Đầu tư BOT: Cần thiết phải có Luật riêng cho BOT

(ĐTTCO) - Cần xây dựng Luật cho các dự án đầu tư BOT để tránh những hệ lụy như trong thời gian vừa qua..

Tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang được Bộ GTVT và Bộ Tài chính đưa vào diện giám sát, kiểm tra.
Tuyến BOT Hà Nội - Bắc Giang được Bộ GTVT và Bộ Tài chính đưa vào diện giám sát, kiểm tra.

Dù có nhiều bất cập, gây sức ép lớn cho đời sống kinh tế - xã hội, thế nhưng không thể không nói đến những tác động tích cực mà các dự án BOT mang lại, nhất là nhiều tuyến đường cao tốc được đầu tư bằng hình thức này đã mang lại hiệu quả về kinh tế - xã hội rất thiết thực.

Tuy nhiên đến nay, các dự án BOT vẫn chưa có một hành lang pháp lý nào để điều chỉnh và tác động nhằm minh bạch hóa loại hình đầu tư BOT. Vì vậy, xây dựng Luật cho các dự án đầu tư BOT là cần thiết trong lúc này để tránh những hệ lụy.

Trạm thu phí BOT cho Quốc lộ 3 mới tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới đặt tại vị trí dưới ngã ba Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên đang gây bức xúc trong dư luận vì những bất hợp lý của dự án này.

Thế nhưng, trước bức xúc của người dân, chính quyền tỉnh Thái Nguyên chỉ có thể nêu kiến nghị một cách chung chung lên Bộ GTVT và chưa có quyết định cuối cùng về trạm thu phí này.

Theo ông Nhữ Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên thì phương án mà tỉnh đề ra là: “Chúng tôi đề xuất là bao giờ có sự đồng thuận cao thì chúng ta tiến hành thu phí”.                          

Thế nào là đồng thuận cao? Một câu từ rất mơ hồ trong khi thu phí có mức thu, số năm thu rõ ràng. Một số chuyên gia phân tích, đến thời điểm hiện nay, loại hình đầu tư BOT hoàn toàn do các doanh nghiệp tự lên ý tưởng, tự lập dự án rồi cơ quan Nhà nước phê duyệt.

Vì phía Nhà nước không góp vốn nên không thể can thiệp hành vi của nhà đầu tư nhằm thực hiện được các mục tiêu an sinh xã hội trong dự án đó. Ngoài ra, do không có vốn của Nhà nước nên không thể nắm quyền thiết kế, giám sát và kiểm định dự án…Đây là những lỗ hổng pháp lý và dẫn tới thiếu hụt sự minh bạch.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, sau những sự việc người dân chặn trạm thu phí để phản đối chủ đầu tư đặt trạm ở Hòa Bình, cầu Bến Thủy, ở Phú Thọ…cần thiết phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch để thu hút cũng như quản lý hoạt động này.

“Từ những cái lẻ tẻ thế này thì các cơ quan Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải phải ngồi tính toán rất cụ thể, minh bạch hóa nó ra thành những quy định cụ thể áp dụng cho mọi nơi, mọi chỗ”.

Còn ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Cơ quan quản lý Nhà nước là người thu thuế của dân thì phải đảm bảo được quyền sử dụng cơ sở hạ tầng ở mức tương đương mức thuế thu của dân đó. Những điểm đấy chúng ta chưa xác định được, chúng ta chưa công khai, cho nên khiến cho nhiều người bức xúc khi trả tiền mà chưa rõ nguyên nhân”. 

Theo lý giải của Bộ GTVT, trên thực tế đúng như dư luận cũng có một số ý kiến cho rằng hiện nay các dự án BOT chưa thực sự minh bạch, ở đây Bộ GTVT nhìn nhận cũng có mấy vấn đề. Trong đó, theo quy định của Nghị định 108 trước đây là nhà đầu tư (chủ đầu tư dự án) sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là Bộ GTVT phê duyệt dự án đầu tư, thì mức đầu tư là do nhà đầu tư thực hiện, tự quyết định phê duyệt dự toán, thiết kế và cơ quan nhà nước sau đó hậu kiểm. Tuy nhiên, sang Nghị định 15 thì chúng ta đã có sự điều chỉnh. Trong đó quy định vốn chủ sở hữu lớn hơn, thứ hai là khâu lập dự toán, thiết kế đều được Nhà nước thẩm định và phê duyệt.

Để hạn chế, tiến tới minh bạch các dự án BOT, theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, “Bộ GTVT đang tiến tới là hoàn toàn thu phí tự động, như vậy toàn bộ quá trình thu phí chúng ta có thể kiểm soát được một cách toàn diện, như vậy các dự án BOT sẽ minh bạch”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trong quá trình thu phí còn có sự kiểm soát của các bên, đặc biệt là ngân hàng cho vay, của Tổng cục thuế hay của cơ quan chủ quản Bộ GTVT nên cũng sẽ nâng cao được tính minh bạch.   

Phải khẳng định lại rằng, bản chất dự án BOT là dự án đầu tư công trả chậm thông qua việc trả phí của người dân. Chính vì vậy, việc kiểm soát dự án BOT phải như dự án công. Muốn vậy, cần thiết phải có Luật riêng cho BOT trên cơ sở phát triển Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Luật ra đời không chỉ minh bạch hóa BOT mà sẽ được người dân giám sát và chia sẻ, hài hòa được lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Các tin khác