Hà Nội có nguy cơ gia tăng ùn tắc vì... buýt nhanh BRT

(ĐTTCO)-Kiểm toán Nhà nước đánh giá xe buýt nhanh BRT Hà Nội vận hành vào cuối năm 2016 khó đạt được mục tiêu đề ra là giảm ùn tắc giao thông, thậm chí còn gây nguy cơ gia tăng ùn tắc giao thông. 
 
Liệu BRT Hà Nội có trở thành một phương tiện sai chức năng?
Liệu BRT Hà Nội có trở thành một phương tiện sai chức năng?
Như vậy, liệu có thể từ một phương tiện giảm thiểu ùn tắc đô thị, BRT sẽ bị rơi vào tình trạng sai chức năng?

Ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra cảnh báo những nguy cơ gặp phải đối với dự án BRT trước khi BRT đưa vào vận hành.

Theo đó, việc xác định phương án tuyến BRT ban đầu chưa phù hợp dẫn đến mất nhiều thời gian nghiên cứu điều chỉnh. Hà Nội đã khá vội vàng khi chưa phân tích, đánh giá đầy đủ về thực trạng giao thông Thủ đô khi bắt đầu triển khai BRT.

Quá trình thực hiện các hạng mục, gói thầu còn thiếu đồng bộ, không nhất quán, chậm tiến độ và phải kéo dài thời gian thực hiện; hầu hết các gói thầu phải điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, bổ sung dự toán nhiều lần; không đảm bảo hoàn thành toàn bộ các gói thầu trước thời điểm hết hạn Hiệp định tài trợ số 4347-VN giữa Việt Nam và Hiệp hội phát triển quốc tế ký ngày 22/11/2007.

Chính những điểm bất cập ấy đã thể hiện trực tiếp trên thực tế. Lưu lượng giao thông trên tuyến BRT hiện tại rất lớn, có nhiều điểm giao cắt. Bên cạnh đó, tuyến đường này song song với tuyến đường sắt đô thị và đường thi công cùng một thời điểm, cùng một trục đường đã làm ảnh hưởng đến tình hình giao thông Thủ đô gây nguy cơ ùn tắc cao, khó bố trí làn đường riêng cho BRT và khó đưa ra các giải pháp giảm thiểu xung đột tại các nút giao cắt, nút quay đầu...

"Tất cả các yếu tố trên dẫn đến khi đưa hệ thống BRT vào vận hành vào cuối năm 2016 sẽ không thể đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn của BRT và khó đạt được mục tiêu đề ra là góp phần giảm ùn tắc giao thông"- ông Hòa nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ quy hoạch và tiến hành xây dựng 7 tuyến BRT khác ngoài tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa. Tuy nhiên, với hệ thống giao thông như hiện nay ở Hà Nội, ông Hòa cho rằng, Hà Nội cần có mạng lưới kết nối đồng bộ, thời gian lịch trình hợp lý. 

Mặt khác, Hà Nội cần hiện thực được đồ án quy hoạch xây dựng 5 thành phố vệ tinh để tránh tình trạng.nén dân vào nội đô như hiện tại. Đồng thời tiến hành hoàn thiện và kết nối tuyến metro, kết hợp với nhiều giải pháp đồng bộ khác để BRT được phát huy đúng chức năng, tránh tình trạng lãng phí như hiện nay.

Các tin khác