Khu Đông chuyển mình

 
(ĐTTCO) - Hành lang đô thị phía Đông TPHCM bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức tách ra từ huyện Thủ Đức cũ vào năm 1997.
Xa lộ Hà Nội - cửa ngõ khu Đông đang được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xa lộ Hà Nội - cửa ngõ khu Đông đang được đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Những năm qua khu vực này là một đại công trường của hàng chục công trình giao thông trọng điểm, đã thu hút các nhà đầu tư lớn ồ ạt cập bến, những dự án bất động sản từ đó cũng phát triển chóng mặt, tạo nên sức sống và diện mạo mới cho khu Đông.

Đột phá hạ tầng

Thời gian qua, chính quyền TPHCM và ngành giao thông đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút vốn đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông đô thị có quy mô lớn trên địa bàn hướng Đông. Theo tính toán, trong giai đoạn 2012- 2020, các dự án hạ tầng lớn nhỏ khu Đông cần nguồn vốn đầu tư từ ngân sách lẫn ngoài ngân sách lên đến hàng chục tỷ USD, chiếm 70% số tiền đầu tư các tuyến giao thông toàn TP.

Đầu tiên phải kể đến dự án nâng cấp, mở rộng Xa lộ Hà Nội. Đây là tuyến đường chính dẫn vào nội thành, kết nối giao thông trực tiếp đến các tỉnh Đông Nam bộ. Từ con đường nhỏ 4 làn xe, đến thời điểm này đã cơ bản nâng cấp, mở rộng với 16 làn xe thông thoáng từ cầu Sài Gòn đến khu vực làng Đại học Quốc gia. Cùng với việc nâng cấp, mở rộng, dọc tuyến còn được đầu tư mới cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc, 2 cầu vượt bằng thép tại ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức.

Tháng 8-2016, công trình giao thông Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, có điểm đầu từ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và điểm cuối kết nối tại nút giao thông Linh Xuân (quận Thủ Đức) chính thức được thông xe toàn tuyến.

Dự án do Công ty GS Engineering & Construction Corp (GS E&C) Hàn Quốc đầu tư xây dựng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng mức đầu tư trên 186 triệu USD. Tuyến đường đưa vào khai thác không những giúp người dân khu vực phía Đông Bắc của TP, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai ra vào sân bay Tân Sơn Nhất thuận lợi hơn, mà còn góp phần chỉnh trang đô thị, tạo lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, đóng góp vào sự thay đổi diện mạo đô thị phía Đông TP phải kể đến hàng loạt công trình giao thông quan trọng khác, như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối thông suốt TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ; Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội, kết nối trung tâm TP hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm; đường vành đai phía Đông kết nối đường Nguyễn Văn Linh, qua quận 2, 9 với cầu Phú Mỹ và kết nối với Khu công nghệ cao (SHTP), tiến tới khép kín đường vành đai 2; dự án đường vành đai 3 đang khẩn trương triển khai để kết nối từ phía Tây, Tây Nam với đô thị Nhơn Trạch, Long Thành và Bình Dương.

Hiện nay, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang bước vào giai đoạn thi công nước rút và thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2020. Công trình bến xe Miền Đông mới có vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng được xây dựng tại quận 9 sẽ đảm bảo hiệu quả kết nối và giảm kẹt xe ở nội thành.

Sắp tới còn có tuyến đường sắt kết nối với ga trung tâm Thủ Thiêm. Trong tương lai không xa, có thể nói mạng lưới giao thông khu Đông sẽ được kết nối rất tốt với tổng thể chung của vùng và những khu vực khác của TP, để trở thành một khu vực rất thuận lợi cho đầu tư và phát triển.

Nhà đầu tư cập bến

Theo quy hoạch hướng Đông TPHCM, tại địa bàn quận 2, 9, Thủ Đức sẽ tập trung bố trí trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm; trung tâm cấp TP ở Tam Đa, phường Long Trường; các trung tâm chuyên ngành lớn như Khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia, khu phức hợp Trường Thọ, khu thể dục thể thao Rạch Chiếc. Những quần thể đô thị này đang dần hình thành với tốc độ phát triển khá nhanh. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đã rất nhạy bén khi nhìn ra tiềm năng của khu vực này

Điểm sáng trong phát triển khu Đông là sự hình thành và phát triển SHTP, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vốn vào các ngành mũi nhọn công nghiệp, đi đúng định hướng chuyển đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp của TPHCM. SHTP tính đến nay có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 6.095 triệu USD.

Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết năm 2017 SHTP đặt mục tiêu thu hút 600 triệu USD vốn đầu tư, giá trị xuất khẩu đạt 9 tỷ USD, ưu tiên tiếp nhận ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài có nhu cầu đầu tư ở nước ta, đặc biệt là doanh nhân Việt kiều đầu tư vào Khu công viên Saigon Silicon.

Đặc biệt, trong số các dự án tại đây, Nhà máy lắp ráp và kiểm định chip điện tử lớn nhất của Intel trên toàn thế giới với diện tích 4,6ha trong SHTP đã hoạt động từ năm 2010. Tập đoàn Samsung cũng đã được cấp giấy phép đầu tư dự án SEHC 2 tỷ USD, xây dựng trên diện tích 70ha, mang lại nhiều kỳ vọng và tiềm năng phát triển cho khu Đông.

Ông Lee Sang-Su, Phó Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Samsung, cho biết nhà máy tại SHTP là 1 trong 4 nhà máy sản xuất lớn nhất của Samsung trên phạm vi toàn cầu hiện nay. Khi dự án hoàn tất, sẽ có khoảng 7.000 lao động làm việc, với tỷ lệ nội địa hóa đạt ít nhất 35% trước năm 2020 theo như cam kết. Dự kiến năm 2017, doanh thu đạt được từ SEHC khoảng 5 tỷ USD.

So với các hướng phát triển, khu Đông sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng “tam giác vàng” TPHCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ.

Do đó, rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã cập bến rót vốn đầu tư dài hạn tại đây, đặc biệt là sự đổ bộ ồ ạt của giới đầu tư bất động sản vào khu đô thị mới Thủ Thiêm và lan tỏa sang những khu vực vùng ven quận 2, 9, Thủ Đức. Rất nhiều dự án tầm cỡ đã và đang hình thành, từng bước hình thành bộ mặt đô thị mới, cung cấp nơi sinh sống tiện nghi cho cư dân, tạo nên một cộng đồng văn minh, chất lượng và an ninh.

Ghi nhận cho thấy, ở khu Đông, ngoài những tên tuổi uy tín và có nguồn cung nhà ở lớn như Vingroup, Đại Quang Minh, Nam Long, Novaland, Hưng Thịnh, Kiến Á, một loạt nhà đầu tư ngoại đang trong quá trình rót hàng tỷ USD vốn vào đây.

Chẳng hạn, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc), Mitsubishi và Toshiba (Nhật Bản) đầu tư xây dựng Khu đô thị thông minh Thủ Thiêm (thuộc Khu chức năng số 2A, Khu đô thị Thủ Thiêm, tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD); Cantor Fitzgerald, Weidner Resorts, Steelman Partners (Hoa Kỳ) đề xuất đầu tư 4 tỷ USD tại 11 lô đất thuộc khu chức năng số 1 (khu lõi trung tâm) trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; liên doanh Keppel Land (Singapore) và Tiến Phước, Trần Thái và Gaw Capital Partners phát triển dự án Empire City Thủ Thiêm (1,2 tỷ USD)…

Việc thị trường bất động sản khu Đông TPHCM phát triển mạnh trong 2 năm trở lại đây, một phần còn nhờ quy hoạch giãn dân của TP. Đây là quy hoạch trọng tâm của TPHCM đặt ra tại Đại hội Đảng các cấp khóa X, nhiệm kỳ năm 2016-2020, với mục tiêu chính là đưa dân cư từ trung tâm TP ra các quận huyện vùng ven để xây dựng các thành phố vệ tinh. Việc thị trường khu Đông phát triển mạnh còn báo hiệu cho một sự tăng trưởng dài hạn và thịnh vượng tại nơi đây, đặc biệt việc khi tuyến metro được hoàn thiện kết nối với Bến xe miền Đông mới đang được xây dựng ở khu vực này, sẽ còn hút rất nhiều dân số về đây sinh sống. Một quy hoạch nữa được cho là nhân tố đẩy thị trường bất động sản khu Đông sôi động là việc TP phát triển quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp ra khu Đông để dễ kết nối với hệ thống cảng sông, kết nối Quốc lộ 1 và tam giác công nghiệp 4 tỉnh là Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với TPHCM.

Ông Lê Hoàng Châu,
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM

Các tin khác