Chỉnh trang bờ bao kênh rạch

(ĐTTCO)-Xây dựng hệ thống bờ bao kênh rạch bằng bê tông hoặc nhựa là giải pháp mà quận Thủ Đức (TPHCM) đang thực hiện để chỉnh trang đô thị, giảm thiểu ô nhiễm khu dân cư.
Bờ kè rạch Cầu Ngang đang được cải tạo, nâng cấp
Bờ kè rạch Cầu Ngang đang được cải tạo, nâng cấp

Ký ức bên dòng kênh đen

Địa hình quận Thủ Đức có sông Sài Gòn bao quanh, cùng các kênh rạch Gò Dưa, Cầu Ngang, Suối Cái, Ba Bò… đan xen. Các kênh rạch này đã một thời phục vụ cho việc thoát nước, tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa đường thủy.

Trong cơn lốc đô thị hóa, nhu cầu xây dựng nhà tăng nhanh, thiếu kiểm soát, tấc đất tấc vàng, nên nhiều kênh rạch bị lấn chiếm. Nhà máy, khu chế xuất, khu công nghiệp mọc lên đã gây ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng. Những dòng kênh xanh một thời đã chuyển thành kênh đen, bọt tung trắng xóa, mùi hôi nồng nặc. 

Được sự hỗ trợ từ thành phố, việc xây dựng hệ thống bờ bao kênh rạch bằng bê tông bước đầu đã làm thay đổi bộ mặt đô thị ở quận Thủ Đức. Công trình được triển khai đầu tiên là xây bờ kè, làm đường ven hệ thống rạch Suối Cái. Con rạch Suối Cái nằm trên địa bàn phường Linh Trung, thu gom nước của cả khu vực, xuôi về Khu Công nghệ cao (quận 9). Ở nhiều đoạn, con rạch được cải tạo lại theo mô hình dòng kênh chảy giữa công viên, hai bên bờ có đường đi, cây xanh, có lắp đặt đèn chiếc sáng. 

Ông Phan Tấn Thành, Giám đốc Công ty Phan Gia, nhà ở phường Bình Chiểu, kể: “Trước đây, người ta ngại mua nhà ở khu vực ven kênh Ba Bò, vì quá ô nhiễm. Chỉ trong chừng 10 năm, từ một con kênh nước trong xanh đã biến thành kênh đen vì nguồn nước bị ô nhiễm. Đến đỉnh điểm, nước đen trên con kênh chuyển thành bọt, chuyển cả dòng kênh đen thành con kênh trắng, mùi hôi bao trùm cả khu vực rộng lớn. Nhưng đó là câu chuyện mấy năm về trước, còn nay kênh Ba Bò đã được cải tạo, chỉnh trang. Công trình có giá trị đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã làm thay đổi toàn bộ dòng kênh. Dòng chảy con kênh đã được khơi thông, bờ kênh được xây bê tông kiên cố, cặp dọc hai bên bờ kênh là 2 tuyến đường tráng nhựa khang trang”. 

Hiện nay, quận đang thực hiện dự án xây dựng bờ bao, cải tạo rạch Cầu Ngang. Tại con rạch đen chảy ngang đường Kha Vạn Cân, công trình đang thi công những hạng mục cuối cùng. Cùng với việc xây dựng bờ bao kênh rạch bằng bê tông, những kênh rạch còn lại cũng đã được xây dựng bờ bao bằng nhựa PVC.

Do bờ bao các tuyến rạch Gò Dưa, Ông Dầu đã được nâng cấp, tình trạng vỡ bờ bao đã chấm dứt. Người dân ở các phường thuộc vùng trũng như Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Linh Đông, Tam Phú không còn bị rơi vào cảnh cứ triều cường mưa lớn là vỡ bờ bao, ngập úng. Cuộc sống người dân đã có nhiều thay đổi.

Đã đẹp nhưng chưa sạch

Việc xây dựng bờ bao kênh rạch bằng bê tông hoặc nhựa PVC đã làm thay đổi diện mạo, bộ mặt đô thị quận ven Thủ Đức. Những tuyến đường ven kênh rạch và dọc theo bờ sông đã trở nên đẹp và hiện đại. Nhà cửa của người dân dọc theo các kênh rạch đã khang trang hơn, không còn phải lo ngập nước mỗi khi triều cường. Tuy nhiên, bài toán về xử lý ô nhiễm kênh rạch vẫn chưa có lời giải hữu hiệu. Hệ thống kênh rạch đã được nâng cấp, chỉnh trang, nhưng để các kênh rạch trong xanh vẫn là vấn đề nan giải, vì chất lượng nguồn nước  chưa chuyển biến.

Người dân sống ven kênh Ba Bò cho biết, từ khi kênh được cải tạo, bọt trắng giảm dần, nhưng nước vẫn đen, mùi hôi giảm chưa nhiều. Để cải tạo nguồn nước, giảm thiểu ô nhiễm, các chương trình nạo vét kênh rạch, vận động không xả chất thải xuống kênh rạch được chính quyền địa phương triển khai đến từng tổ dân phố và từng gia đình, nhưng kết quả chưa như mong muốn.  

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: “Mục tiêu quận đặt ra là đẹp phải đi đôi với sạch. Nhiều năm qua, cùng với sự hỗ trợ của thành phố, đẩy mạnh xã hội hóa, quận đã ưu tiên đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống kênh rạch và tổ chức vận động người dân cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường kênh rạch. Chất lượng nước trên các kênh rạch đã được cải thiện, tuy nhiên, điều khó nhất vẫn là xử lý nước thải từ các nhà máy, cơ sở sản xuất.

Nguồn nước khó kiểm soát hiện nay xuất phát từ các nhà máy, cơ sở sản xuất không nằm trên địa bàn quận, mà ở tỉnh Bình Dương. Vì thế, để làm sạch nguồn nước kênh rạch, không thể chỉ bằng nỗ lực của chính quyền và người dân quận Thủ Đức, mà rất cần sự hỗ trợ, hợp tác của các doanh nghiệp và tỉnh Bình Dương”.

Các tin khác