Xóm rác giữa thủ đô

Nếu chỉ là người qua đường, không ai nghĩ đằng sau những ngôi nhà cao khang trang, bề thế, trong ngõ 36 Hoàng Cầu lại có những “túp lều” rách nát, những mảnh đời cơ cực. Đó là nơi cư ngụ của những người làm việc cho các chủ vựa ve chai ở Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội). Công việc chính của họ là lượm lặt những đồ có thể bán được trong đống rác thải: vỏ lon, vỏ chai, túi nilon, có khi còn là… cơm nguội. Tất cả vì cuộc sống tốt hơn, để cùng con “thắp” lên những hy vọng về tương lai tươi sáng.

Nếu chỉ là người qua đường, không ai nghĩ đằng sau những ngôi nhà cao khang trang, bề thế, trong ngõ 36 Hoàng Cầu lại có những “túp lều” rách nát, những mảnh đời cơ cực. Đó là nơi cư ngụ của những người làm việc cho các chủ vựa ve chai ở Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội). Công việc chính của họ là lượm lặt những đồ có thể bán được trong đống rác thải: vỏ lon, vỏ chai, túi nilon, có khi còn là… cơm nguội. Tất cả vì cuộc sống tốt hơn, để cùng con “thắp” lên những hy vọng về tương lai tươi sáng.

Không ánh mặt trời, người đời khinh miệt

Nằm lọt thỏm giữa những khu nhà cao tầng, bãi ve chai rộng khoảng 1.000m2 là nơi sinh sống của gần 200 con người lam lũ, quanh năm sống bằng nghề nhặt rác.

Những người này hầu hết đến từ Xuân Trường, Nam Định, muốn thoát nghèo nên di cư lên Hà Nội, chấp nhận làm mọi việc cực nhọc để kiếm từng đồng bạc lẻ: ve chai, cửu vạn, dọn vệ sinh nhà ở và các công trường xây dựng…

Con đường nhỏ dẫn vào ngóc ngách của khu xóm như một lằn ranh phân cách. Một bên là những ngôi nhà cao tầng đẹp đẽ, cửa xếp chống trộm chắc chắn, luôn kín cổng cao tường. Còn một bên là dãy nhà tranh lụp xụp, tối tăm, cửa luôn mở và những thứ đồ đồng nát được bày tràn ra cổng.

Bên dãy nhà tranh có khoảng 5 nhà tạm, giống cái chòi canh dựa vào nhau sát sịt, cái cao cái thấp, dường như có thể đổ bất cứ lúc nào. Những căn nhà đều giống nhau ở sự nhếch nhác, bừa bộn. Mái nhà được phủ chằng chịt bằng những tấm vải bạt cũ đã hỏng, những bao tải dứa, áo mưa… bất cứ thứ gì có thể che được mưa gió, được xếp chồng lên nhau, lớp này đè lên lớp khác.

Nhà nào “sang” hơn thì có tấm blu-xi-măng làm mái. Xung quanh nhà được quây kín, gia cố bằng những miếng ván gỗ, cót ép mà người ta nhặt nhạnh được. Bầu không khí ở đây đặc quánh mùi rác thải, nó khăn khẳn, tù túng. Có bước chân vào xóm ve chai mới tận mắt chứng kiến cảnh sống nghèo khổ, cơ hàn.

Sân nhà ngổn ngang toàn rác, rác chất thành đống, rác chắn cả lối đi. Cả gian nhà chỉ có một bóng đèn thắp sáng. Ngay cả khi trời còn sáng, người trong nhà cũng khó nhìn rõ mặt nhau.

Xóm ve chai ngập trong đủ loại rác. Ảnh: M.PHƯƠNG

Xóm ve chai ngập trong đủ loại rác. Ảnh: M.PHƯƠNG 

Trông chờ vào mảnh ruộng ở quê chỉ đủ ăn chứ không có tiền cho các con học hành. Vì thế người ta tràn ra Hà Nội kiếm sống. Người nọ giới thiệu người kia, dần dần một “xóm ve chai” được hình thành. Tuy nhiên, dù cũng là một nghề để mưu sinh, nghề ve chai bị người đời nhìn bằng ánh mắt thiếu thiện cảm, khiến những người làm nghề này phải nhiều lần khóc tủi.

Chị Nguyễn Thị Mơ (33 tuổi, Nam Trực, Nam Định) nghẹn ngào kể: “Mình đã bị chửi là “con phò, con đĩ”, “cái bọn đồng nát, đi đâu là mất đấy”... Nhiều khi ngồi tủi thân phát khóc. Mình là người mà sao người ta dùng những câu nặng nề quá. Ai chẳng muốn làm việc nhàn hạ, nhưng vì cho các con ăn học mà mình phải chấp nhận công việc này”.

