Đề nghị tăng tối đa mức xử phạt vi phạm đường bộ lên 80 triệu đồng

(ĐTTCO)-Nhiều ý kiến đề xuất tăng mạnh mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tăng thẩm quyền xử phạt cho lực lượng thanh tra giao thông đã được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 2 năm thi hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, tổ chức ngày 10-4 tại Hà Nội.
Cảnh dừng xe ăn uống trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai ngày 6-2-2019 và được livestream trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Cảnh dừng xe ăn uống trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai ngày 6-2-2019 và được livestream trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Cụ thể, mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 40 triệu đồng đối với cá nhân được cho là đang thấp hơn so với mức phạt tiền của đường sắt, đường thủy nội địa trong khi tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi vi phạm đường bô không kém phần nguy hiểm. Do đó, đại diện các cơ quan Nhà nước kiến nghị tăng mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ lên 80 triệu đồng đối với các nhân.

Một số hành vi vi phạm như nồng độ cồn, điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, xe đi ngược chiều đường cao tốc... có tính chất, mức độ nguy hiểm, khả năng gây tai nạn giao thông với hậu quả rất nghiêm trọng nhưng quy định hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 4-6 tháng hoặc 22-24 tháng là chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần tăng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, có thể tước bằng lái vĩnh viễn đối với một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ có mức độ, tính chất đặc biệt nguy hiểm.

Đại diện Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng kiến nghị cần bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ cho đội trưởng đội nghiệp vụ thanh tra sở giao thông vận tải, cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực hay các đơn vị thuộc Cục Đường sắt. Hiện nhiều hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của thanh tra viên, mà do Chánh Thanh tra Sở, thủ trưởng cơ quan quản lý đường bộ thực hiện.

Thực tế thi hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ cũng cho thấy,  nhiều hành vi vi phạm trong thực tế chưa thể xử lý vì thiếu phương tiện kỹ thuật như khí thải, âm lượng còi, độ ồn... Hành vi lắp thêm đèn chiếu sáng trước xe ôtô gây ảnh hưởng, mất an toàn đối với xe đi ngược chiều hiện vẫn chưa được quy định trong Nghị định. Do đó, Nhà nước cần tăng cường các điều kiện về trang thiết bị, chế độ cho người thực thi công vụ trong đó ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng cần nghiên cứu quy định về việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép theo thủ tục hành chính để đảm bảo tính khả thi hoặc cho phép người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm có thẩm quyền được tạm giữ xe để ngăn chặn hành vi có khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

Các tin khác