Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây quá tải!

(ĐTTCO)-Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây không chỉ ùn tắc vào các dịp lễ tết, mà tình trạng này thường xuyên xảy ra. Tiếng là “cao tốc”, nhưng thực tế vào giờ cao điểm thì các phương tiện nối đuôi nhau “nhích”, nhất là đoạn từ vòng xoay quốc lộ 51 (tỉnh Đồng Nai) đến trạm thu phí Long Phước (quận 9, TPHCM). 
Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây quá tải!

Nhúc nhích trên cao tốc 

Tình trạng kẹt xe trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thời gian gần đây thường xuyên xảy ra, nhất là vào chiều tối, khiến nhiều tài xế bức xúc.

Anh Lê Minh Thắng (ngụ TP Bà Rịa) cho biết, anh chạy xe dịch vụ, thường xuyên đưa khách lên TPHCM vào dịp cuối tuần nhưng lần nào cũng phải mất hơn 4 giờ mới đến nơi, thay vì chưa tới 2 giờ như trước.

“Quãng đường chưa đến 100km, nhưng cứ đi được một đoạn thì lại gặp cảnh ô tô xếp hàng dài. Tưởng đến cao tốc TPHCM - Long Thành sẽ thoát kẹt, nhưng vừa đến vòng xoay quốc lộ 51 để vào cao tốc lại gặp dòng ô tô ùn ứ phía trước, kéo dài đến trạm thu phí Long Phước. Các loại xe chen kín mặt đường thành 4 - 5 làn, nhích từng chút để qua cầu Long Thành. Vượt qua khu vực này chạy thoải mái được vài kilômét thì lại bị ách tại nút giao An Phú, phải chờ đèn xanh đèn đỏ rất lâu do lượng phương tiện đổ về quá lớn”, anh Thắng kể với giọng ngán ngẩm.

Nguyên nhân dẫn tới kẹt xe xuất phát từ 2 điểm: vòng xoay quốc lộ 51 và nút giao An Phú (quận 2, TPHCM). Tại điểm giao với quốc lộ 51, hầu hết lượng xe từ hướng Vũng Tàu đều đổ dồn vào vòng xoay để lên cao tốc nhưng việc tổ chức giao thông chưa hợp lý do đường nhánh dẫn lên cao tốc khá hẹp, khiến lượng xe thường xuyên bị ùn ứ cục bộ tại khu vực này.

Hướng lưu thông từ hướng Vũng Tàu rẽ trái vào đường cao tốc và hướng từ TP Biên Hòa đi Vũng Tàu liên tục bị xung đột tại vòng xoay này. Cũng ngay khu vực này triển khai hệ thống thu phí khép kín nên buộc các phương tiện phải dừng 2 lần để nhận thẻ và trả thẻ, khiến tình hình ùn tắc giao thông càng nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được thiết kế với 3 làn đường (gồm 2 làn xe chạy và một làn dừng khẩn cấp), cho phép các loại xe lưu thông 120km/giờ. Phương tiện sau khi thoát ra khỏi vòng xoay vào cao tốc tăng tốc hết cỡ, chạy bất chấp làn đường và chen lên thành 4 thậm chí có lúc 5 làn xe kín mặt đường (đoạn khoảng 4km).

Tuy nhiên, đến chân cầu Long Thành (cầu qua sông Đồng Nai nối vào địa phận TPHCM), tốc độ tối đa 100km/giờ chỉ có 2 làn xe và không có làn dừng khẩn cấp. Do việc từ 4 - 5 làn xe lưu thông với tốc độ cao phải đột ngột giảm tốc độ để lưu thông qua cầu, dẫn tới đoạn này bị ùn ứ. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại khu vực qua trạm thu phí Long Phước, khiến lượng xe ùn ứ kéo dài về phía vòng xoay quốc lộ 51. 

