Xách ba lô theo bánh con tàu quay

(ĐTTCO) - Với lợi thế chạy dọc theo chiều dài đất nước, tàu lửa có thể giúp du khách dễ dàng tiếp cận với nhiều điểm đến đẹp đến ngỡ ngàng suốt dặm dài hình chữ S. 
Câu chuyện phát triển du lịch đường sắt cũng được đưa ra bàn thảo nhiều lần, nhiều cam kết hợp tác cũng được ký kết, song tới thời điểm này thị phần du lịch tàu hỏa ngày càng hẹp lại trước sức cạnh tranh mạnh mẽ của đường bộ và đường không. 
Đã qua thời vàng son
Cách đây khoảng 10-15 năm có thể coi là thời kỳ vàng son ngành đường sắt mỗi mùa du lịch đến. Nếu không phải là công ty du lịch hay có người nhà làm trong ngành, khó để kiếm được tấm vé ghế mềm chứ không nói là giường nằm trong mùa hè - mùa cao điểm du lịch. Đặc biệt, các điểm đến như Sầm Sơn, Cửa Lò, Quảng Bình hay xa hơn Huế, Đà Nẵng đường sắt lúc ấy là sự lựa chọn tối ưu. Các tour lớn đi Huế, Đà Nẵng bằng tàu hỏa luôn trong tình trạng kín khách vì lên tàu vào chập tối, ngủ một giấc sáng hôm sau đã có mặt ở điểm du lịch.
Chính vì thế, mùa hè được mặc nhiên là mùa hoạt động của “cò” vé đường sắt. Toa tàu du lịch lên Lào Cai cũng luôn ở tình trạng kín vé và tàu hỏa là phương tiện di chuyển được du khách quốc tế yêu thích nhất khi đến với Sa Pa. Song thời vàng son ấy đã qua nhanh khi nhiều tuyến đường cao tốc đi vào hoạt động rút ngắn thời gian chạy xe, trong khi hàng không giá rẻ ra đời, liên tục tung ra các đợt bán giá khuyến mại 0 đồng. Còn đường sắt vẫn dậm chân tại chỗ với những khoang tàu cũ kỹ.
“Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay…” - lời bài hát Tàu anh qua núi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa đã gắn bó với bao thế hệ người Việt hàng chục năm qua. Đó cũng là hình ảnh vô cùng lãng mạn về đường sắt nước nhà. Nhưng hiện thực không còn như vậy… Dặm dài đất nước chạy theo tuyến tàu hỏa từ Bắc vào Nam không còn được cái lãng mạn, hào sảng như trong bài hát ấy, mà bủa vây là vô vàn rắc rối, phiền toái, ồn ào, an toàn và vệ sinh… 
Xách ba lô theo bánh con tàu quay ảnh 1 Đường sắt sẽ đưa hàng loạt toa xe “5 sao” vào chạy tuyến Bắc - Nam. Ảnh: Huy Phong 
Rời ga Hà Nội để đến với mảnh đất miền Trung đầy nắng gió trên con tàu thống nhất Bắc-Nam, hành trình của chúng tôi được bắt đầu vào một buổi sáng cuối tuần mát mẻ trong mùa du lịch. Cảm giác được nhìn ngắm Hà Nội từ ô cửa sổ tàu khá thú vị, nhưng niềm vui ngắn chẳng tầy gang, bởi chỉ ra tới Hà Nam nhịp tàu không còn được êm ái nữa mà bắt đầu chao lắc dữ dội.
Tiếng tu xịch xịch vui tai là vậy giờ cứ váng vất bủa vây tứ phía, kể cả trong khoang điều hòa. Khắp các khoang tàu là cảnh ngả ngớn, nằm la liệt. Trẻ em, người lớn, trải chiếu, trải tấm nhựa nằm co ro trên sàn tàu trong những giấc ngủ tạm. Muốn đi tới khoang dịch vụ nằm ở đầu tàu phải len lỏi thật khéo để không phải đụng chạm vào những cái chân đang quyềnh quàng giữa lối đi. 
Chị Vũ Thị Quyên và con trai lên từ ga Thanh Hóa đi Sài Gòn đắn đo một hồi rồi quyết định không lên khoang dịch vụ vì e ngại việc di chuyển. Cùng khoang, cậu thanh niên Nguyễn Bá Nhi cũng mau mắn chia sẻ việc bất đắc dĩ phải đi tàu vào Nghệ An vì bị say ô tô, dù nhiều lần đi lại nhưng vẫn không thích nghi được sự hỗn loạn tại các khoang. Nhiều người chọn đi tàu để được ngắm phong cảnh, nhìn ngắm quê hương qua ô cửa tàu, nhưng ngoài những thông báo sắp tới ga này, ga nọ chẳng thêm một lần thông báo những địa danh nào, vùng đất nào đã đi qua. 

