Bao giờ hết bức xúc thu phí BOT?

(ĐTTCO)-Việc người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tụ tập phản đối việc thu phí trạm BOT Bến Thủy trong những ngày qua đã cho thấy những bức xúc của người dân về các dự án BOT vẫn chưa hề nguội.

(ĐTTCO)-Việc người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tụ tập phản đối việc thu phí trạm BOT Bến Thủy trong những ngày qua đã cho thấy những bức xúc của người dân về các dự án BOT vẫn chưa hề nguội.

Bức xúc chồng chất

Hàng trăm ô tô dán băng rôn, dùng tiền lẻ để mua vé tại Trạm thu phí BOT Bến Thủy 1 khiến giao thông bị ách tắc nghiêm trọng. Đây chỉ là một trong số nhiều vụ căng thẳng liên quan đến các trạm thu phí diễn ra trong thời gian gần đây. Trước đó, có thể kể đến vụ người dân tụ tập tại Trạm thu phí Tam Nông, Phú Thọ (quốc lộ 32) để phản đối việc nhiều người chỉ sử dụng 12km (từ ngã tư Cổ Tiết - huyện Tam Nông tới cầu Trung Hà) nhưng vẫn phải đóng phí hoàn vốn cho cả tuyến đường dài 36km.

Cả tuyến dài 36km, trong đó 12km chỉ nâng cấp, sửa chữa, thảm lại mặt đường nhưng người dân lại phải trả mức phí 35.000 - 180.000 đồng/lượt xe, kéo dài trong 20 năm. Không chỉ trạm thu phí dày đặc, vị trí đặt trạm vô lý; người dân còn vô cùng bức xúc khi các nhà đầu tư dựng trạm thu phí cả trên đường mới và đường cũ, dùng mọi chiêu để “ép” người dân nộp phí.

 Quốc lộ 1A khu vực cầu Bến Thủy bị ách tắc do người dân tập trung ô tô phản đối trạm thu phí BOT Bến Thủy ngày 2-4-2017.

Quốc lộ 1A khu vực cầu Bến Thủy bị ách tắc do người dân tập trung ô tô phản đối trạm
thu phí BOT Bến Thủy ngày 2-4-2017.
 

Điển hình là vụ người dân Thái Nguyên tụ tập phản đối kịch liệt trạm thu phí BOT trên quốc lộ 3 (cũ) Hà Nội - Thái Nguyên - Tuyên Quang được dựng lên để hoàn vốn cho quốc lộ 3 (mới) Thái Nguyên - Bắc Kạn, dù trạm chưa chính thức đi vào hoạt động.

Mặc dù quốc lộ 3 cũ hoàn toàn được đầu tư xây dựng bằng vốn Nhà nước nhưng theo đề xuất của chủ đầu tư, mức thu phí trên quốc lộ 3 cũ cũng không kém cạnh gì với quốc lộ 3 (mới), thấp nhất 35.000 đồng/lượt xe, kéo dài trong suốt 16 năm 1 tháng. Cũng vì cần hoàn vốn cho dự án mới, ở dự án cầu Hạc Trì (bắc qua sông Lô tại địa bàn TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), chủ đầu tư còn đưa ra chiêu hiểm hóc hơn là cấm ô tô đi qua cầu Việt Trì cũ vì lý do xuống cấp, dù cầu cũ được xây dựng chưa lâu.

Theo ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, chi phí cầu đường đã phá vỡ kết cấu giá thành vận tải, tỷ lệ chi phí cầu đường trong hạch toán vận tải khoảng 7% nay đã tăng lên 30% - 40%. Hệ quả là xe tải cứ ngấm ngầm chở quá tải, xe khách bỏ bến chạy lòng vòng đón trả khách tại các bến dù tự phát, xe khách gia cố lại gầm để chở hàng hóa, xe giả danh “hợp đồng” chở khách tuyến cố định để tăng thêm doanh thu, bù vào phí BOT...

Phương thuốc nào giảm nhiệt?

Giải thích về việc thu phí cả trên tuyến độc đạo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, Bộ GTVT tập trung đầu tư vào các dự án BOT, nhưng đến 65% số các dự án là nâng cấp, chỉ 35% dự án làm mới. Tại nhiều tuyến đường, do không đủ kinh phí làm một con đường mới nên phải nâng cấp trên nền đường cũ, người dân và cả Chính phủ cũng không có sự lựa chọn, điển hình là 28 trạm BOT mọc lên trên quốc lộ 1.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thừa nhận có tình trạng làm BOT cho dự án này nhưng dùng tiền đó để làm tiếp dự án khác. Lý do là có những dự án để tăng tính kết nối, Chính phủ đồng ý cho Bộ GTVT đầu tư thêm một số tuyến đường kết nối như cầu vượt qua các tuyến quốc lộ hay đường kết nối giữa tuyến Trung ương và đường địa phương cũng đưa vào chi phí của cả dự án. Vấn đề là mặc dù tất cả các trạm thu phí đều có thỏa thuận của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và chính quyền địa phương; thế nhưng khi đặt trạm, người dân vẫn kịch liệt phản đối.

Để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, kết quả giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, việc thỏa thuận này mới dừng ở cấp HĐND, UBND, còn việc lấy ý kiến của người dân hầu như không có. Do đó, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ xem xét việc lấy ý kiến cộng đồng, là một trong số những yêu cầu, để quyết định có đầu tư BOT hay không. Về những phản ứng của người dân sống gần trạm thu phí, Bộ GTVT cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ phương án chung để áp dụng toàn quốc. Theo đó, các xã 2 bên trạm thu phí đi lại hàng ngày sẽ giảm 100% giá vé, còn với 2 huyện lân cận thì giảm 50%, các đối tượng khác thực hiện vé quý, vé tháng.

Một vấn đề được nhiều người quan tâm nữa là liệu cam kết của Bộ GTVT về việc rà soát, rút ngắn thời gian thu phí của các trạm BOT sau khi quyết toán và kiểm đếm lưu lượng phương tiện thực tế qua trạm có phải là liều thuốc giảm nhiệt cho các bức xúc của người dân đối với các trạm thu phí BOT? Theo ý kiến của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, người dân chưa thể trông đợi gì nhiều ở cam kết này, nhất là khi nhiều trạm thu phí bị phát hiện gian lận trong thời gian gần đây, có trạm thu phí che giấu tới 700 triệu đồng/ngày. Nếu các cơ quan chức năng không có giải pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn gian lận trong thu phí thì người dân sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi.

Giảm 50% giá vé cho người dân gần trạm BOT Bến Thủy

Ngày 3-4, Bộ GTVT cho biết đã đồng ý với đề xuất của Cienco4 về việc giảm 50% giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho người dân địa phương sinh sống gần trạm thu phí Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2.

Theo đó, đối tượng được giảm là các phương tiện loại 1 (xe dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng) và loại 2 (xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) của người dân có hộ khẩu thường trú, các tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở chính thuộc các khu vực TP Vinh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An), huyện Nghi Xuân, TX Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh). Bộ GTVT giao chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện thủ tục liên quan để áp dụng giảm giá dịch vụ từ ngày 15-4.

Các tin khác