, hiện TPHCM có 130 dự án đang thực hiện theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.947 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông vận tải, môi trường, chỉnh trang, phát triển đô thị có 93 dự án; lĩnh vực thương mại - dịch vụ có 2 dự án; lĩnh vực giáo dục 4 dự án; y tế 14 dự án; văn hóa thể thao có 17 dự án. Trong giai đoạn 2017-2020, TPHCM tiếp tục kêu gọi đầu tư 116 dự án theo hình thức PPP với tổng mức dự kiến là 136.714 tỷ đồng.

Tránh “vết xe đổ”

Theo Chủ tịch UBND quận 3 Võ Khắc Thái, quận 3 đã thực hiện nhiều dự án PPP với tổng vốn trên 10.000 tỷ đồng ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, đô thị. Đó là dự án đầu tư và nâng cấp trạm y tế phường 11 với việc lắp đặt các trang thiết bị hiện đại. Nhà đầu tư bổ sung phòng khám đa khoa để nâng cao chất lượng trạm y tế. Quận đang triển khai đô thị dự án. Theo đó, nhà đầu tư bỏ vốn giải phóng mặt bằng, tái định cư… xây dựng khu đô thị 700 căn với vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng. Sau khi xây dựng xong, nhà nước và nhà đầu tư phân chia. 

Công trình xây mới trường THCS Lê Văn Nghề quy mô 13.500 m2 với tổng vốn đầu tư 420 tỷ đồng theo hình thức PPP, dự kiến TPHCM sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư 2 khu đất.

Theo Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Thu Hoa, đa số các dự án BT đều hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng cam kết, không đội vốn. Tuy nhiên, quỹ đất thanh toán các dự án BT hiện nay không đủ đáp ứng. Việc tìm kiếm các quỹ đất có giá trị tương đương chi phí đầu tư để thanh toán còn hạn chế và đa số các khu đất chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng.

Còn theo Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan, TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa rất mạnh mẽ, từ đó cuộc sống người dân được nâng lên. Trong quá trình đô thị hóa thì đi kèm những khó khăn, thách thức mà thành phố phải đối mặt như kẹt xe, ngập nước, giao thông, khoảng cách giàu nghèo. TPHCM luôn chủ động tìm tòi, mạnh dạn đề xuất các mô hình mới để thực hiện những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong hoàn cảnh nhu cầu về hạ tầng rất lớn nhưng nguồn ngân sách có hạn.

“Nếu không làm đường Nguyễn Văn Linh thì giờ lấy đường đâu để xe tải chạy. Nếu không làm thì sao có cầu và đường Phú Mỹ. Không mở rộng xa lộ Hà Nội thì chắc chắn ở đây sẽ kẹt xe”, ông Hoan nói.

Đối với 6 dự án BT, BOT Thanh tra Chính phủ (TTCP) kết luận là có sai phạm khoảng 2.000 tỷ đồng, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho biết TPHCM cùng với TTCP đã phối hợp cung cấp thông tin, giải trình nhiều lần liên quan đến các kết luận của TTCP.

 “Trong kết luận, TTCP chỉ kiến nghị về thời gian đầu tư, hợp đồng đầu tư, mức thu phí chứ không phải sai phạm. Hiện nay các dự án này đang được điều chỉnh lại và chưa quyết toán chứ không phải phương án tài chính hay những con số đó là thất thoát”, ông Cường cho hay.

Các tin khác