Cửa ngõ Tây Bắc-Tây Nam: Đường lớn đã mở

 
(ĐTTCO) -  Sau 42 năm thống nhất đất nước, chưa có năm nào thông tin về đầu tư phát triển hạ tầng tạo nền tảng cho sự phát triển cửa ngõ Tây Bắc - Tây Nam TPHCM lại dồn dập như trong năm 2017.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND cùng các sở ban ngành TPHCM làm lễ khởi công Cầu vượt tại nút giao thông Trường Sơn nối Tân Sơn Nhất -Bình Lợi - Vành đai ngoài. Đây là tuyến đường kết nối khu Tây Bắc thông qua khu Đông. Ảnh: LONG THANH
Lãnh đạo Thành ủy, UBND cùng các sở ban ngành TPHCM làm lễ khởi công Cầu vượt tại nút giao thông Trường Sơn nối Tân Sơn Nhất -Bình Lợi - Vành đai ngoài. Đây là tuyến đường kết nối khu Tây Bắc thông qua khu Đông. Ảnh: LONG THANH

Cửa ngõ này là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối TPHCM với Long An, Tây Ninh, Bình Dương, các tỉnh ĐBSCL và nước bạn Campuchia, song thời gian qua thường xuyên quá tải, ùn ứ. Việc đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng nơi đây kỳ vọng tạo sự bứt phá cho cả vùng.

Tiềm năng chưa được khai thác

Theo định hướng quy hoạch phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TP sẽ mở rộng theo 4  hướng. Ban đầu phát triển về Tây Bắc chỉ là hướng phụ, nhưng hiện nay sau khi quy hoạch hướng Đông và Nam gần như hoàn chỉnh, trong khi hướng Tây Bắc có vị trí thuận lợi, dễ dàng tiếp cận với các tỉnh lân cận, do vậy việc quy hoạch và xây dựng khu đô thị vệ tinh Tây Bắc đã được quan tâm hơn.

Ngoài ra, Tây Bắc và Tây Nam (bao gồm quận Bình Tân và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn) là vùng đất có nhiều tiềm năng chưa được khai thác đúng tầm trong một thời gian dài. Vấn đề cốt lõi vẫn là bài toán giao thông chưa được giải.

Đơn cử, Khu đô thị vệ tinh Tây Bắc được quy hoạch có diện tích hơn 9.000ha với sức chứa 320.000 dân, thuộc địa bàn các huyện Củ Chi và Hóc Môn, cách trung tâm TP khoảng 30km. Khu đô thị vệ tinh này không chỉ giúp TP giãn dân mà còn là một cực tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, việc phát triển khu đô thị Tây Bắc chưa được hiện thực hóa. Nguyên nhân chính do hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm TP đến khu đô thị mới chưa được thông thoáng, chỉ 30km nhưng thời gian di chuyển phải mất 2 tiếng, điều này ít nhiều làm nản lòng các nhà đầu tư. Do con đường có tính độc đạo nên chỉ cần xảy ra sự cố là giao thông dễ dàng tê liệt.

TS. Nguyễn Minh Hòa, chuyên gia đô thị học, cho rằng chính quyền TP đã rất nỗ lực khi nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh, nhưng lưu lượng giao thông từ hướng Tây Bắc vào trung tâm TP và chiều ngược lại quá cao, nên việc nâng cấp con đường không theo kịp sự phát triển. Ngoài ra, “mũi tàu” Trường Chinh - Cộng Hòa bị tình trạng thắt cổ chai, gây tắc nghẽn giao thông trầm trọng.

Khởi động đầu tư hạ tầng

Nằm trong 6 dự án cấp bách về giao thông của TPHCM, một con đường song song với đường Cộng Hòa có chiều dài 4,3km, bắt đầu từ đường Trần Quốc Hoàn (Tân Bình) đến mũi tàu Cộng Hòa - Trường Chinh có 6 làn xe chạy, vừa được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Đây được xem là một trong những dự án quan trọng để phá vỡ thế độc đạo nối từ các quận trung tâm đi về hướng Tây Bắc.

Mới đây nhất, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TP đã đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng để xóa kẹt xe ở giao lộ Trường Chinh - Âu Cơ - Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Bình và Tân Phú). Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 là chủ đầu tư sẽ thực hiện 2 dự án, gồm nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Lê Trọng Tấn) dài 644,8m, rộng 30m (hiện nay rộng khoảng 8m) cho 6 làn xe lưu thông, với vốn xây dựng 96 tỷ đồng; mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) dài 765m, rộng 30m (hiện nay rộng khoảng 10-12m) cho 6 làn xe lưu thông.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, TP đã có quyết định giao đất để các quận triển khai đền bù giải tỏa và đơn vị đã bàn giao cắm mốc ranh giải tỏa ở 2 dự án trên.

