Kết hợp các phương án huy động vốn phát triển đường sắt đô thị

(ĐTTCO) - Không thể xây dựng phương án huy động vốn đầu tư các dự án đường sắt đô thị từ nay đến năm 2030 và sau 2030 tại Hà Nội mà chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào vốn ODA. 
Kết hợp các phương án huy động vốn phát triển đường sắt đô thị
Phương án huy động vốn đầu tư kết hợp giữa ODA, ngân sách nhà nước, và đầu tư PPP là khả thi. Đó là quan điểm của Bộ KH&ĐT khi cho ý kiến về phương án, giải pháp, cơ chế thực hiện 10 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) tại Hà Nội.
Những tính toán của thành phố Hà Nội cho thấy 10 tuyến ĐSĐT này có chiều dài khoảng 417,8km, trong đó 342,2km cầu cạn và kết hợp đi bằng mặt đất, 75,6km chạy ngầm dưới lòng đất. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến khoảng 40 tỷ USD, giai đoạn từ nay đến 2020 cần 7,55 tỷ USD, giai đoạn từ 2021 - 2025 khoảng 7,6 tỷ USD, từ 2026 - 2030 cần 3,56 tỷ USD, giai đoạn sau 2031 cần hơn 21 tỷ USD.
Về đề nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư ODA từ các nhà tài trợ, đặc biệt từ ADB, Chính phủ Nhật Bản để thực hiện tuyến số 2, đoạn từ Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 3, đoạn từ ga Hà Nội - Yên Sở, hiện Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để thống nhất với nhà tài trợ về khả năng tài trợ, thứ tự ưu tiên, và kế hoạch vốn cho 2 dự án.
Đối với đề xuất chỉ định các nhà đầu tư thực hiện thực hiện các dự án đường sắt đô thị còn lại theo hợp tác đầu tư PPP (chủ yếu là hợp đồng BT), Bộ KH&ĐT nhận định, trong giai đoạn 2017 - 2020, thành phố Hà Nội ưu tiên đầu tư các đoạn thuộc tuyến số 2, số 3, số 5 là chưa phù hợp với quy hoạch giao thông được duyệt. Trường hợp Hà Nội muốn đầu tư các đoạn tuyến này sớm hơn quy hoạch cần báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh quy hoạch.
Bộ KH&ĐT cho biết thêm, theo cơ chế thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng (BT), nhà đầu tư chỉ tiến hành xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và chuyển giao công trình cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà không thực hiện việc quản lý, kinh doanh công trình. Trong khi đó, các dự án ĐSĐT là dự án có khả năng hoàn vốn đầu tư qua thu phí từ người sử dụng dịch vụ.
Do đó, Bộ KH&ĐT đề nghị thành phố Hà Nội nghiên cứu thêm hình thức, cơ chế nhà đầu tư tham gia quản lý, khai thác công trình dự án như BOO, BOT… để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các dự án ĐSĐT. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Hà Nội bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 thêm 6.000ha đất để làm quỹ đất đối ứng cho các nhà đầu tư và đấu giá quyền sử dụng đất tạo vốn thực hiện các dự án ĐSĐT theo cơ chế hợp tác đầu tư PPP. Tổng giá trị quỹ đất đối ứng ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, Bộ KH&ĐT ủng hộ Hà Nội đầu tư các dự án ĐSĐT theo hợp đồng BT trong giai đoạn 2017-2020.
Tuy nhiên, với đề xuất cho phép thành phố Hà Nội rà soát, thống kê quỹ nhà đất chuyên dùng, nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố dôi dư khi sắp xếp lại để bán cho thuê lấy tiền đầu tư ĐSĐT (giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng) Bộ KH&ĐT lại phản đối. Lý giải về điều này, Bộ KH&ĐT cho rằng việc bán đấu giá, cho thuê quỹ nhà đất chuyên dùng, nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước là chưa phù hợp với quy định hiện hành. 
Trước đó, tháng 3-2017, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong quá trình sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng ủng hộ Hà Nội sử dụng 22.500 tỷ đồng từ quá trình CPH DN thuộc UBND thành phố Hà Nội để đầu tư các dự án ĐSĐT.

Thành phố Hà Nội cho biết, hiện có 5 nhà đầu tư trong nước là Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty CP Lũng Lô 5, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tổng công ty LICOGI, và 2 công ty nước ngoài là Công ty Mosmetrostroy (Nga) và Tập đoàn Lotte Hàn Quốc, bày tỏ quan tâm đầu tư vào các dự án ĐSĐT tại Hà Nội. 

Các tin khác