Nếu được lựa chọn…
Chia sẻ về việc làm tour với đường sắt, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết đường sắt đang là phương tiện di chuyển mang tính an toàn cao. Đường sắt có những chuyến tàu khởi hành vào ban đêm nên khách có thời gian nghỉ ngơi và tiết kiệm được thời gian di chuyển. Du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh qua ô cửa sổ một cách bao quát nhất và cũng là một trải nghiệm thú vị cho những khách chưa từng tham gia loại hình phương tiện này.
Song chỉ bấy nhiêu tiêu chí vẫn chưa đủ sức hút để du khách lựa chọn. Hiện nay trên các toa tàu vẫn chưa được trang bị phòng tắm, các phương tiện vệ sinh chỉ đáp ứng ở mức cơ bản. Chính vì thế, di chuyển trong suốt 36 giờ và không có điều kiện tắm rửa khiến du khách khó chấp nhận. Đối với dân phượt có khả năng thích nghi cao có thể chấp nhận được, nhưng khách hạng sang cần phải tính toán lại.
Nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ, bởi nỗi kinh hoàng thực sự của người đi tàu vẫn luôn là nhà vệ sinh. Những năm gần đây, tuy khu vực nhà vệ sinh đã được đầu tư làm mới, song điều này cũng không được cải thiện nhiều, vì thế nhiều người khi bước chân lên tàu cả ngày không dám uống nước, chỉ nhấp nhấp môi cho khỏi khát.
Ở khoang nằm ngay sát nhà vệ sinh nên chúng tôi chứng kiến không biết bao nhiêu lời than phiền, tiếng thở dài “…lại hỏng!” của khách đi tàu. Và còn rất nhiều khuôn mặt đủ sắc thái như từ nhăn mặt, bịt mũi tới khiếp sợ lộ rõ trên mỗi khuôn mặt của khách khi bước ra từ cái buồng nho nhỏ ấy.
Chia sẻ với chúng tôi, một nhân viên phục vụ trên tàu cho biết, dù tàu mới xuất phát nửa ngày nhưng đã phải thông sửa nhà vệ sinh đến mấy lần. Thi thoảng lại có khách lên than phiền, rồi lại sửa… Theo anh, việc đưa vào hệ thống nhà vệ sinh mới ban đầu có vẻ sạch sẽ, văn minh, nhưng tính tiện dụng không cao bởi nhiều hành khách không có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh, sử dụng nên hỏng liên tục.
Cũng theo nhiều nhân viên nhà tàu, quy định cứ 20 phút phải đánh dấu đã kiểm tra và dọn nhà vệ sinh một lần là không khả thi, bởi lẽ cả đoàn tàu chỉ có 32 nhân viên/chuyến, gồm cả từ sếp đến nhân viên, lái tàu, phụ lái, nhân viên điện, an ninh, hậu cần… “Nếu chỉ việc đi lại từ toa đầu đến toa cuối cũng đã mất cả nửa tiếng. Vì thế dù có ký, có tích vào bảng kiểm tra vệ sinh, nhưng trên thực tế vẫn chỉ mang nặng tính hình thức” - nhân viên tàu thật thà chia sẻ. 
Thêm nữa, cái khó khiến nhiều đơn vị lữ hành dần rời xa đường sắt là giá vé không rẻ, ít cạnh tranh với các loại hình máy bay và ô tô, trong khi đó kế hoạch tàu chạy thường trễ gây khó cho các hợp đồng đoàn có số lượng lớn…
Mặt khác, việc dành riêng toa cho khách du lịch là việc tối quan trọng và nên tính đến các phương án linh hoạt hơn như cắt, ghép toa tại một số điểm đến để du khách có thể tự do tham quan… Thêm nữa ngành đường sắt cũng cần nâng cấp về nội thất và dịch vụ để bù lấp sự xuống cấp của thế hệ tàu, toa quá cũ, lỗi thời, nhà ga, nhân viên phục vụ ga không chuyên nghiệp, thời gian dừng chờ quá lâu…
Một số đơn vị lữ hành cho rằng, tại Việt Nam hiện nay chỉ có hình thức vận tải du khách bằng tàu hỏa chứ chưa có sản phẩm du lịch đường sắt đúng nghĩa. Dù trên thực tế đã hình thành một số tuyến thường xuyên phục vụ khách du lịch như tour Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Vinh, Hà Nội- TPHCM, TPHCM- Nha Trang…
Sở hữu chiều dài 2.600km, ngành đường sắt với hàng trăm tuyến đường thiết yếu dọc Bắc-Nam, nhưng lượng du khách lựa chọn tàu hỏa cho nhu cầu tour du lịch chưa đến 10% tổng vận tải hành khách công cộng. Vì thế ngành đường sắt cần nhiều cải tổ để phát huy thế mạnh hơn, giúp những bánh tàu lăn suốt dặm dài đất nước là những chuyến tàu chở niềm vui.

Các tin khác