Giảm tốc độ có kéo giảm tai nạn giao thông?

(ĐTTCO)-Việc điều chỉnh tăng tốc độ ở các tuyến đường trên địa bàn TP thời gian qua, nhất là ở các khu vực đông dân cư cùng các tuyến đường có làn lưu thông hỗn hợp với ô tô, xe máy, gây ra nhiều nguy hiểm cho ngươi đi đường. TP cần có những giải pháp cụ thể để kéo giảm TNGT liên quan đến vi phạm tốc độ. 
Giảm tốc độ có kéo giảm tai nạn giao thông?
Thông tư 91/2015 quy định về khoảng cách và tốc độ an toàn của xe cơ giới đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có hiệu lực thi hành từ 1-3-2016 cho phép tốc độ lưu thông trên các tuyến đường tăng thêm 10km/giờ (so với trước đây). Tuy nhiên, sau hơn 2 năm áp dụng, các cơ quan chức năng của TPHCM đang nghiên cứu đề xuất giảm tốc độ ở 12 tuyến đường. Lý do được cơ quan này đưa ra để lý giải cho quyết định của mình là tai nạn giao thông (TNGT) liên tục tăng…
Ít khi đạt tốc độ tối đa
Nhận định trên là của nhiều tài xế và chủ xe. Theo họ, lấy lý do phải giảm tốc độ vì TNGT tăng là không phù hợp.
Anh Võ Tấn Quang, tài xế đồng thời là chủ xe tải thường xuyên chở hàng từ KCN Tây Bắc Củ Chi (TPHCM) về Long An, cho biết ngày nào xe anh cũng lưu thông qua, lại 4 lần trên tuyến quốc lộ (QL) 22, Xa lộ Đại Hàn, QL1. Dù tốc độ cho phép tối đa trên các tuyến đường này là 60- 80km/giờ nhưng vào ban ngày, đặc biệt trong khung giờ từ 7 giờ-22 giờ, ít có xe tải nào đạt được tốc độ 60km/giờ. Lượng xe quá nhiều nên có muốn chạy nhanh hơn cũng không được. Một số thời điểm mật độ xe trên đường giảm thì có thể tăng tốc, nhưng chủ yếu chỉ từ 24 giờ-5 giờ sáng, lúc đó lại rất ít người đi đường.
“Lấy lý do vì TNGT tăng để giảm tốc độ như trước đây (40-50km/giờ), rõ ràng không thực tế. Vấn đề là ý thức chấp hành luật giao thông của người tham gia lưu thông phải được nâng lên và cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông để buộc mọi người phải chấp hành nghiêm luật giao thông. Giảm tốc độ trong bối cảnh này chỉ làm cho thời gian đi lại tăng lên” anh Quang nhận xét. 
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM Bùi Văn Quản thì cho rằng đề xuất giảm tốc độ là một bước lùi, không chỉ với việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân mà còn cho thấy cơ quan quản lý chưa quyết liệt trong việc tìm giải pháp khả thi hơn cho việc kéo giảm tai nạn giao thông.
“Nhiều nước trên thế giới tìm mọi cách để nâng cao tốc độ, mình lại viện lý do TNGT để kéo xuống”, ông Quản nói.
Thời gian qua, địa bàn TPHCM đã được phân luồng, phân làn bằng dải phân cách cứng cho từng loại xe rõ ràng như các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh… vậy tại sao phải giảm tốc độ? Chưa kể, trên nhiều tuyến đường, làn đường dành cho ô tô khá thông thoáng như đường Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trường Chinh…
“Đề xuất giảm tốc độ trong bối cảnh này chỉ làm cho người dân nghi ngờ... quy định như thế để các cơ quan chức năng “gài bẫy” bắn tốc độ?! Hiện có rất nhiều trường hợp người điều khiển xe gắn máy lưu thông vào làn đường dành riêng cho  ô tô, xe tải nhưng khi xảy ra tai nạn mọi lỗi cứ đổ hết cho ô tô, xe tải, vì lý do gì? Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, phương tiện nào lưu thông sai thì phải chịu trách nhiệm”, ông Quản đặt vấn đề.   
Một chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa khác, xin được phép giấu tên, đặt vấn đề: “đường vốn đã hay bị kẹt xe nay lại phải hạn chế tốc độ thì thiệt hại kinh tế rất lớn. Ngành chức năng nên tìm các giải pháp khác để kéo giảm tai nạn giao thông thay vì đề xuất hạn chế tốc độ”. 
