Hơn 96.000 tỷ đồng chống ùn tắc giao thông

(ĐTTCO)-Chiều 5-10, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký ban hành Quyết định số 4341 /QĐ-UBND TP về kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2018 - 2020.
Hơn 96.000 tỷ đồng chống ùn tắc giao thông

 Các nội dung không được đề cập trong quyết định này vẫn triển khai thực hiện theo Quyết định số 6204/QĐ-UBND ngày 28-11-2016 của UBND TP. 

Theo đó, trong năm 2018, làm mới và đưa vào sử dụng 33,5km đường bộ và 14 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,06km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,97% đất xây dựng đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 9,6% nhu cầu giao thông đô thị; giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm so với năm liền kề trước đó.

Năm 2019, làm mới và đưa vào sử dụng 75km đường bộ và 17 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,14km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 10,01% đất xây dựng đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 11,2% nhu cầu đi lại của người dân.

Năm 2020, làm mới và đưa vào sử dụng 81km đường bộ và 18 cây cầu; mật độ đường giao thông đạt 2,2km/km2; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12,2% đất xây dựng đô thị; khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được từ 15% nhu cầu giao thông đô thị; giảm 5% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm so với năm liền kề trước đó…

Tập trung nguồn lực từ ngân sách để đầu tư đổi mới xe buýt phù hợp với đặc tính đô thị TP và thân thiện môi trường. Cụ thể, xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe giai đoạn 2018 - 2020 đồng bộ với kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng trạm nạp khí nén thiên nhiên CNG.

Mở rộng mạng lưới tuyến xe buýt kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh; tổ chức các tuyến buýt kết nối với cảng hàng không Tân Sơn Nhất đến các tỉnh lân cận; rà soát, điều chỉnh, bổ sung lộ trình các tuyến xe buýt trong phạm vi ảnh hưởng của tuyến đường sắt đô thị số 1 và tuyến xe buýt nhanh BRT số 1; triển khai các tuyến buýt có trợ giá đưa rước học sinh trên địa bàn các quận, huyện và tổ chức mở rộng phương án vận chuyển học sinh, sinh viên tại các trường bằng nhiều hình thức khác nhau.

Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và dành quỹ đất hợp lý cho phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; cải tạo và xây mới trạm dừng, nhà chờ xe buýt, đảm bảo bố trí trạm dừng, nhà chờ thuận lợi cho hành khách dễ dàng tiếp cận và chuyển tuyến; phát triển các bến bãi trung chuyển xe buýt gần các khu vực giao cắt giữa đường trục chính với tuyến Vành đai 2 nhằm hạn chế phương tiện giao thông vào thành phố; hình thành các điểm giữ mô tô và xe gắn máy 2 - 3 bánh cho hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Hiện đại hóa công tác quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, cụ thể nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư hệ thống trang thiết bị giám sát điều hành (camera, hệ thống truyền dẫn, cơ sở dữ liệu...), lắp đặt trang thiết bị hiện đại tại các điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối, điểm trung chuyển, triển khai ứng dụng vé thông minh (smart card) trong hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trước năm 2020…

Tổng nguồn lực tập trung thực hiện chương trình này trong giai đoạn 2018- 2020 là 96.159 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí thực hiện các dự án khoảng 84.645 tỷ đồng, gồm 82 dự án từ nguồn vốn ngân sách thành phố là 33.800 tỷ đồng; 2 dự án từ nguồn vốn ODA là 24.845 tỷ đồng; 3 dự án từ nguồn vốn Trung ương là 17.737 tỷ đồng; 10 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) là 8.263 tỷ đồng.

Các tin khác