BOT Quốc lộ 2 xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa

(ĐTTCO)-Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên thuộc Vĩnh Phúc được đưa vào sử dụng từ năm 2009, thời gian qua đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt đường hư hỏng nặng, nứt vỡ, hằn lún vệt bánh xe, mặt đường bong tróc tạo thành ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên.
Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên.

Theo ông Trương Quốc Biên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Quôc lộ 2, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên từ Km7+880 đến Km29+800 được thực hiện theo hình thức BOT, khởi công xây dựng từ tháng 2/2005, với tổng mức đầu tư tính cho đến nay là hơn 772 tỷ đồng và đến năm 2009 được Bộ Giao thông Vận tải cho phép thu phí hoàn vốn.

Trao đổi với phóng viên, ông Biên cho rằng Quốc lộ 2 là tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng, dọc hai bên đường tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa dọc tuyến rất nhanh nên lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cũng gia tăng. Điều này cũng góp phần làm cho kết cấu nền, mặt đường bị phá hoại và xuống cấp nhanh chóng thời gian vừa qua.

“Đã có nhiều đoạn trên tuyến được đưa vào sử dụng hơn 10 năm, theo tuổi thọ của bêtông nhựa đã đến lúc phải đại tu sửa chữa mặt đường. Tuy nhiên do chưa được duyệt kinh phí nên nhà đầu tư chưa tiến hành sửa chữa được,” ông Biên thừa nhận.

Bà Nguyễn Thị Ánh, người dân sống tại khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc, phản ánh: “Tuyến quốc lộ đã bị xuống cấp đã lâu, đặc biệt là thời gian vừa qua nhưng chưa được sửa chữa. Lưu lượng xe mỗi ngày qua lại rất nhiều từ khu công nghiệp đi ra, nhiều đoạn đã xuất hiện ổ gà, ổ voi nhưng không được sửa chữa kịp thời đã dẫn đến nhiều người đi đường bị ngã.”

Mặt khác, theo ghi nhận thực tế của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trên tuyến Quốc lộ 2 đoạn qua Vĩnh Yên hiện nay đã trở thành như một tuyến đường giao thông đô thị, người dân buôn bán và ở san sát hai bên đường.

Nhiều đoạn không có hệ thống thoát nước nên cứ mưa đến là bị đọng nước góp phần làm hỏng mặt đường cũng như gây khó khăn cho việc đi lại của người dân.

Ông Trần Hưng Hà, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 1 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết hiện việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình vẫn được nhà đầu tư thực hiện đối với những hư hỏng cục bộ, đặc biệt là những vị trí mặt đường hư hỏng nặng gây mất an toàn giao thông.

Với hiện trạng mặt đường như hiện nay, Cục Quản lý đường bộ 1 đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhà đầu tư dự án này phải sửa chữa ngay những đoạn bị hỏng nặng, nhất là những ổ gà, ổ voi đảm bảo lưu thông êm thuận.

“Quan điểm của Cục Quản lý đường bộ 1, trong thời gian chờ được phê duyệt đại tu toàn bộ tuyến, nhà đầu tư vẫn phải đảm bảo giao thông trên tuyến êm thuận. Cục sẽ phê duyệt ngay cho nhà đầu tư đề xuất sửa chữa cục bộ trên tuyến đảm bảo an toàn giao thông,” ông Hà nhấn mạnh.

Về kế hoạch sửa chữa tuyến BOT Quốc lộ 2, ông Trương Quốc Biên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Quôc lộ 2 cho biết, nhà đầu tư đã trình phương án, kế hoạch để đại tu toàn bộ mặt đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Cụ thể nhà đầu tư đã ký hợp đồng với Công ty Tư vấn thiết kế cầu lớn hầm thuộc Công ty cổ phần Tư vấn công trình giao thông Tedi và Công ty cổ phần Kỹ sư tư vấn Việt Nam để lập, thẩm tra việc đại tu dự án này trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam từ tháng 5/2017, với kinh phí 213 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận.

“Dự án đã xuống ấp nghiêm trọng, vì vậy kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chỉ đạo để Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận sớm phương án đại tu để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến,” ông Biên cho hay.

Lý giải về việc chưa duyệt kế hoạch sửa chữa của nhà đầu tư, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, phương án sửa chữa lớn (đại tu) của dự án chỉ được xem xét sau khi có điều chỉnh hợp đồng dự án.

Việc điều chỉnh này đang được nhà đầu tư và Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiến hành. Tuy nhiên, việc này chưa được đẩy nhanh do vướng mắt một số điều khoản mà nhà đầu tư còn có ý kiến.

“Cụ thể, Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 cần khẩn trương tính toán lại phương án tài chính, thời gian thu phí hoàn vốn để hoàn hiện phụ lục hợp đồng dự án trình Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét,” ông Điệp cho biết.

Trước đó, vào tháng 3/2017 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã có thông báo kết quả kiểm toán tại Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2, đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên (Km 7+800-Km 289+784).

Báo cáo kiểm toán đã chỉ ra nhiều bất cập tại dự án này. Cụ thể, công trình này do Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, doanh nghiệp dự án được chỉ định là Công ty cổ phần BOT Quốc lộ 2 (các cổ đông chính là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp-IDICO…).

Tính đến tháng 6/2017, sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư Dự án là 772 tỷ đồng.

Sai sót được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như khoảng cách giữa trạm thu phí của Dự án đến trạm thu phí cầu Hạc Trì và trạm thu phí trên Quốc lộ 3 không đảm bảo cự ly tối thiểu 70km quy định tại khoản 3.III, phần 2, Thông tư số 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra phương án tài chính trong hợp đồng điều chỉnh tại Dự án BOT Quốc lộ 2 đoạn Nội Bài-Vĩnh Yên có một số thiếu sót, bất cập làm tăng chi phí đầu tư, kéo dài thời gian hoàn vốn năm năm, từ năm 2021 lên 2025.

Sau khi căn cứ cào hợp đồng ban đầu, chi phí thực tế của đơn vị, Tổ kiểm toán cập nhật để xác định lại phương án tài chính tại Dự án giảm tới 10 năm 8 tháng thu phí, bao gồm 8 năm 5 tháng thu phí hoàn vốn và 2 năm 3 tháng thu phí tạo lợi nhuận.

Nhà đầu tư cũng được yêu cầu phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thương thảo, điều chỉnh hợp đồng theo nội dung kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Để triển khai kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước về các chỉ tiêu trong phương án tài chính, khẩn trương rà soát báo cáo Bộ Giao thông Vận tải.

Các tin khác