Sẽ đánh giá lại
Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT cho phép nâng tốc độ tối đa của các loại xe  thêm 10km/giờ (so với trước đây). Theo đó, tại khu vực đông dân cư tùy tuyến đường nhưng cao nhất là 60 km/giờ. Đường ngoài khu vực đông dân cư, tốc độ tối đa cũng được điều chỉnh theo từng loại phương tiện và từng tuyến đường, cao nhất 90 km/giờ.
Đội CSGT Rạch Chiếc (thuộc PC67) cho rằng, từ khi tốc độ được nâng lên, trên các tuyến đường thuộc địa bàn đơn vị đảm trách, TNGT thường xảy ra. Trong 5 tháng đầu năm 2018, đơn vị đã xử lý hơn 2.500 trường hợp vi phạm tốc độ. Theo đánh giá của nhiều đơn vị trực thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM, tai nạn giao thông xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng việc cho tăng tốc độ lưu thông là một trong những nguyên nhân chủ yếu. 
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, vi phạm tốc độ là nguyên nhân đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân dẫn đến TNGT từ đầu năm đến nay.
Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Nguyễn Ngọc Tường cho biết trong việc nghiên cứu để đề xuất nâng cao mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tốc độ, các đơn vị chức năng sẽ cân nhắc và đánh giá từng hành vi cũng như mức độ vi phạm để đưa ra mức xử lý phù hợp. Việc điều chỉnh tăng tốc độ ở các tuyến đường trên địa bàn TP thời gian qua, nhất là ở các khu vực đông dân cư cùng các tuyến đường có làn lưu thông hỗn hợp với ô tô, xe máy, gây ra nhiều nguy hiểm cho ngươi đi đường. Chính vì vậy, TP cần có những giải pháp cụ thể để kéo giảm TNGT liên quan đến vi phạm tốc độ. 
Theo Sở GTVT TPHCM, sau khi Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT được áp dụng, sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai lắp đặt đầy đủ biển báo ở tất cả các khu vực đông dân cư, các cửa ngõ ra vào TP. Tuy nhiên, tại một số khu vực, tình hình TNGT trở nên phức tạp do tốc độ được nâng lên buộc sở phải nhiều lần khảo sát, điều chỉnh. Sở GTVT TPHCM phối hợp với Công an TP HCM cùng các đơn vị liên quan sẽ có báo cáo toàn diện về việc áp dụng Thông tư 91/2015. Hiện sở cũng đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát và đánh giá lại tình hình giao thông ở 12 tuyến đường đã nâng tốc độ lưu thông tối đa theo Thông tư 91/2015 để từ đó có đánh giá và có điều chỉnh phù hợp. 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về giao thông cho rằng, việc hạn chế tốc độ sẽ gây ức chế cho lái xe và gây tổn thất lớn về kinh tế. TNGT chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông chứ không hẳn tốc độ cao mới gây TNGT. Và nếu sau khi giảm tốc độ liệu TNGT có được cải thiện hay không? Giảm tốc độ, sẽ gây thêm thời gian chiếm dụng đường của từng xe, có thể gây kẹt xe. TPHCM đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây mới, nâng cấp đường tốt hơn mà tốc độ tối đa giống như chục năm về trước thì đầu tư làm gì? Vì vậy, cần phải nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người tham gia giao thông, nâng cao trách nhiệm những người quản lý giao thông thay vì giảm tốc độ. Việc hạn chế tốc độ sẽ tạo điều kiện phát sinh tiêu cực. Điều quan trọng, CSGT phải thường xuyên tuần tra xử phạt thật nghiêm các hành vi vi phạm luật giao thông.
Điều đáng nói là trên cùng một trục QL13 đoạn TPHCM bị hạn chế tốc độ dưới 60km/giờ, trong khi đó phía tỉnh Bình Dương lại cho phép phương tiện lưu thông trên 90km/giờ. Theo các cơ quan chức năng tỉnh này không hề đề cập nguyên nhân TNGT là do chạy tốc độ cao.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Công, chuyên gia giao thông cho rằng, muốn phát triển kinh tế thì hạ tầng giao thông phải thông thoáng, trong đó mấu chốt khâu lưu thông hàng hóa càng nhanh càng tốt. Vì vậy Bình Dương đang hướng tới tăng dần tốc độ trên hàng loạt tuyến đường huyết mạch ra vào các khu công nghiệp, các cảng IDC. Vậy thì tại sao TPHCM lại đưa ra nguyên nhân lưu thông tốc độ cao TNGT tăng? Trong khi đó, nhiều tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, QL1, xa lộ Hà Nội… không thua gì đại lộ Bình Dương (QL13) lại hạn chế tốc độ. Điều này đi ngược với xu hướng phát triển hiện nay, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế trọng điểm phía Nam.

Các tin khác