Làm rõ mục đích đề án thu phí ô tô vào trung tâm

(ĐTTCO)-Ngày 12-12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện dự thảo “Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP để hạn chế ùn tắc giao thông”.
 
Hàng ngàn ô tô nối đuôi nhau hướng vào trung tâm thành phố
Hàng ngàn ô tô nối đuôi nhau hướng vào trung tâm thành phố

Báo cáo tại hội nghị, Công ty Công nghệ Tiên Phong đề xuất phương án thu phí ô tô vào nội đô TPHCM với 34 cổng thu phí được xây trong vành đai khép kín (không đặt 2 trạm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất) nhằm giảm lượng ôtô cá nhân vào khu vực nội thành giờ cao điểm. Các cổng thu phí tự động được xây xung quanh khu vực hạn chế trên các tuyến đường bao quanh quận 1, quận 3 và vùng giáp ranh quận 5, quận 10 như: đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với Cách Mạng Tháng Tám) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Phí xây dựng khoảng 1.500 tỷ đồng do nhà đầu tư bỏ ra, thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời hạn 15 năm (2018-2034). Mức phí sẽ từ 40-50.000 đồng/xe. Nhà đầu tư chỉ cung cấp giải pháp, còn tiền phí được sử dụng thế nào do chính quyền TPHCM quyết định.

Tại hội nghị, hầu hết ý kiến phản biện tập vào các nhóm vấn đề chính như làm sao giải quyết được bài toán kẹt xe, cơ sở pháp lý, số liệu, kinh phí đầu tư; người dân bị ảnh hưởng như thế nào và hiệu quả của đề án…

Luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, đề án phải có nhiều giải pháp đồng bộ vớimục đích giảm ùn tắc giao thông. Bà Hòa đề nghị xác định phạm vi thu phí chứ không chỉ vì ùn tắc ở quận 1 và quận 3. Chủ đầu tư phải nêu rõ tính hiệu quả, tác động đến đời sống người dân ra sao chứ không thể nêu một số mô hình ở các nước rồi áp dụng vào TPHCM liệu có phù hợp không.

Đại biểu Đồng Văn Khiêm, Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng, cần khảo sát cụ thể từng loại xe vào trung tâm TP vì ở đây tập trung hầu hết các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp… Thu phí chắc chắn giá cả sẽ tăng theo. Trong khi đó, hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng, xe buýt hiện nay người dân hay công chức không thể sử dụng đề đi làm mà chỉ để đi chơi và mua sắm là chính.

Ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường Cảng TPHCM lưu ý đề án phải đảm bảo tính đồng bộ với đề án vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) đang được Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Giao thông thuộc Bộ GTVT đang triển khai theo đề án của Sở GTVT TP. Ông Trường nêu ý kiến làm sao thu phí phải công khai minh bạch và hiệu quả của đề án như thế nào, nêu rõ cơ chế thực hiện, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học để hoàn thiện đề án.  

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh từ ngữ như thu phí để giảm ùn tắc giao thông chứ không thể thu phí vào trung tâm. Một số ý kiến cũng cho rằng đề án thiếu số liệu xã hội học, đặc biệt ý kiến người dân; còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ, nghĩa là làm sao để các cấp lãnh đạo TP thông qua đề án và quan trọng TP có quyết tâm thực hiện hay không?

Trong hội nghị, đa số ý kiến đồng thuận đề án thu phí nhưng cũng có vài ý kiến không tán thành đề án này.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM Vũ Thanh Lưu nhấn mạnh: "Vấn đề làm sao giảm được ùn tắc giao thông ở nội đô; bên cạnh đó, tuyên truyền làm sao để người dân TP đồng thuận".

Các tin khác