Yên bình đảo Robinson

(ĐTTCO) - Cù lao Mái Nhà tại thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, còn có tên gọi khác đảo lao Mái Nhà. Nhiều du khách đến đây tham quan còn gọi tên thân thuộc là đảo Robinson, vì nơi đây chỉ có 2 gia đình sinh sống cùng những đàn bò, bầy gà và dụng cụ đi biển. Cảnh ở đây hoang sơ, đẹp và là một trong những điểm đến hấp dẫn hiện nay.

(ĐTTCO) - Cù lao Mái Nhà tại thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, còn có tên gọi khác đảo lao Mái Nhà. Nhiều du khách đến đây tham quan còn gọi tên thân thuộc là đảo Robinson, vì nơi đây chỉ có 2 gia đình sinh sống cùng những đàn bò, bầy gà và dụng cụ đi biển. Cảnh ở đây hoang sơ, đẹp và là một trong những điểm đến hấp dẫn hiện nay.

Hòn đảo hoang sơ

Cù lao Mái Nhà cách TP Tuy Hòa khoảng 27km về hướng Bắc và cách đất liền chừng 45 phút ngồi ghe máy của ngư dân. Đảo có diện tích khoảng 1,2km2. Phía Đông Bắc còn nguyên sơ, chưa có bàn tay con người khai hóa với những dãy núi đá cao, nước biển xanh trong và rừng cây tầng thấp xen những trảng đá tuyệt đẹp. Phía Tây Nam đảo có gành đá chạy dài nối những bãi cát trắng tạo cảnh đẹp kỳ thú. Đây cũng là nơi người dân từ trong đất liền ra tham quan, du lịch hoặc chọn vị trí ở lại đánh cá trong những ngày biển vào mùa.

Để đến được cù lao Mái Nhà, du khách đi từ Tuy Hòa hoặc rẽ từ Quốc lộ 1A đến xã An Hải rồi thuê ghe của ngư dân ra đảo. Ở đây chưa có dịch vụ tàu du lịch nên du khách phải đi bằng ghe đánh cá. Tuy nhiên, dịch vụ này cũng có điều hấp dẫn riêng vì được gần gũi với ngư dân, thưởng ngoạn cảm giác bồng bềnh, lắc lư với sóng biển, tận mắt nhìn thấy chài lưới, thúng chai, cần câu và nghe mùi vị mặn nồng đặc trưng của biển, và cảm nhận đời sống cần mẫn của ngư dân miền Trung với biển nước mênh mông.

Ngồi tàu xuất phát từ bãi ghe thuyền xã An Hải đến được bãi phía Nam của đảo, điều cảm nhận đầu tiên là biển xanh, cát trắng trong màu nắng trời yên biển lặng. Nối với bãi cát trắng là bóng mát của hàng cây bàng cổ thụ và bạt ngàn cây hoang sơ lâu năm trên đảo. Đến đây, du khách sẽ thấy như mình đang sống trên đảo hoang, tự dựng lều, cắm trại bất cứ nơi đâu thỏa thích rồi tha hồ thả mình trong vẻ đẹp kỳ ảo tuyệt vời của đảo. Du khách có thể câu những con cá dìa, cá ong, cá đối, hàu và nhiều loại ốc khác nhau ngoài gành biển, tự tay gom củi đốt lửa nấu tùy thích. Chỉ cần bước chân trên gành đá ra xa bờ một chút rồi lặn biển, chúng ta sẽ nhìn ngắm những rạn san hô sống dưới gành đá một cách sống động hoặc thả mình bơi lặn trong dòng nước trên cát trắng.

 Lập nghiệp chốn hoang sơ

Cảnh đảo hoang sơ, trên đảo chỉ có 2 gia đình ở trong đất liền đến đây sinh sống bằng nghề đánh bắt, chăn nuôi từ nhiều năm nay. Đó là gia đình vợ chồng ông Ngô Văn Thịnh (63 tuổi). Cách đây 10 năm, vợ chồng ông đùm túm lặng lẽ rời đất liền ra đảo kiếm kế mưu sinh. Ông Thịnh cho biết: “Ban đầu, tôi ra đây chăn bò thuê cho một người chú, vừa chăn thuê vừa nuôi rẽ. 3 năm sau tôi có được 3 con bò con. Từ đó tôi có được vốn liếng nhỏ, đồng thời sống ngoài đảo còn làm thêm nghề đi lưới nên cuộc sống dần ổn định”. Lập nghiệp 10 năm trên đảo, đến nay vợ chồng ông Thịnh đã có 19 con bò trong độ tuổi sinh sản thả rông trên đảo. Ông Thịnh còn thả nuôi 3.000 con tôm tạp đỏ xanh lấy thịt, 1.200 con tôm hùm sắp đến kỳ thu hoạch. Hàng ngày, vợ chồng ông tự nấu cơm, đi lưới kiếm cá ăn và tìm mồi cho tôm. Vừa mời khách ly nước trà, ông vừa tâm sự về nghề của mình như một niềm tự hào của một người đam mê lao động. Quan niệm của ông là ở ngoài đảo, vừa lo làm ăn vừa có trách nhiệm giữ đảo.

