Bến xe miền Đông, đội vốn khủng cũng lỗi hẹn

(ĐTTCO) - Sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng, Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới tọa lạc tại quận 9, TPHCM, với số vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ đồng, được kỳ vọng giảm tải cho bến xe hiện nay và điều tiết lượng lớn phương tiện giao thông vào trung tâm TP. Tuy nhiên, dự án này đang thi công ì ạch so với dự kiến ban đầu.
Với chủ trương chuyển các bến xe ra ngoại thành, đồng thời mở rộng diện tích các bến xe để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân, tháng 7-2011, bản quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án xây dựng BXMĐ mới đã được Bộ Xây dựng chấp thuận.
Theo đó, BXMĐ mới có diện tích hơn 160.000m2 nằm ở phường Long Bình, quận 9, TPHCM (chiếm hơn 3/4 diện tích) và phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (gần 1/4 diện tích). BXMĐ mới được kết nối có tuyến metro số 1 Bến Thành (quận 1) - Suối Tiên (quận 9) sẽ phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách/năm đi một số tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc.  Thế nhưng, được khởi công từ tháng 4-2017 và kỳ vọng đưa vào sử dụng ngay dịp Tết Nguyên đán 2018 để giảm kẹt xe cho nội ô TP, đến nay dự án này vẫn chưa xong.
Cuối tháng 9 vừa qua, ĐTTC có dịp đến công trường dự án BXMĐ mới. Theo quan sát, công trường còn rất ngổn ngang. Sát cạnh công trình này là công trình xây dựng tuyến metro số 1, hầm chui tại ngã ba đường 621 và dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội. Vì thế, mặt bằng thi công nhiều tuyến đường nội bộ trong bến xe đang bị nhà thầu tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên rào lại để thi công các hạng mục của dự án này.
Rất nhiều xe container, xe tải ra vào liên tục khiến cả khu vực này đầy bụi bặm, các tuyến đường xung quanh như đường Hoàng Hữu Nam xuống cấp trầm trọng. Mặt đường nhỏ, xe tải, xe container... ra vào liên tục, dẫn đến ùn tắc, kẹt xe, gây tai nạn giao thông.
Bến xe miền Đông, đội vốn khủng cũng lỗi hẹn ảnh 1 Công trường thi công BXMĐ mới khó đạt tiến độ đề ra. Ảnh: Đức Trung 
Dự án xây dựng BXMĐ mới được giao cho Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) làm chủ đầu tư. Năm 2011, bản quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án đã được Bộ Xây dựng chấp thuận với số tiền đầu tư dự kiến ban đầu 1.500 tỷ đồng.
Theo đó, để thực hiện dự án chủ đầu tư phải đền bù và di dời 31 hộ dân và 5 doanh nghiệp nằm trong khu vực của dự án, với tổng kinh phí gần 900 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư được huy động từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án vẫn chậm trễ ở khâu giải phóng mặt bằng và số vốn đội lên thêm 2.500 tỷ đồng.
Lãnh đạo SAMCO cho biết thời gian qua, mặt bằng thi công đường D11 và đường E3 (hai đường trong dự án) trùng với vị trí đường hiện hữu nên nhà thầu thi công 2 tuyến đường này vừa phải đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trên đường tạm. Điều này đã gây ảnh hưởng đến an toàn và tiến độ thi công.
Phần hạ tầng kỹ thuật sau khi đã điều chỉnh thời gian hoàn thành, dự kiến thi công xong vào cuối tháng 10-2018, với điều kiện mặt bằng thi công đường F (đường trong dự án, đang bị vướng dự án xây dựng tuyến metro số 1 và dự án nâng cấp mở rộng Xa lộ Hà Nội) phải bàn giao cho đơn vị thi công.
Ngày 29-9, trao đổi với ĐTTC, bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng giám đốc SAMCO, khẳng định các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng BXMĐ mới để kịp tiến độ hoàn thành nhà ga giai đoạn 1 vào cuối tháng 12 và đưa vào khai thác từ quý I-2019 (chậm 1 năm so với dự kiến ban đầu). Phần thô của công trình đã tương đối hoàn thiện, nhưng các tuyến giao thông xung quanh kết nối với bến xe chưa triển khai.
Vì thế, với nhịp độ thi công trên công trường như hiện nay, rất có thể BXMĐ mới sẽ tiếp tục lỗi hẹn tiến độ như chủ đầu tư đã cam kết với lãnh đạo UBND TPHCM.

Các tin khác