Bà Bùi Thị Tuyết (58 tuổi, Quỳnh Côi, Quỳnh Phụ, Thái Bình) rưng rưng góp câu chuyện đời mình: “Nhiều người chỉ bằng tuổi con, tuổi cháu mình mà cũng buông những lời lẽ nhục mạ, chửi bới, coi thường những người như chúng tôi. Cúi nhặt ống bơ mà đứa trẻ con đứng gần đó phải bịt mũi, thì biết cái thói khinh người nó như thế nào rồi đấy. Tủi nhục lắm cháu ạ”.

Rồi bà lại tiếp trong tiếng thở dài: “Già như tôi còn phải đi lượm rác kiếm sống qua ngày, được bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Như cô Mơ đây thì nó như một nghề chính nuôi sống gia đình, áp lực lắm. Thế mà người đời chả ai hiểu…”.

“Ở quê chẳng còn đất trồng rau nên phải lên Hà Nội làm nghề bới rác. Cũng nhiều lần muốn đổi nghề, nhưng chưa biết làm gì. Mở một quán nước nho nhỏ góc phố cũng phải cần chút vốn liếng, trong khi tiền kiếm được từ việc nhặt rác chỉ đủ lo cho đàn con sống qua ngày. Trái gió trở trời đứa nào ốm, thì lo tiền thuốc thang cũng là quá sức” - chị Mơ nói.

Vì vậy chị cùng bao phận người khác vẫn phải bám vào rác mà kiếm sống, dù chẳng thiết tha gì với nghề này.

Vẫn thắp lửa ước mơ

Như những chiếc đồng hồ, 6 giờ sáng cả xóm rục rịch dậy đi làm. Họ lang thang khắp các ngõ ngách Hà Nội để “làm công tác môi trường”: nhặt giấy, rác, nilon, vỏ lon, chai…

Đến 11 giờ trưa, người ta lại không hẹn mà về để phân loại đồ, cơm nước nghỉ ngơi, 1 giờ 30 phút chiều lại tiếp tục cuộc hành trình kiếm sống. Họ đi miết, đến tối mịt mới về. Lúc được ngả lưng nghỉ cũng hơn 1 giờ sáng. Cuộc sống nơi xóm ve chai cứ thế cuốn theo cơm, áo, gạo, tiền.

Anh “lính mới” Nguyễn Xuân Chỉnh (26 tuổi, quê ở Xuân Châu, Xuân Trường, Nam Định) chỉ vào đống vỏ lon nước ngọt nằm la liệt trên nền đất: “Ngày nào tớ cũng đi bới móc, trừ mỗi rác ra, tớ lượm lấy những cái này. Chỗ này giỏi lắm được năm chục bạc. Có nhiều người kinh sợ cái nghề của bọn tớ. Nhưng tớ không bỏ được, vì không làm lấy gì mà ăn? Tớ cố làm được đến lúc nào thì làm, khi đủ điều kiện chuyển sang nghề khác”.

Chị Phạm Thị Thơm (46 tuổi, quê Nam Trực, Nam Định) đã theo nghề ve chai được 18 năm. Chồng mất đã lâu, một mình chị nuôi 3 con ăn học, dựng vợ gả chồng cho con từ những đồng tiền kiếm được bằng nghề nhặt rác, chị phải tằn tiện hết mức.

Chị không dám thuê nhà trọ theo tháng, mà chỉ thuê theo ngày để ngủ. “Ngủ mỗi ngày chỉ hết 10.000 đồng. Còn thuê theo tháng mất 600.000 đồng” - chị nói.

Trừ tiền ăn uống và thuê chỗ ngủ, mỗi tháng tối đa chị chỉ để dành được 3 triệu đồng. 1kg nhựa bán được 8.000 đồng, nilon 1.000 đồng/kg, cơm nguội 700 đồng/kg, mảnh chai 500 đồng/kg, vỏ lon nước ngọt được 300 đồng/chiếc, vỏ hộp to như hộp bánh Danisa cũng chỉ được 100 đồng.

Vừa kéo gấu áo che vết sơn đỏ loang lổ ở tay, chị Thơm tâm sự: “Nghề này nó bẩn lắm chị ạ. Mình cố làm cho em ăn học thôi. Em nó học xong mình cũng về quê sống. Mà khổ nỗi cái nghề này là khi con mình lên đây chơi nó còn không dám thay quần áo để giặt chứ đừng nói ngủ lại với mẹ một đêm.

Ngày còn bé nó lên chơi với tôi, đang đêm ngủ thấy động, hỏi “Gì đấy mẹ?”, “Chuột đấy” thì sợ hãi ôm mẹ, nhưng đến hè lại đòi lên Hà Nội chơi. Giờ lớn rồi nó biết chê nghề của mẹ hôi hám, bẩn thỉu. Mình cũng mong nó thấy sợ cuộc sống của mẹ để cố gắng học hành, có cuộc đời đẹp hơn”.

Các tin khác