Cùng với gia đình ông Thịnh, gia đình bà Võ Thị Ngà (62 tuổi) cũng ra đây kiên trì bám đảo gần 30 năm. Ngôi nhà của bà nằm dưới tán cây bàng cổ thụ. Bà cho biết: “Đây là lớp nhà thứ 4 rồi đó”. Bà kể cách đây gần 30 năm đảo còn hoang sơ, rừng cây um tùm, không có bóng dáng người. “Vợ chồng tôi chọn mảnh đất dưới 10 gốc cây bàng to này vun đất làm nền rồi chặt cây rừng, cất trại và đào được một cái giếng phía sau nhà để lấy nước ngọt”. Thời điểm năm 1987, biển cá mực nhiều, vợ chồng bà thả lưới câu mực rồi gửi bạn chài vào đất liền đổi lấy gạo. Ban đêm đi biển, ban ngày vợ chồng khai hoang, cuốc đất trồng dưa hấu, rồi dành dụm tiền mua bò gống về nuôi. Thấy bò phát triển và sinh sản tốt, một số người trong đất liền gửi bò ra đảo nhờ vợ chồng bà chăn thuê để lấy bò con nuôi. Chẳng mấy năm bà có cả một đàn bò.

Vợ chồng bà Ngà xem đảo lao Mái Nhà là chốn bình yên không phải bởi nơi đây quá yên tĩnh, làm ăn được mà bởi quan niệm thật đơn giản: “Ở đâu mình sống, ở đó là nhà”. Cách nay 8 năm, ông Biện Văn Sương, chồng bà bị tai biến nằm liệt giường, qua đời để lại đàn con có đứa chưa kịp lớn. Một mình bà nuôi con trong khó khăn nhưng không vì thế bỏ biển. Bà bảo trước sao sau vậy, ở đảo không bao giờ sợ đói. Ở đây khi gió Nam thổi, con hàu tự nhiên rất nhiều, một ngày bà đập cũng được gần chục ký hàu ruột, khách ra thăm đảo mùa này tha hồ thưởng thức.

Bờ biển ở cù lao Mái Nhà hoang sơ tĩnh lặng và tuyệt đẹp.
Bờ biển ở cù lao Mái Nhà hoang sơ tĩnh lặng và tuyệt đẹp.

Hút khách du lịch

Thời điểm ra đảo hấp dẫn nhất là từ tháng Giêng đến tháng 8 hàng năm. Độ này biển yên, cảnh đẹp lại nhiều hải sản tươi. Để cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của hòn đảo phải đến buổi sáng sớm và chiều tối. Nếu buổi sớm, do khuất dãy núi phía Đông cao nên đến hơn 8 giờ trên bãi Nam, nơi ta cắm trại qua đêm, mới thấy ánh mặt trời. Đến buổi chiều tối, hoàng hôn buông trên biển để lại ánh nắng chiều loang loáng vàng rực cũng không kém phần hấp dẫn. Bà Ngà cho biết: “Nếu trời yên buổi sáng sớm và chiều tà, nước biển ở đây sẽ có 2 màu khác nhau nên thu hút rất nhiều du khách đến tham quan chụp ảnh. Mỗi lần khách đến chúng tôi rất vui nhưng đến khi khách đi để lại sự trống vắng yên tĩnh của đảo mà chỉ có chúng tôi mới hiểu hết”.

Khách đến đây, ông Thịnh, bà Ngà xem như người thân và khách cũng xem ông bà như người đã quen biết từ lâu, sẵn sàng giúp đỡ từ trải nghiệm biển đến chỗ ăn ở. Bà Ngà cho biết: “Khách đến đây phải có đặc sản cá mực tươi. Nếu biết trước, tôi sẽ không gửi cá mực vừa đánh vào đất liền bán mà sẽ bán rẻ, tặng cho khách”. Bà nuôi nhiều gà, nếu ai thích ăn sẵn sàng để lại rồi tự tay làm giúp. Hiện tại bà như người hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ trên lao Mái Nhà. Ước nguyện của bà cũng đơn giản: “Mấy mươi năm biển nuôi mình. Bây giờ mình phải trung thành với biển và làm cho biển đẹp hơn”. Mong muốn nhất của bà là làm sao có thật nhiều khách đến đảo tham quan để họ tự hào biển đảo quê hương tuyệt đẹp và yên bình.

Rời đảo hoang, nhiều du khách đều có chung nhận xét, đây là một trong những nơi khám phá lý tưởng nhất. Nét hoang sơ của cù lao Mái Nhà như một viên đá xanh khổng lồ chưa qua gọt dũa. Vì vậy rất phù hợp cho những cư dân thích phượt bụi. Nói về cảnh đẹp trên lao Mái Nhà, ông Võ Thái Toàn, một du khách đến từ TPHCM trong dịp Tết Đinh Dậu vừa qua nhận xét: “Nơi đây đúng là điểm đến rất hay, chắc chắn chúng tôi sẽ giới thiệu bạn bè đến khám phá”.

Các tin khác