Cùng lúc, TP đã triển khai thi công dự án hầm chui An Sương với kỳ vọng giải quyết ùn tắc ở khu vực nút giao An Sương; đồng thời, nâng cao năng lực lưu thông trên trục Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22, đường Trường Chinh… qua khu vực nút giao này.

Dự án gồm hầm chui đôi theo hướng Trường Chinh - Quốc lộ 22, mỗi hướng một hầm rộng 9m (2 làn xe), tổng chiều dài 2 hầm khoảng 850m. Công trình do Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành năm 2018. Theo kế hoạch, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (giai đoạn 1) đến năm 2019 sẽ đưa vào vận hành. Đây là một trong những dự án giao thông được kỳ vọng góp phần giảm tải cho cửa ngõ Tây Bắc, tạo thông thoáng đi vào các quận nội thành.

Hàng loạt dự án cửa ngõ Tây Nam cũng được triển khai như cầu vượt ngã tư Gò Mây đang được hoàn thiện nhánh thứ 2, dự kiến đưa vào sử dụng dịp 30-4 năm nay.

Mới đây, TP đã giao Sở GTVT tìm giải pháp thực hiện các dự án giải quyết ùn tắc giao thông tại các tuyến đường An Dương Vương - Phan Anh - Bình Long - Hương lộ 3, Tân Kỳ Tân Quý, Nguyễn Thị Tú, Lê Văn Quới nối dài; đầu tư nút giao thông Ngã tư Bốn Xã; mở rộng cầu bắc ngang kênh Lương Bèo kết nối từ đường số 40 qua đường Trần Văn Giàu từ 8m lên 16m; xây cầu đi bộ đường Trần Văn Giàu; đầu tư các dự án chống ngập như nâng cấp tuyến đường Hồ Học Lãm, lắp đặt cống hộp kênh liên xã, cải tạo rạch Ông Búp, cải tạo rạch Bà Tiếng…

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông, xã hội trên địa bàn các quận, huyện cửa ngõ Tây Nam như Bình Tân, Bình Chánh cũng được phát triển mạnh, nâng cao chất lượng sống của người dân với mạng lưới trường học, cơ sở y tế đạt chuẩn quốc gia, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị... Tốc độ đô thị hóa của quận Bình Tân được đánh giá nhanh với quy mô dân số thuộc diện cao nhất TP.

Động lực phát triển kinh tế- xã hội

Với mong muốn xây dựng Khu đô thị Tây Bắc là trung tâm vùng và đô thị cửa ngõ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, chính quyền TP đang nỗ lực biến nơi đây trở thành khu đô thị đa trung tâm. Các phương án thiết kế được dựa trên nguyên tắc: bền vững, đề cao tự nhiên, cân bằng giữa thiên nhiên và con người… Để có được phương án tối ưu riêng cho Khu đô thị Tây Bắc, đơn vị tư vấn cũng đã nghiên cứu các mô hình đô thị phát triển trên thế giới, đặc biệt là các đô thị mới ở Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Singapore...

Thông qua việc nghiên cứu trên, TP đặt mục tiêu xây dựng Khu đô thị Tây Bắc thành đô thị vệ tinh hiện đại, sạch, xanh, đồng bộ cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật, bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân với điều kiện đạt chất lượng cao và an toàn. Trong tương lai, Khu đô thị Tây Bắc sẽ là nơi thu hút dân cư, với khả năng tạo việc làm cao, là nơi có mức tăng trưởng kinh tế nhanh qua sự phát triển dịch vụ công cộng và công nghiệp.

Trong khi đó, khu vực Tây Nam, cũng đang thay đổi từng ngày. Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng giám đốc CTCP Dịch vụ bất động sản Danh Khôi (DKRS), đánh giá: “Những năm qua, nỗ lực chỉnh trang, cải thiện chất lượng môi trường sống cho người dân đã đem lại cho khu Tây Nam một diện mạo đô thị hoàn toàn khác. Các dự án nhà ở được đầu tư bài bản, đồng bộ về hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội, đã biến quận Bình Tân và huyện Bình Chánh thành môi trường đáng sống cho người dân”.

Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc L&L Group, đánh giá: “Khu Tây Nam TPHCM có vị trí tiềm năng để phát triển khi UBND TP đang đẩy mạnh xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, dự án cầu Bình Tiên... sẽ giải quyết triệt để vấn đề ùn tắc và mở rộng thêm tuyến đường giao thương giữa các quận về trung tâm. Tất cả yếu tố này hứa hẹn mang đến cho khu Tây Nam có một diện mạo hoàn toàn mới”.

Các tin khác