Xích lô vòng quay cùng năm tháng

Tuy không phải cái nôi của xích lô nhưng từ khi xuất hiện cho đến nay, xích lô vẫn luôn là một trong những đặc trưng gợi nhớ về Việt Nam yên bình nhưng cũng không ít đau thương. Xích lô mang theo những hoài niệm về một thời xa xưa của những người phu xe lớn tuổi, mang theo bóng hình đất nước trong con mắt của những người khách nước ngoài. Trải qua bao thăng trầm nó vẫn hiện diện trên mỗi cung đường từ Bắc chí Nam, những vòng xe quay đều, quay đều để lại biết bao kỷ niệm khó quên.

Tuy không phải cái nôi của xích lô nhưng từ khi xuất hiện cho đến nay, xích lô vẫn luôn là một trong những đặc trưng gợi nhớ về Việt Nam yên bình nhưng cũng không ít đau thương. Xích lô mang theo những hoài niệm về một thời xa xưa của những người phu xe lớn tuổi, mang theo bóng hình đất nước trong con mắt của những người khách nước ngoài. Trải qua bao thăng trầm nó vẫn hiện diện trên mỗi cung đường từ Bắc chí Nam, những vòng xe quay đều, quay đều để lại biết bao kỷ niệm khó quên.

Đời quay tròn theo ba bánh xe lăn

Xích lô (tiếng Pháp Cyclo) do một người Pháp phát minh năm 1939. Nơi đặt chân đầu tiên của xích lô ở Việt Nam là Sài Gòn, sau này khi ra đến Hà Nội, xích lô được cải tiến, ghế ngồi được bọc đệm và rộng hơn. Ban đầu xích lô chỉ dành riêng cho giới quan lại, quý tộc Pháp, địa chủ Việt Nam.

Ngồi xích lô, người ta vừa có thể nhẩn nha ngắm phố phường, vừa phô bày sự quý phái, thanh lịch như một cách thể hiện đẳng cấp, địa vị trong xã hội. Kiêu sa, quý phái như thế, cho đến những năm 50 của thế kỷ trước, xích lô vẫn là phương tiện giao thông sang trọng dành riêng cho những cô tú, dòng dõi thư hương khoe sự duyên dáng, e lệ trong tà áo dài, để các bà, các mẹ khoe sự giàu sang.

Thế nhưng xích lô cũng là phương tiện gắn liền với tầng lớp lao động nghèo. Xích lô gần gũi, thân quen với người Việt Nam, theo suốt chiều dài lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cho đến nay. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ, xích lô là phương tiện vận tải chủ yếu chuyên chở đồ tiếp tế, lương thực, đạn dược... ra chiến trường. Những ngày sau chiến tranh, xích lô lại là những phương tiện kiếm sống, cùng nhân dân chống nghèo. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, xích lô đều tìm được vai trò phù hợp cho mình trong dòng chảy đời sống.

Nhắc đến xích lô, nhiều người thường nhớ đến cảnh cơ hàn, cực nhọc của những người lao động nghèo, bán mạng bán sức đổi lấy miếng cơm manh áo. Còn rất nhiều hình ảnh thơ mộng, mỹ miều về xích lô, nhưng cái nghèo đói một thời vẫn là hình ảnh đậm nét của giới hành nghề xích lô, thể hiện qua bài thơ “Gửi bác xích lô Hà Nội”: “Đêm trăng ấy bác xích lô Hà Nội/ Chở tôi thăm ba mươi sáu phố phường/ Bác đâu ngờ khách cùng nghề như bác/ Cũng đời xích lô dãi nắng dầm sương/ Tuy bác ở cách tôi ngàn dặm/ Nhưng gần nhau trong những nỗi trầm thăng/ Bốn mùa chuyển nhịp cùng mưa nắng/ Đời quay tròn theo ba bánh xe lăn”.

Đâu đó trên những cung đường trong phố cổ Hà Nội, ngày ngày vẫn có những đoàn xích lô du lịch chở khách thăm quan. Cảnh tượng quen thuộc của 36 phố phường, nhưng mỗi khi có chiếc xích lô nào qua phố, một vài người đi đường, người dân sống ở đó vẫn ngoái nhìn theo đầy thích thú. Thử tưởng tượng, giữa phố phường đông nghịt người ở Hà Nội, thi thoảng bắt gặp các bác phu mặc đồng phục đạp từng vòng xích lô khoan thai trên phố, nổi bật giữa sắc phố cổ. Có chút gì đó cổ xưa còn vương lại, giữa một thành phố hiện đại phát triển bậc nhất Việt Nam.

Chúng tôi gặp bác phu xe Vũ Lương Tiến khi bác đang đạp xe từ Cầu Gỗ ra đường Lê Đại Hành để đỗ xe nghỉ trưa. Đó là điểm tập kết xích lô của hãng Sans Souci - hãng xích lô du lịch đầu tiên ở Hà Nội.

