Kết nối giao thông khu Đông vẫn chưa thông

(ĐTTCO) - Khu vực phía Đông TPHCM ngày càng phát triển mạnh mẽ, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mọc lên đã thu hút đông đảo dân cư về sinh sống. Chính vì vậy, các tuyến đường từ phía Đông ra vào trung tâm TP đang quá tải vì lượng xe cộ ngày càng nhiều, trong khi các dự án cầu đường triển khai khá chậm hoặc đang kẹt vốn.

Tắc các hướng
Anh Hồ Ngọc Thoại ở chung cư mới xây trên Xa lộ Hà Nội, quận 9, đều đặn mỗi sáng đi vào trung tâm TP để làm việc. Anh Thoại cho biết trước đây hướng Xa lộ Hà Nội đi qua cầu Sài Gòn rất chậm, do ùn tắc ở đoạn Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) và Tôn Đức Thắng (quận 1).
 Vấn đề chính yếu là ngành GTVT TPHCM cần có kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông khu Đông, với tầm nhìn lâu dài và đồng bộ với hạ tầng sẵn có. Nếu xây mới hàng loạt cầu trong khi thiếu kết nối với hạ tầng hiện hữu vừa gây lãng phí, vừa không giải quyết được ùn tắc giao thông. 
TS. Phạm Sanh,
chuyên gia giao thông  
Chuyển qua đi đường Mai Chí Thọ dẫn vào đường hầm vượt sông Sài Gòn để vào trung tâm quận 1, anh Thoại cũng chịu cảnh kẹt cứng, ùn tắc vào mỗi giờ cao điểm. Đây là tuyến đường tương đối mới, rộng, kết nối thuận lợi với khu dân cư mới hình thành ở quận 2, 9, Thủ Đức, nên người dân lựa chọn di chuyển khá đông.
Cũng trên Xa lộ Hà Nội, tại nút giao ngã tư Thủ Đức, Bình Thái, cầu vượt An Phú thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đây là tuyến đường tập trung các loại xe đầu kéo container, xe tải hạng nặng chở hàng hóa, nên mật độ ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến người tham gia giao thông. Dù ngành GTVT TPHCM đã làm cầu vượt thép ở ngã tư Thủ Đức, mở rộng Xa lộ Hà Nội, nhưng cũng không đáp ứng kịp sự phát triển về số lượng phương tiện của người dân trong thời gian qua.
Hiện nay tuyến đường Mai Chí Thọ - nơi tiếp giáp với đầu đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây từ hướng miền Tây đi các tỉnh Đông Nam bộ và ngược lại, chịu áp lực giao thông rất lớn, mỗi ngày có đến hàng ngàn lượt xe lớn nhỏ qua lại, nên cảnh kẹt xe thường xuyên xảy ra. Vào sáng 15-10 vừa qua, sự cố xe tải tông sập giàn giáo trước hầm Thủ Thiêm, khiến giao thông trên đường Mai Chí Thọ, đoạn trước hầm Thủ Thiêm trở nên hỗn loạn.
Hàng ngàn xe máy, xe hơi kẹt cứng, người điều khiển phương tiện loay hoay tìm đường thoát khỏi đường Mai Chí Thọ, trong khi hầm Thủ Thiêm bị phong tỏa. Phần lớn các phương tiện rẽ phải, qua cầu Thủ Thiêm 1 để vào đường Nguyễn Hữu Cảnh, song xe cộ chật như nêm cả hai hướng từ giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Thánh Tôn đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh. Lúc này giao thông ở cầu Sài Gòn, hướng từ quận 2 qua quận Bình Thạnh cũng rơi vào tình trạng tê liệt. 
Kết nối giao thông khu Đông vẫn chưa thông ảnh 1 Dòng xe hướng từ quận 1 về quận 2 kẹt cứng mỗi khi hầm Thủ Thiêm có sự cố. 

Hạ tầng không theo kịp tăng dân số
Thông tin từ Sở GTVT TPHCM, cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 1 với quận 2 đã làm lễ động thổ vào tháng 2-2015, do CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh làm chủ đầu tư với tổng vốn 4.260 tỷ đồng. Theo dự kiến cầu xây xong trong năm 2018, nhưng hiện tiến độ thi công rất chậm vì phải chờ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, cầu Thủ Thiêm 3 bắt đầu từ đường Tôn Đản, quận 4 nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện UBND TPHCM giao liên danh Tổng Công ty Thái Sơn - CTCP Tập đoàn Phát triển hạ tầng và BĐS Việt Nam nghiên cứu, lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Hiện chưa thể xác định thời gian khởi công. Còn dự án cầu Thủ Thiêm 4, bắt đầu từ khu vực cảng Tân Thuận Đông, quận 7 qua quận 2, vẫn trong giai đoạn đề xuất đầu tư. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ KH-ĐT phối hợp với Bộ GTVT, UBND TPHCM và các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định dự án xây cầu này.
TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, nhìn nhận tốc độ phát triển dân số nhanh ở khu Đông khiến hạ tầng không đáp ứng kịp. Việc chậm triển khai các dự án cầu, đường kết nối khu Thủ Thiêm với trung tâm TP, là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Ngành GTVT cần gấp rút xây dựng các cầu Thủ Thiêm theo quy hoạch đã đề ra nhằm kết nối giao thông giữa trung tâm TP với khu vực phía Đông. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ cầu Thủ Thiêm 2 - đây là kết nối quan trọng nhất giữa trung tâm TP và khu vực phía Đông.
Trong khi đó, theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM, quy hoạch giao thông kết nối giữa khu trung tâm và Thủ Thiêm bao gồm các cầu bắc qua sông, đường giao thông trục chính vành đai 1, vành đai 2... đều có. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hạ tầng theo quy hoạch hiện nay không theo kịp tốc độ phát triển. Ngân sách đầu tư hạ tầng hạn chế, chủ yếu từ ngân sách, vốn vay nước ngoài (ODA), trong khi nguồn lực phát triển dự án đô thị khác từ nhiều nguồn nên đi nhanh hơn. Từ đó tạo nên độ vênh, không đồng bộ giữa hạ tầng giao thông và sự phát triển đô thị.
Trong nỗ lực giảm áp lực giao thông khu vực phía Đông, ngày 26-10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chủ trì cuộc họp về tiến độ dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT. Theo đó, ông Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo quận 1 và các sở, ngành liên quan làm thế nào trong tháng 11 tới phải bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, cố gắng cuối năm 2019 dự án phải hoàn thành.

Các tin khác