Chốt phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo 3 giai đoạn

(ĐTTCO) - Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng về phương án đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo 3 giai đoạn. 
Chốt phương án đầu tư cao tốc Bắc - Nam theo 3 giai đoạn
Đây là tuyến đường bộ cao tốc đáp ứng năng lực vận tải lớn, tốc độ cao và an toàn, kết nối các trung tâm kinh tế, xã hội từ Hà Nội đến TPHCM, qua 20 tỉnh, thành phố, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, khu vực có đường cao tốc chạy qua, giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A.
Trước đó, Bộ GTVT đã trình Chính phủ 3 phương án đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có chiều dài 1.372km, với tổng mức đầu tư dự kiến 314.100 tỷ đồng. Và phương án 1 được Chính phủ lựa chọn, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong những ngày tới tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV.
Theo phương án được chọn, dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được phân kỳ đầu tư như sau: giai đoạn I (2017 - 2017) sẽ đầu tư xây dựng 684km đường bộ cao tốc, giai đoạn II (2023 - 2028) sẽ đầu tư thêm 905km đường cao tốc trên tuyến, và giai đoạn III kể từ sau năm 2028 sẽ đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt.
Về nguốn vốn đầu tư dự án, trong giai đoạn I, vốn NSNN sẽ hỗ trợ đầu tư khoảng 55.000 tỷ đồng để đầu tư, tập trung vào công tác GPMB dự án. Tiếp đó, sẽ đầu tư giai đoạn II tuyến cao tốc này với tổng mức đầu tư ước tính hơn 142.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ NSNN hỗ trợ 44.000 tỷ đồng. Gai đoạn III của dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 69.000 tỷ đồng.
Theo kết luận của Thủ tướng, dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã được nghiên cứu kỹ các yếu tố kỹ thuật, tính toán các phương án giải pháp chuyên ngành nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong ngắn hạn và dài hạn. Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về phương án đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, bởi theo kiến nghị của Bộ này, phương án 1 đầu tư tối ưu và hiệu quả nhất. 
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành cần đặc biệt quan tâm đến công tác GPMB dự án. Từ thực tiễn thành công tại các dự án lớn như mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 đoạn qua Tây Nguyên, việc GPMB cao tốc Bắc - Nam cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính quyền, địa phương trong tổ chức thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả trong triển khai dự án.
Trong công tác phân kỳ đầu tư dự án cần tính toan theo từng giai đoạn, phù hợp với lưu lượng phát triển trong thực tế. Đồng thời, Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch phát triển đường cao tốc, bảo đảm tầm nhìn dài hạn. Quá trình đầu tư dự án phải đảm bảo công khai, minh bạch, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, chống lợi ích nhóm, đặc biệt trong khâu lựa chọn nhà đầu tư cho các dư án thành phần.

Các tin khác