Đánh thức Cần Giờ

(ĐTTCO) - Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM vừa tổ chức buổi góp ý của các chuyên gia nhằm tìm ra mô hình phát triển đột phá cho huyện Cần Giờ. 

Các ý kiến đều cho rằng để đánh thức vùng đất Cần Giờ và tạo điều kiện cất cánh, cần có cơ chế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang) hay Vân Đồn (Quảng Ninh).

Cơ chế đặc thù, không đánh đổi môi trường sinh thái 

Tương lai, Cần Giờ phải trở thành khu kinh tế du lịch sinh thái đúng nghĩa, tức là du khách cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn khu dự trữ và người dân sở tại cũng sẽ là những người tham gia làm du lịch tại chỗ. Về mặt giao thông, chúng ta có thể lấy đường thủy và đường không làm hướng tiếp cận chính cho các đồ án quy hoạch sắp tới.

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch huyện Cần Giờ

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, phân tích Cần Giờ có hơn 15km bờ biển, cách trung tâm TP khoảng 40km - cự ly vàng để phát triển du lịch. “Nhiều thế hệ lãnh đạo TP trước đây cũng muốn phát triển Cần Giờ nhưng chưa làm được. Nay đặt vấn đề vực dậy Cần Giờ dù có muộn nhưng rất cần bởi hiện Cần Giờ đã thu hút được các nhà đầu tư lớn về đây.

Đơn cử như Tập đoàn Tuần Châu đầu tư khoảng 1.000ha, Tập đoàn Vingroup cũng đã được chấp thuận đầu tư trên 2.000ha. Với những nhà đầu tư tầm cỡ và dự án quy mô lớn này sẽ góp phần tạo sự đột phá cho Cần Giờ phát triển” - ông Châu khẳng định.

 Ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, cho rằng so với Phú Quốc và Vân Đồn, diện tích tự nhiên của Cần Giờ 704km2 lớn hơn. Vì vậy cần mạnh dạn đề xuất thành lập đặc khu như Vân Đồn hay Phú Quốc. Việc hình thành đặc khu với cơ chế đặc biệt sẽ giúp Cần Giờ phát triển mạnh mẽ.

Thí dụ, bên cạnh những khu du lịch nghỉ mát, tôn tạo lịch sử, Cần Giờ sẽ tận dụng được lợi thế biển để phát triển bến du thuyền, hình thành các chợ đấu giá hải sản, khu phố hải sản như Tokyo của Nhật Bản. “Muốn đột phá phát triển Cần Giờ phải đột phá cách làm. Cần có những chính sách, cơ chế phù hợp để Cần Giờ cất cánh trở thành khu kinh tế du lịch - nghỉ dưỡng. Nếu chúng ta vẫn giữ quan điểm phải giữ cho xanh, phải giữ nguyên thủy, người dân Cần Giờ sẽ mãi nghèo như hiện nay" - ông Tuyển đề xuất.

Ở góc nhìn rộng hơn, PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng vấn đề phát triển Cần Giờ đặt ra không chỉ đơn thuần làm đường thật to, làm cao tốc, làm các đô thị lấn biển tầm cỡ để người giàu TP xuống đây nghỉ mát. Yêu cầu đặt ra cho những người làm công tác chuyên môn là tìm ra mô hình phát triển vùng đất này để người nông dân có thể sống tốt hơn, làm sao Cần Giờ hòa nhập được với sự phát triển chung.

Theo đó, phát triển Cần Giờ phải theo tiêu chí không đánh đổi môi trường sinh thái, đảm bảo tính bền vững, gắn với tính chất, chuẩn mực môi trường sinh thái ở đây. Gắn bó nhiều năm với công tác làm quy hoạch của huyện Cần Giờ, ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, cho biết quy hoạch Cần Giờ đã làm và điều chỉnh tới lần thứ 3. Nhưng vì chưa có cơ chế hưởng chính sách riêng từ tài chính, đầu tư, phát triển ngành nghề nên địa phương này không thể thoát nghèo.

Trục đường dẫn vào trung tâm Cần Giờ. Ảnh: LONG THANH

Trục đường dẫn vào trung tâm Cần Giờ. Ảnh: LONG THANH

Tiềm năng kinh tế biển - du lịch sinh thái

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, không nên đánh đồng phát triển cả huyện Cần Giờ mà nên tập trung ở phía biển là Cần Thạnh, vì nơi đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là đô thị vệ tinh của TPHCM. Định hướng phát triển du lịch hòa quyện với thiên nhiên, không phá hoại thiên nhiên, gắn với đời sống người dân trong đó.

Và để đến Cần Giờ thuận lợi hơn cần phát triển giao thông đường thủy, đường hàng không, không chỉ dựa vào đường bộ. Trong bản vẽ quy hoạch từ hơn 10 năm trước, các nhà làm quy hoạch đã từng đề xuất xây dựng một tuyến đường ngầm vượt biển nối Cần Giờ với TP Vũng Tàu dài khoảng 25km.

Ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết huyện Cần Giờ rộng có 33.000ha là rừng sinh quyển luôn phải giữ nghiêm ngặt. Vì vậy, phát triển đô thị là cần thiết nhưng không thể để mất diện tích rừng này. Dự án phà Cần Giờ - Vũng Tàu hiện đã chọn được nhà đầu tư, dự kiến năm 2018 đưa vào khai thác. Phà Cần Giờ - Cần Giuộc (Long An) cũng sẽ đưa vào sử dụng dịp 2-9 năm nay. Ngoài ra, có dự án đường cao tốc Bên Lức - Long Thành chạy qua Cần Giờ đang được đầu tư, đồng thời chính quyền TP cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cầu Bình Khánh, cầu Cần Giờ và nâng cấp đường Rừng Sác.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, Cần Giờ dân số khoảng 80.000 dân, mỗi năm đón khoảng 1 triệu lượt khách với điều kiện tiếp cận rất khó khăn. Nếu đi đường bộ mất 2 giờ đồng hồ và cũng bằng thời gian ấy đi bằng đường thủy. Cơ sở lưu trú chưa đáp ứng, sản phẩm và dịch vụ nghèo nàn. “Tôi đã đi khảo sát nhiều lần và thấy diêm dân, ngư dân, người nuôi trồng thủy sản không phát triển nổi. Nhưng cũng  rất khó để xin cơ chế riêng cho Cần Giờ. Do đó, cần lấy một mũi phát triển đô thị đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội đem ra bàn luận xem có khả thi. Nếu nhà đầu tư cảm thấy có lợi sẽ vào” - ông Vũ góp ý.

Nhìn nhận Cần Giờ rất có tiềm năng phát triển kinh tế biển, phát triển đô thị gắn liền với du lịch, nhưng nhiều chuyên gia cũng lưu ý phải quan tâm đến cải thiện môi trường. Hiện nay nước sông Sài Gòn có độ tanh khá cao, ra đến Cần Giờ còn tanh hơn do phù sa, chất thải từ 3 con sông lớn đổ ra đây. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm có thể khắc phục được.

Rừng Sác bị chất độc màu da cam phá hủy khoảng 80% diện tích nhưng nay đã phục hồi trở thành lá phổi cho cả TP. Nhiều con kênh quanh trung tâm TP ngày trước ô nhiễm rất nặng nhưng nay đã được cải tạo trở nên trong xanh hơn. Do vậy, với công nghệ xử lý nước hiện nay, việc khắc phục ô nhiễm nước ở Cần Giờ không phải quá khó.

Các tin khác