Cải tạo QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Đề xuất đổi đất lấy hạ tầng

(ĐTTCO) - Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc lựa chọn nhà đầu tư đàm phán trực tiếp hợp đồng BT (xây dựng-chuyển giao) thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. 
Cải tạo QL6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Đề xuất đổi đất lấy hạ tầng
Tuyến đường BT này dài 24km, quy mô từ 4-6 làn đường, có tổng mức đầu tư đề xuất khoảng 8.800 tỷ đồng. Trước đó, TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chỉ định CTCP Đầu tư Louis Group là nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT.
Louis Group có đủ năng lực?
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng về việc lựa chọn nhà đầu tư BT thực hiện dự án, đó là CTCP Đầu tư Louis Group đàm phán trực tiếp ký hợp đồng BT dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai. Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, Hà Nội sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai dự án theo quy định.
Về năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, Hà Nội đánh giá các thành viên trong liên danh: CTCP Sông Đà Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, CTCP Thương mại Ngôi nhà mới và CTCP Đầu tư phát triển và dịch vụ thương mại Đại An, là các nhà đầu tư có năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm thực hiện nhiều dự án trọng điểm có tính chất, quy mô tương tự như dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6. 
Liên danh các nhà đầu tư này đã góp vốn thành lập pháp nhân mới là CTCP Đầu tư Louis Group để làm nhà đầu tư thực hiện dự án. Công ty có vốn điều lệ đăng ký vào tháng 3-2017 là 675 tỷ đồng, đề xuất thực hiện dự án BT đoạn Ba La - Xuân Mai bằng nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 955 tỷ đồng, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác lên tới 7.845 tỷ đồng. 
Liên danh này đã từng thực hiện các dự án: Cải tạo và xây dựng hệ thống cống nối thông hồ Vục, hồ Bầu Đăng, hồ Tư Đình theo BT, tổng vốn đầu tư khoảng 610 tỷ đồng; dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, tổng mức đầu tư 2.406 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà ở tái định cư tại ô đất N17, N18 phường Trung Hòa, Cầu Giấy, tổng mức đầu tư 885 tỷ đồng. 
Cần xác định đúng giá trị công trình BT, quỹ đất đối ứng
Giải thích về đề xuất đầu tư dự án theo BT, TP Hà Nội cho biết do khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách để thực hiện dự án còn hạn chế, trước đây TP cũng từng có chủ trương thực hiện cải tạo, nâng cấp tuyến Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai theo hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao), kết hợp với BT. Hồi tháng 11-2016, các sở ngành TP Hà Nội từng đề xuất sử dụng vốn vay WB (Ngân hàng Thế giới) để thực hiện dự án, đồng thời giới thiệu và mong muốn WB quan tâm hỗ trợ ODA để thực hiện dự án, tuy nhiên phía WB chưa có ý kiến.
Tuy nhiên Hà Nội cũng cho rằng, việc sử dụng nguồn ngân sách, vốn vay ODA, hoặc thực hiện dự án theo BOT là khó khả thi, nên TP xác định đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BT, đổi đất lấy hạ tầng.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai có tổng mức đầu tư được duyệt khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dự án khoảng 2.615 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 4.349 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 1.063 tỷ đồng, lãi vay 647 tỷ đồng, còn lại là các chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác. Đề xuất dự án của nhà đầu tư cũng nêu rõ, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 từ Ba La - Xuân Mai có mặt cắt ngang từ 4-6 làn xe, có suất đầu tư khoảng 130 tỷ đồng/km.
Tuy nhiên, TP Hà Nội nhấn mạnh, tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác định trên cơ sở thiết kế sơ bộ và phương án giải phóng mặt bằng tạm xác định (thực hiện sau đàm phán hợp đồng BT). Trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi (lập dự án), tổng vốn đầu tư dự án sẽ được chuẩn xác lại dựa trên phương án tổng thể bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư được lập, thẩm định, phê duyệt theo quy định Luật đất đai và các quy định khác liên quan. Đồng thời, tổng mức đầu tư dự án sẽ được xác lập theo Luật Xây dựng, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phương án tài chính dự án bao gồm cả lãi vay cũng được xác định theo quy định.
Về quỹ đất thanh toán cho dự án, UBND TP Hà Nội dự kiến sẽ sử dụng 41 ô đất, với tổng diện tích 441,26ha trên địa bàn các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, và các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh, Mê Linh. Theo tính toán sơ bộ, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 7.200 tỷ đồng, giá trị công trình BT dự kiến khoảng 7.737 tỷ đồng. 

Các tin khác