3 năm nữa TPHCM sạch bóng mạng nhện

(ĐTTCO) - Mỗi năm có khoảng 150km lưới điện trung thế và 250km lưới điện hạ thế trên địa bàn TP.HCM được ngầm hóa, cùng với đó là dây cáp thông tin.
 
Đường Võ Thị Sáu đoạn gần vòng xoay công trường Dân Chủ (Q.3, TP.HCM) khang trang hơn sau khi được ngầm hóa lưới điện - Ảnh: QUANG KHẢI
Đường Võ Thị Sáu đoạn gần vòng xoay công trường Dân Chủ (Q.3, TP.HCM) khang trang hơn sau khi được ngầm hóa lưới điện - Ảnh: QUANG KHẢI

Nhờ đó, dự kiến đến năm 2020, khu vực trung tâm TP sẽ không còn cảnh dây điện, dây cáp như “nhện giăng tơ”.

Đường phố thoáng đãng

Những ngày cuối tháng 5, nhiều người đi đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu, Điện Biên Phủ (Q.3) cảm giác đường phố thoáng đãng hơn khi những bó cáp thông tin ngang dọc trên cột điện, nối vào nhà dân hai bên đường đã biến mất.

Chị Hoàng Oanh, chủ một cửa hàng túi xách trên đường Võ Thị Sáu, cho biết trước đó dù dây cáp viễn thông trước cửa nhà chị đã được bó lại nhưng oằn xuống như sắp sập, che mất một phần biển hiệu phía trước. Giờ trước cửa hàng không còn dây cáp nữa nên không gian thông thoáng hơn.

Anh Thi Hoàng Thương, người dân có nhà ở đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), kể nhìn phố xá ở nhiều khu vực tại quận 7, quận 2 anh rất thích vì không có “mạng nhện” dây điện, dây cáp nhùng nhằng phía trên.

“Hiện nay, nhiều khu vực mang tiếng là khu vực trung tâm nhưng nhiều đường vẫn còn 'mạng nhện' khiến không gian sống ngột ngạt, nặng nề. Tôi mong ngầm hóa lưới điện cần triển khai thêm ở nhiều đường nữa” - anh Thương nói.

Đạt trên 60% kế hoạch

Ông Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ Công ty Điện lực Sài Gòn (Tổng công ty Điện lực TP.HCM - EVN HCMC), cho biết hệ thống dây điện, cáp thông tin ở các đường trên đang được ngầm hóa, dự kiến hoàn thành trong tháng 6.

Để đảm bảo về thời gian nên việc thi công ngầm hóa phải thực hiện công đoạn song song như thu hồi dây cáp thông tin, đấu nối điện ngầm cho các hộ dân, thu hồi lưới điện nổi... Trong đó, việc cắt nguồn điện nổi để đấu vào nguồn điện ngầm hóa phải thực hiện nhanh nhất để không ngưng cấp điện quá lâu.

Theo ông Trần Văn Toàn - phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, thời gian qua công ty đã ngầm hóa lưới điện trên 40 đường ở quận 1, quận 3.

Dự kiến trong năm nay, công ty tiếp tục hoàn thành hơn 20 công trình ngầm hóa tại các đường Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Công Trứ, Lê Công Kiều, Phó Đức Chính, Ký Con, Yersin...

Về kế hoạch ngầm hóa lưới điện trên toàn TP.HCM, ông Phạm Quốc Bảo - phó tổng giám đốc EVN HCMC - cho biết trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, các công ty điện lực sẽ ngầm hóa 650km lưới điện trung thế, 1.150km lưới điện hạ thế (tương đương mỗi năm có 100-150km lưới điện trung thế, 200-250km lưới điện hạ thế được ngầm hóa).

Tính đến nay, việc ngầm hóa lưới điện đạt trên 60% kế hoạch. Dự kiến đến năm 2020, toàn bộ khu vực trung tâm quận 1, quận 3 sẽ ngầm hóa 100%, các khu vực khác cũng phải đạt 50-80%.

Chính vì vậy ngoài khu vực trung tâm TP, thời gian qua việc ngầm hóa lưới điện được triển khai đồng loạt tại nhiều quận huyện như quận 5, 10, 11, Gò Vấp...

Tủ điện an toàn, đẹp hơn

Có không ít người dân cho rằng việc ngầm hóa hiện nay chưa hoàn chỉnh bởi trên vỉa hè vẫn còn hiện diện các tủ điện, trạm biến thế. Nhiều nơi tủ điện này có thiết kế thô, phần dưới chân đế là khối bêtông, phần trên là nhựa nhìn không đồng nhất.

Ngành điện cho rằng việc ngầm hóa lưới điện tăng tính an toàn, nhưng các tủ điện này có chữ cảnh báo: “Cấm lại gần, có điện, nguy hiểm, chết người”, vì lẽ đó nhiều người không đồng tình khi tủ điện đặt sát nhà họ. Có nơi tủ điện lại đặt ở giữa lề đường, gây cản trở cho người đi bộ.

Lý giải việc này, ông Phạm Quốc Bảo cho biết theo quy chuẩn kỹ thuật, khi ngầm hóa lưới điện phải có các tủ phân phối điện. Tủ phân phối chính là bộ phận kết nối từ lưới điện ngầm vào nhà mỗi khách hàng.

Về thẩm mỹ, ông Bảo cho biết hiện EVN HCMC đã yêu cầu các công ty điện lực khi ngầm hóa lưới điện phải sơn hoặc ốp gạch phần bêtông phía dưới tủ điện cho phù hợp với phần tủ nhựa phía bên. Ngoài ra, sắp tới các đơn vị nghiên cứu không để phần đế tủ điện bằng bêtông trồi lên mặt đường nữa.

Hiện nay, việc thiết kế các tủ phân phối điện đã an toàn hơn, nên sắp tới khi ngầm hóa lưới điện sẽ bỏ dòng chữ “Cấm lại gần, có điện, nguy hiểm, chết người” trên tủ điện để thay thế bằng thông tin tuyên truyền tiết kiệm điện...

Ngầm hóa lưới điện vào hẻm

Theo ông Trần Văn Toàn - phó giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn, ngoài việc tập trung ngầm hóa lưới điện tại các trục đường chính, hiện công ty đã mở rộng việc ngầm hóa lưới điện vào các tuyến hẻm.

Dự kiến trong năm nay, công ty sẽ ngầm hóa lưới điện tại 8 hẻm. Vừa qua đã khởi công một dự án tại hẻm 611 Điện Biên Phủ (Q.3).

Trong năm 2018, công ty dự kiến ngầm hóa lưới điện tại 29 tuyến hẻm ở khu vực trung tâm TP.

Các tin khác