Đô thị thông minh phải phục vụ tốt cuộc sống người dân

(ĐTTCO)-Chiều 19-9, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (thuộc Sở KH-CN TPHCM) tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp tổng thể cho Đô thị thông minh”.
 
 
Đô thị thông minh phải phục vụ tốt cuộc sống người dân
Tham dự hội thảo này có nhiều lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo TPHCM và các tỉnh thành như Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau…; cùng đông đảo doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận, đóng góp các giải pháp xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM). Trong đó, các đại biểu đều thống nhất, mục tiêu cuối cùng của xây dựng ĐTTM là hướng đến phục vụ tốt hơn nhu cầu và cuộc sống của người dân. 

Theo GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán, ĐTTM là một đô thị ứng dụng công nghệ để kết nối, thu thập và phân tích thông tin của người dân và các cấp quản lý để nâng cao chất lượng sống của người dân và đảm bảo phát triển bền vững.
TPHCM hiện nay đang đối diện với nhiều thách thức: dân số tăng; chất lượng phục vụ chưa tốt; kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa bền vững; việc khuyến khích người dân tham gia vào giám sát, xây dựng và phát triển đô thị chưa hiệu quả… Do vậy định hướng xây dựng TPHCM trở thành ĐTTM là cấp thiết, nhằm biến TPHCM thành nơi đáng sống, đáng đến với chính quyền thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh, dịch vụ thông minh…

Theo đó, có 10 lĩnh vực then chốt được TPHCM ưu tiên khi xây dựng đề án ĐTTM là giáo dục, y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, nguồn nhân lực, môi trường... Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết, tiêu chí chung là TP là sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử và quy hoạch thông minh để thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời tạo ra các tiện ích phục vụ người dân. TP cũng hướng đến việc đề xuất các dự án cụ thể cho các doanh nghiệp để triển khai thực hiện đề án ĐTTM, trong đó chú trọng huy động nguồn lực ngoài ngân sách; khuyến khích đầu tư và cho thuê các dịch vụ CNTT.

Từ thực tế xây dựng ĐTTM của Đà Nẵng cho thấy, CNTT là nền tảng chủ chốt. Tuy nhiên, ý niệm rằng công nghệ và quản trị đô thị sẽ tự động đem đến đô thị tốt hơn là chưa có cơ sở. Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở TT-TT Đà Nẵng, cho rằng, cách tiếp cận “cứng” dựa vào công nghệ thôi chưa đủ, cần một cách tiếp cận thứ hai là tiếp cận “mềm”, nhắm tới việc nâng cao giá trị của các thành phần phi vật thể như vốn xã hội, vốn con người, vốn tri thức của các công ty, vốn tổ chức trong các cơ quan quản lý…

Khẳng định các ý kiến của diễn giả và đại biểu đã cung cấp cái nhìn tổng quát về các giải pháp công nghệ để xây dựng thành công một ĐTTM, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng kỳ vọng sẽ đón nhận thêm sự hợp tác trong tương lai của tất cả các đơn vị, các cấp quản lý và các doanh nghiệp, tạo nên một nền tảng vững chắc để phát triển ĐTTM tại TPHCM nói riêng, trên cả nước nói chung. 

Các tin khác