Tranh thủ chút thời gian nghỉ trưa, đợi khách, bác Tiến kể cho chúng tôi về xích lô với đầy sự tự hào: “Sau 8 năm đi bộ đội, được phục viên về với gia đình, tôi làm đủ thứ nghề phụ hồ, cửu vạn nhưng rồi dần chuyển sang chở đồ thuê bằng xích lô. Bạn bè thấy tôi cực quá, mách cho tôi lên Hà Nội chở khách du lịch. Sau đó, tôi được vào làm ở Sans Souci, cả Hà Nội chỉ có một hãng xích lô này có tên nước ngoài. Lái xích lô tôi thấy mình khỏe ra, cả ngày cứ chạy tua như vậy muốn yếu cũng không được. Ngoảnh đi ngoảnh lại, tôi cũng đi tua được hơn 6 năm”.

Xích lô đi vòng quanh thế giới

Ai đến Hà Nội mà không tranh thủ làm một vòng xích lô qua 36 phố phường, ngắm cho hết những di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng của Hà Nội, chưa thể cảm nhận được vẻ đẹp thanh lịch, nhẹ nhàng của thủ đô cổ kính nghìn năm tuổi, sẽ không cảm nhận hết nhịp sống khoan thai, không bon chen, xô bồ của người Hà thành gốc. Ryan Duy Hùng (Việt kiều Hoa Kỳ) trong một lần đi xích lô đã được bác phu dạy bài hát về xích lô làm anh nhớ mãi.

Đó là bài hát mà đến bây giờ cánh xích lô vẫn hay hát dựa theo nhạc bài Nhạc rừng: “Xích lô, xích lô/ Đi vòng quanh thế giới/ Bao nhiêu, bao nhiêu?/Hai mươi nghìn thôi em ơi/ Đắt thế, đắt thế, mười nghìn thôi anh nhé?/ ô-kê ô-kê xin mời em lên xe”. Ryan chia sẻ: “Tôi thích cảm giác đi xích lô trên phố Hà Nội, nói chuyện và hát cùng chú xích lô vui tính”.

Chẳng có tour du lịch “vòng quanh thế giới” nào rẻ như đi xích lô Hà Nội. Du khách sẽ được dẫn đi đến những nơi tiêu biểu, đẹp nhất của Hà Nội, Việt Nam. Những bác xích lô nhiệt tình, vui tính còn kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên du lịch.

Thật chẳng có phương tiện nào thoải mái như đi xích lô: Không quá nhanh, cũng chẳng quá chậm, đủ thong dong, chậm rãi để du khách có thời gian thu vào tầm mắt vẻ đẹp và nhận ra những đặc trưng của Hà Nội, đủ để chụp những tấm hình lưu niệm, hay thú vị hơn là có thể chuyện trò cùng người phu xe, khách đi đường. Nếu thích, du khách còn có được một lần trải nghiệm cảm giác làm phu xe trong đời.

Những chiếc xích lô nối hàng dài là hình ảnh quen thuộc ở phố cổ Hà Nội.

Những chiếc xích lô nối hàng dài là hình ảnh quen thuộc ở phố cổ Hà Nội.

Xích lô du lịch giờ trở thành thương hiệu ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội. Bắt nhịp với đời sống hiện đại, mong muốn đem đến chất lượng tốt nhất cho du khách, các bác phu xe cũng phải học ngoại ngữ đủ để giao tiếp cơ bản với khách, giới thiệu về các khu thăm quan, di tích. Và lái xích lô du lịch bây giờ phải có giấy tờ, thẻ hẳn hoi.

Người phu xe già chúng tôi gặp trên đường Lê Đại Hành lôi hết giấy tờ, chứng chỉ của Sở Du lịch cấp trong cái túi nhựa đựng tài liệu cho chúng tôi xem: “Cái này phải đi học mới được phát đấy, học để còn nói chuyện với Tây. Nghề này quá thú vị với tôi, tôi già rồi chỉ làm nghề này chứ làm nghề gì hay được. Mang nét đẹp quê hương giới thiệu cho khách, tôi cũng phấn khởi”.

Xích lô như một nét gạch nối gắn kết với lịch sử dân tộc. Xích lô còn là phương tiện kiếm sống của những bác binh già đi ra từ trong chiến tranh. Tuy vất vả, nhưng cuộc đời người phu xe vẫn có những phút giây thanh bình: “Ngả người/Trên chiếc xích lô/ Lắng nghe/ Bao tiếng xô bồ/ Vây quanh/ Nhìn lên/ Một mảng trời xanh/ Thấy mình/ Còn chút thanh bình/ Trong tâm”.

Hình ảnh những chiếc xích lô thong dong trên phố như những nốt lặng cố níu kéo từng nhịp thời gian, và người phu xe kéo trùm vành mũ nghỉ tạm trên chiếc xích lô giữa trưa hè vẫn là những hình ảnh yên bình, êm đềm của phố phường mà lại đầy cực nhọc của một đời người. 

Các tin khác