Phương tiện sau khi qua trạm thu phí di chuyển tương đối thông thoáng hết cao tốc, đến nút giao An Phú là điểm giao cắt giữa các tuyến đường có lượng phương tiện rất cao là Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định và đường dẫn lên cao tốc. Khu vực này thường xuyên bị ùn ứ bởi mật độ xe cộ dày đặc, trong khi thời gian dừng chờ đèn tín hiệu tại đây khá dài nên không chỉ riêng đường dẫn cao tốc mà cả những tuyến còn lại, dòng xe cũng phải xếp hàng, di chuyển chậm chạp. 

Khẩn trương xây dựng giai đoạn 2 

Theo các chuyên gia giao thông, nếu là đường cao tốc, vận tốc phải đạt tiêu chuẩn đề ra thì mới giảm được thời gian di chuyển. Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe này không chỉ là thiệt hại đối với nước ta mà còn gây ảnh hưởng đến giao thương quốc tế - nếu có sân bay Long Thành. Cao tốc dài 55km, mỗi chiều chỉ có 2 làn lưu thông và một làn khẩn cấp, nhưng khi bị ùn ứ, nhiều tài xế đã chạy vào làn dừng khẩn cấp khiến tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thậm chí, có ô tô khách vì chờ quá lâu đã chạy luôn vào làn xe máy đoạn phía quận 2 để thoát kẹt xe. 

Trước thực trạng trên, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) Nguyễn Viết Tân cho biết trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây luôn có lực lượng tuần tra cũng như bố trí các phương tiện cứu hộ tại các vị trí trọng điểm, nhằm xử lý sự cố một cách nhanh nhất. Trong trường hợp lượng xe tăng cao và có nguy cơ xảy ra ùn ứ, VEC E sẽ tăng cường người phối hợp với cảnh sát giao thông điều tiết và phân luồng.

Theo VEC E, lượng xe lưu thông qua cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây ngày càng tăng. Thống kê đầu vào trạm thu phí Long Phước, từ 28 Tết đến mùng 5 Tết, có hơn 168.000 lượt phương tiện (trung bình hơn 21.000 phương tiện/ngày đêm), tăng hơn 9% so cùng kỳ năm 2018. Đây mới chỉ là đầu vào phía TPHCM, chưa kể lượng phương tiện vào từ điểm Dầu Giây và quốc lộ 51, con số còn cao hơn rất nhiều so với TPHCM.

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, trung bình mỗi ngày có khoảng 75.000 lượt ô tô đi qua cao tốc, trong khi theo thiết kế chỉ có 59.000 lượt/ngày.

Hiện VEC E đã làm việc với các đơn vị liên quan nhằm khắc phục 2 điểm ùn tắc nói trên. Theo đó, trên đoạn tuyến 4km đầu của cao tốc tại khu vực nút giao An Phú, hiện đã bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải TPHCM quản lý và sẽ triển khai xây dựng nút giao thông khác mức. Đối với đoạn giao quốc lộ 51, các đơn vị đang cải tạo và mở rộng đầu nhánh vào đường cao tốc, đồng thời mở thêm làn đường lưu thông qua vòng xoay của nút giao này để hạn chế xung đột giao thông.

VEC E cũng kiến nghị mở thêm làn xe ở các đường nhánh lên cao tốc giao quốc lộ 51 và kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng hầm chui tại khu vực trên. Về giải pháp lâu dài, VEC E trình phương án phân kỳ đầu tư xây dựng thêm một nhánh cầu Long Thành, nâng cấp đoạn tuyến từ Vành đai 2 đến quốc lộ 51 thành 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp - theo đúng phê duyệt ban đầu của Bộ Giao thông Vận tải.  

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, cần triển khai sớm giai đoạn 2 thì mới mong có thể phục vụ được lượng xe tăng nhanh khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động trong tương lai. Cũng cần sớm xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đưa cao tốc Bến Lức - Long Thành vào khai thác để xử lý dứt điểm ùn tắc ở khu vực này.

Các tin khác