Công khai, tạo thuận lợi cho người dân khi thu hồi đất

(ĐTTCO)-Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, về một số vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư các dự án.
 
 
Dự án khu tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất (quận 12) kéo dài hơn 15 năm vẫn chưa đền bù, giải tỏa xong cho người dân để thu hồi đất
Dự án khu tái định cư 38ha phường Tân Thới Nhất (quận 12) kéo dài hơn 15 năm vẫn chưa đền bù, giải tỏa xong cho người dân để thu hồi đất
Tốc độ đô thị hóa trên địa bàn TPHCM diễn ra khá nhanh khiến quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội ngày càng khan hiếm. Song song đó, việc bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cũng ngày càng khó khăn. Do vậy, quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất cần hết sức dân chủ, công khai…
° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, thực trạng bồi thường, hỗ trợ tái định cư các dự án trên địa bàn TP hiện nay như thế nào?
° Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG: Với các dự án có phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt trước ngày 1-7-2014 đến cuối tháng 6-2017, trên địa bàn 24 quận - huyện còn 133 dự án chưa hoàn thành việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và chưa hoàn thành việc thu hồi đất để triển khai thực hiện.
Cụ thể, đã chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho gần 40.000 trường hợp, thu hồi hơn 20,7 triệu m2 đất; còn 24.365 trường hợp - với 27,7 triệu m2 đất - chưa thực hiện xong việc bồi thường, thu hồi đất.
Nguyên nhân là nhiều dự án chưa được bố trí vốn; quỹ nhà ở, nền đất bố trí tái định cư chưa được phê duyệt giá bán, đơn giá thuê; người dân không đồng ý phương án đền bù được phê duyệt trước đây, chưa đảm bảo cơ sở pháp lý áp dụng biện pháp kiểm đếm bắt buộc đối với trường hợp người dân không hợp tác việc thực hiện kê khai, đo đạc, kiểm đếm…
Việc chậm trễ này làm phát sinh tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư rất nhiều, cũng như tăng chi phí đầu tư xây dựng so với dự toán đã phê duyệt.
Bên cạnh đó, có 72 dự án đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Luật Đất đai 2013 (tính đến tháng 6-2017). Trong đó, đã hoàn thành chi trả bồi thường, tái định cư và bàn giao mặt bằng 32 dự án, còn 40 dự án chưa thực hiện xong…
Ngoài ra, số lượng dự án có sử dụng đất cần phải thu hồi để giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 122/2016 của HĐND TPHCM là 824 dự án (thực hiện theo Luật Đất đai 2013). Nói chung, TPHCM cần quỹ đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khá lớn.
° Có phải giá bồi thường vẫn là nguyên nhân khó khăn nhất trong thu hồi đất?
° Quy định của pháp luật liên quan đến việc xác định giá đất có nhiều thay đổi, đặc biệt đối với việc xác định giá đất nông nghiệp để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Trước đây, việc xác định giá đất được thực hiện theo Thông tư 145/2007 của Bộ Tài chính.
Theo đó, thông tin về tài sản so sánh có thể được thu thập trên báo, trên mạng và là các tài sản rao bán; còn đối với giá đất nông nghiệp, ngoài giá đất để tính bồi thường còn được hỗ trợ theo quy định tại Nghị định 69 năm 2009 của Chính phủ.
Cụ thể như: hỗ trợ cho loại đất nông nghiệp vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà bằng 40% đơn giá đất ở để bồi thường; đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, thị trấn và đất nông nghiệp xen kẽ khu dân cư được hỗ trợ bằng 50% giá đất bình quân của khu vực theo bảng giá đất quy định của Nhà nước.
Việc xác định giá đất nói trên có ưu điểm là nguồn thông tin phong phú, rút ngắn thời gian xác định giá đất, nhưng nhược điểm là có thể tạo ra tình trạng giá ảo. Hiện nay, việc xác định giá đất được quy định tại Thông tư 36/2014 của Bộ TN-MT.
Theo đó, các thông tin về tài sản so sánh phải được giao dịch thành, kể cả đất nông nghiệp. Cách xác định này có ưu điểm là hạn chế tình trạng giá ảo, nhưng hạn chế nguồn thông tin. 
Đối với 824 dự án có sử dụng đất cần phải thu hồi đất để giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 122/2016 của HĐND TP, giải pháp xác định hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường hỗ trợ là: Đối với dự án có vị trí khu vực lân cận hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội với dự án đã được UBND TP phê duyệt, thì UBND quận - huyện cân đối giá bồi thường để đề xuất, báo cáo gửi Sở TN-MT, phối hợp với Sở Tài chính (thường trực Hội đồng thẩm định giá TP) và các sở ngành liên quan thống nhất trình UBND TP; đối với trường hợp nằm ngoài phạm vi trên, UBND quận - huyện được ủy quyền thuê đơn vị có chức năng thẩm định giá tổ chức điều tra, khảo sát giá đất trên thị trường để đề xuất hệ số điều chỉnh giá đất, báo cáo Sở TN-MT xem xét và gửi Hội đồng thẩm định giá TP thẩm định, trình duyệt theo quy định.
° Được biết, Sở TN-MT đang “chấp bút” dự thảo quy định chức năng nhiệm vụ và cơ cấu Ban chỉ đạo TP về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM. Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
° Thực chất đây là cơ chế liên thông một cửa của TP nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về bồi thường hỗ trợ tái định cư. Ban chỉ đạo sẽ tham mưu cho Thành ủy, HĐND TP các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ về chính sách, cơ chế và những vướng mắc khó khăn trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất…
Hoàn thiện cơ chế tạo quỹ đất, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng các khu dân cư có hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ để bố trí chỗ ở mới cho người bị thu hồi đất, trước khi bồi thường giải tỏa.
Đối với các dự án  xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, chỉnh trang đô thị, cần quy hoạch cả diện tích đất bên cạnh công trình để tạo nguồn lực từ đất đầu tư cho các công trình này, hỗ trợ người có đất bị thu hồi và tăng ngân sách nhà nước, ưu tiên người có đất bị thu hồi được giao đất hoặc mua đất trên diện tích đất đã thu hồi theo quy định của pháp luật… 

Các tin khác