Đẩy nhanh tiến độ hạ tầng giao thông cho ĐBSCL

(ĐTTCO)-Ngày 23-6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL.
 
Cầu Cần Thơ.
Cầu Cần Thơ.
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: Trong giai đoạn 2010-2015, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của ĐBSCL đã được đầu tư, hoàn thành 40 dự án với tổng vốn đầu tư 43.682 tỷ đồng (tương đương 11,5% tổng vốn đầu tư thực hiện của ngành giao thông trong cả nước).
Hiện còn 26 dự án đang được đầu tư với tổng số vốn khoảng 88.910 tỷ đồng, trong đó vốn huy động ngoài ngân sách hơn 21.500 tỷ đồng. Thời gian tới, để bảo đảm nguồn vốn thực hiện cho các dự án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung nguồn vốn dự phòng giai đoạn 2016-2020 với kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng để triển khai các dự án đang thi công; 22.645 tỷ đồng khởi công mới 17 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trong vùng. 

Sau khi nghe báo cáo của Bộ GTVT và các ý kiến, kiến nghị của lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đầu tư kết cấu hạ tầng của ĐBSCL hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, hệ thống giao thông trong vùng vẫn còn một số lĩnh vực chưa được khai thác triệt để so với công suất đầu tư, nhất là giao thông hàng không, hệ thống cảng biển, đường thủy nội địa.
Việc triển khai đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng còn chậm, một số dự án ưu tiên chưa đạt yêu cầu, vì thế cần phải tập trung tháo gỡ, xử lý các “nút thắt” về giao thông như: Tuyến cao tốc TPHCM về Cần Thơ; tuyến kết nối các tỉnh Cà Mau - Sóc Trăng - Trà Vinh - Bến Tre - TPHCM; các dự án Trung lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ… 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách và quy định của pháp luật về đầu tư; hoàn thiện kế hoạch nạo vét, quản lý đường hàng hải và đường thủy nội địa; rà soát lại quy hoạch khai thác cát, sỏi lòng sông, cửa sông; nghiên cứu vật liệu thay thế cát xây dựng…

Các tin khác