Dự án BOT: Bộc lộ nhiều bất cập

(ĐTTCO) - Khởi động chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phát hiện nhiều vấn đề bất cập. Đáng lo ngại, với hệ thống văn bản “trống vắng” như hiện tại, rất khó quản lý, kiểm soát lợi nhuận, chi phí quản lý và doanh thu thu phí của nhà đầu tư.

Nhiều dự án bị giảm "tuổi thọ" thu phí

Dẫn kết quả kiểm tra 27 dự án BOT giai đoạn 2011-2016 của Kiểm toán Nhà nước làm ví dụ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết, quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, nhà đầu tư được lựa chọn một trong hai hình thức: Đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Thực tế diễn ra là: 26 dự án chỉ định thầu; chỉ 1 dự án đấu thầu nhưng chỉ có 2 nhà thầu tham gia rồi 1 nhà thầu bỏ cuộc.

 

Kết quả kiểm toán 27 dự án BOT còn cho thấy bất cập về vị trí đặt trạm thu phí. Cụ thể, trạm thu phí cho dự án, nhưng đặt trên tuyến đường không gắn với dự án. Điều này dẫn đến tình trạng, người dân không đi trên tuyến đường được đầu tư bằng hình thức BOT, nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư. Chưa kể, khoảng cách giữa các trạm thu phí không bảo đảm tối thiểu 70km theo quy định, gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Về mức phí, mỗi phương tiện khi qua trạm đều có mức thu như nhau bất kể đi quãng đường dài hay ngắn. Điều này khiến một bộ phận người dân và doanh nghiệp tại địa phương - nơi đặt trạm thu phí phải trả phí rất cao do qua trạm nhiều lần, dù mỗi lần chỉ đi quãng đường rất ngắn.

Sau khi rà soát chi phí đầu vào, tính toán lại phương án tài chính cho sát với thực tế và phù hợp với quy định của Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước phát hiện 11/27 dự án tính sai giá dự phòng, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng… làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý 465,5 tỷ đồng. Nhiều dự án phải giảm thời gian thu phí từ 10 tháng đến 13 năm so với phương án ban đầu của các đơn vị lập.

Điển hình như dự án mở rộng quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Khánh Hòa giảm 13 năm 1 tháng; dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), đoạn qua tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng; dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (quốc lộ 14), đoạn từ cầu 38 đến thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước giảm 7 năm 9 tháng…

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh đặt câu hỏi: “Mới kiểm toán 27 dự án, có tới 80% dự án phải rút ngắn thời gian thu phí. Việc này tiết kiệm được bao nhiêu tiền cho người dân và doanh nghiệp. Nếu không phát hiện ra thì thế nào?”.

Cần xác định rõ trách nhiệm

Lý giải tình trạng trên, Kiểm toán Nhà nước đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu: Sau 5 năm triển khai các dự án BOT giao thông, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa ban hành kịp thời, cụ thể, chi tiết và thiếu chặt chẽ. Nhiều quy định còn chung chung tạo khoảng trống pháp luật, gây thất thoát, lãng phí... Đơn cử, hiện vẫn chưa có tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án nâng cấp, cải tạo hoặc đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT hay sử dụng vốn ngân sách. Lợi nhuận của nhà đầu tư các dự án BOT giao thông chủ yếu từ thu phí và điều này phụ thuộc vào lưu lượng phương tiện giao thông.

Nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể cách xác định số liệu về lưu lượng phương tiện giao thông qua trạm thu phí. Vì vậy, có dự án xác định chỉ tiêu này dựa trên hồ sơ khảo sát và phân tích số liệu khảo sát tính toán bình quân lưu lượng xe hai đoạn trên tuyến dự án để tính bình quân lưu lượng xe năm gốc tính toán... Cũng có dự án chỉ dựa trên số liệu thống kê trong 2 ngày để suy ra lượng phương tiện cho cả năm hoặc căn cứ kết quả khảo sát lưu lượng phương tiện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Nguyên nhân nữa là chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư chưa cao; việc nghiệm thu, giám sát, quản lý chất lượng thi công tại một số dự án còn chưa chặt chẽ; công tác quản lý chi phí đầu tư còn nhiều sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá; việc xác định tổng vốn đầu tư của các dự án còn chưa hợp lý. Chưa kể, việc thực hiện chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư khiến dư luận hoài nghi về tính cạnh tranh.

Từ những bất cập nêu trên, có ý kiến đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý, phê duyệt, xây dựng định mức đơn giá, việc triển khai... Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, sau khi làm việc với Kiểm toán Nhà nước, nội dung này sẽ tiếp tục được làm rõ hơn trong các cuộc làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải... để thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Các tin khác