Ì ạch chống sạt lở

(ĐTTCO)-Vướng mặt bằng, công tác di dời dân chậm, nhiều công trình chống sạt lở tại TP HCM đang dở dang trong khi mưa bão lại rất khó lường.
Tại huyện Nhà Bè, TP HCM, nhiều công trình chống sạt lở ở những nơi đặc biệt nguy hiểm vẫn đang dang dở do chưa có mặt bằng
Tại huyện Nhà Bè, TP HCM, nhiều công trình chống sạt lở ở những nơi đặc biệt nguy hiểm vẫn đang dang dở do chưa có mặt bằng

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, trong mùa mưa năm 2018, tình hình sạt lở tại TP dự báo sẽ còn phức tạp với mức độ gia tăng. TP HCM hiện có 40 vị trí nguy cơ sạt lở, trong đó có đến 23 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Thế nhưng, phần lớn các công trình không đáp ứng đúng tiến độ theo chỉ đạo của UBND TP HCM là trước ngày 1-1-2018.

Ì ạch ở cả những nơi đặc biệt nguy hiểm

Huyện Nhà Bè vốn có nhiều điểm nguy cơ sạt lở nhất nên hàng loạt công trình xây kè được chỉ đạo xây dựng cấp bách. Thế nhưng, đến nay, rất nhiều công trình vẫn dang dở. Đơn cử, công trình bờ kè khu vực Mương Chuối, cầu Phước Lộc hiện vẫn vướng một số hộ dân không bàn giao mặt bằng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số công trình khác thuộc rạch Tắc - bến Rô, rạch Giồng - sông Kinh Lộ. Đáng lo ngại, một số khu vực khác cũng có nguy cơ sạt lở cao như đoạn bờ trái sông Sài Gòn qua nhà thờ Fatima (quận Thủ Đức), bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè)…, trong khi các công trình chống sạt lở vẫn ì ạch.

Điều đáng lo là các khu vực nêu trên tập trung rất đông dân cư, đặc biệt là đoạn bờ trái sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu thuộc địa bàn quận Thủ Đức. Tuy nhiên, tại đây, nhiều đoạn dù có biển cảnh báo sạt lở nhưng sát bên vẫn đang kinh doanh hàng quán. Còn tại cuối đường số 7, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức - nơi xảy ra vụ sạt lở hồi tháng 7-2015 - hiện có một đoạn bờ kè được xây dựng, trong khi căn nhà đồ sộ bị sạt lở trước đó vẫn xiêu vẹo, rong rêu bám đặc… Dù bất an nhưng tại điểm sạt lở này, người dân vẫn thường xuyên lui tới.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, đánh giá khó khăn lớn nhất ở các công trình chống sạt lở là công tác giải phóng mặt bằng chậm. Vì vậy, tại những vị trí có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm, khẩn cấp phải thi công công trình, ông Cường cho biết phương án ưu tiên là vận động, di dời người dân đến nơi an toàn, song song đó là quản lý và bảo vệ tài sản của các hộ khi thi công. Các giải pháp đang được triển khai là phi công trình và công trình để ngăn nguy cơ sạt lở. Với các công trình chống sạt lở chưa hoàn thiện, Sở GTVT và chính quyền địa phương đều gắn các biển cảnh báo, phân luồng giao thông và thường xuyên rà soát nhằm phát hiện sớm những vị trí có nguy cơ cao, chủ động lên kế hoạch di dời dân cũng như tìm biện pháp xử lý.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho rằng dù chính quyền có gắn biển cảnh báo nhiều bao nhiêu đi nữa thì vì cuộc sống mưu sinh, người dân vẫn cứ liều mà sống trên miệng… hà bá! Nói vậy để thấy chuyện đẩy nhanh các công trình chống sạt lở ở những nơi đặc biệt nguy hiểm là điều bắt buộc phải làm ngay.

Cần có cơ chế riêng

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống sạt lở đặc biệt nguy hiểm, Sở GTVT TP cho rằng phải có cơ chế riêng. Vì vậy, sở đang kiến nghị UBND TP xem xét, chấp thuận cơ chế thực hiện như tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công công trình ngay khi có điều kiện mặt bằng, vốn; không nhất thiết phải đợi đến khi có quyết định đầu tư được duyệt trước ngày 31-10 của năm trước năm kế hoạch như quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Riêng vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng vốn phụ thuộc chính vào UBND các quận - huyện, Sở GTVT TP đề nghị các địa phương tăng cường thực hiện. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đơn giá bồi thường T1, T2 để chi trả cho người dân. Sở GTVT còn kiến nghị UBND TP chấp thuận tạm ứng 70% chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án đã được phê duyệt đơn giá T1 để sớm có mặt bằng triển khai thi công.

"Sở GTVT đã phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP, UBND các quận - huyện tổ chức kiểm tra, phân loại các điểm sạt lở cũng như tiến độ thi công các công trình. Trong năm 2018, mục tiêu là sẽ hoàn thành 8 dự án nên các dự án này phải được bàn giao mặt bằng chậm nhất trong tháng 7 để tổ chức thi công" - ông Hà Thanh Sơn, Phó Phòng Quản lý Vận tải thủy Sở GTVT, nhấn mạnh.

Trước thực trạng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu Sở GTVT phải hoàn chỉnh đề án nghiên cứu, dự báo sạt lở và các biện pháp ứng xử để trình UBND TP thực hiện trong năm 2018. Bên cạnh đó, các sở - ngành, chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức thẩm định đơn giá bồi thường, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với các công trình chống sạt lở. 

Các tin khác