Xa lắm đường về làng

Với người Việt, cho dù sống ở thành thị, làng vẫn là điều gì đó thiêng liêng. Nó như một phần ký ức đôi lúc bỗng cồn cào nhung nhớ. Mọi ngôi làng ấy đều có hương ước, mỗi dòng họ trong làng lại có gia phả, mỗi nhà lại có gia quy, tạo nên sự bền vững, nghiêm cẩn của làng Việt. Nhưng, trong xu thế đô thị hóa, đất làng thành đường giao thông, khu công nghiệp, thành chung cư,… những gì thuộc về khái niệm “làng Việt” bỗng đứng trước sự đe dọa mất còn.

Với người Việt, cho dù sống ở thành thị, làng vẫn là điều gì đó thiêng liêng. Nó như một phần ký ức đôi lúc bỗng cồn cào nhung nhớ. Mọi ngôi làng ấy đều có hương ước, mỗi dòng họ trong làng lại có gia phả, mỗi nhà lại có gia quy, tạo nên sự bền vững, nghiêm cẩn của làng Việt. Nhưng, trong xu thế đô thị hóa, đất làng thành đường giao thông, khu công nghiệp, thành chung cư,… những gì thuộc về khái niệm “làng Việt” bỗng đứng trước sự đe dọa mất còn.

1. “Muốn tìm hiểu lịch sử hình thành dân tộc Việt Nam phải tìm hiểu cộng đồng làng xã và muốn xây dựng lại đất nước Việt Nam cũng phải bắt đầu từ việc xây dựng lại cộng đồng làng xã. Bởi không có làng xã Việt Nam thì không có quốc gia Việt Nam” - GS.NGND Phan Đại Doãn đã viết như vậy về làng Việt.

Còn GS. sử học Hà Văn Tấn từng vui mừng trước những công trình nghiên cứu về làng xã, nhưng ông cũng lấy làm tiếc vì trong những nghiên cứu đó có những khái quát không liên hệ với thực tế. Do thiếu tài liệu nên nhiều công trình nghiên cứu làng xã  thường dùng phương pháp hồi cố “lấy nay suy ra xưa”, “lấy muộn suy ra sớm”, nên khó tránh được những suy diễn.

GS. Tấn cho rằng không thể nói làng Việt đóng kín, mà nó có các mối liên hệ liên làng, liên hệ giữa làng với cộng đồng hay khu vực rộng lớn hơn (siêu làng). Chính từ những mối liên hệ này mà hình thành ý thức cộng đồng siêu làng, rồi từ ý thức cộng đồng siêu làng hình thành ý thức dân tộc. Theo GS. Phan Đại Doãn, làng quê là một điểm tựa trong cuộc sống của tất cả mọi người từ khi chào đời cho đến lúc tạ thế.

Nhận ra bản sắc của một ngôi làng Việt có tuổi đời không khó, nó biểu hiện ở các sản phẩm văn hóa làng xã ở dưới dạng thiết chế là đình, chùa, đền, miếu, bến nước (giếng nước); dưới dạng phi vật thể như các phong tục, tập quán, lối sống, các lễ tết, lễ hội, các trò chơi...

Nhưng đã có thời (kể cả bây giờ) không ít nơi đình làng bị đem ra sử dụng bừa bãi, biến thành kho chứa, thậm chí có nơi còn dỡ bỏ. Hội làng, hương ước, nhiều tập tục, các loại hình nghệ thuật dân gian cũng theo đó mà tàn lụi dần.

Đến độ làng vẫn còn đó nhưng “hồn” làng đã biến mất. Và khi những giá trị vật chất, nền văn minh công nghiệp quá được coi trọng, đã xuất hiện tư tưởng “chán” làng, đặc biệt đối với lớp trẻ. Sự phát triển quá nhanh các khu đô thị đã khiến người nông dân sống trong làng bỗng bồn chồn, cảm thấy mình thua thiệt và cổ lỗ.

Nguy hơn, khi một số người bán được đất, hoặc con cái làm ăn có tiền đã đập nhà cũ xây nhà bê tông, khiến cho kiến trúc truyền thống bị phá vỡ, gương mặt của làng trở nên bát nháo, xô bồ. Cổng làng rêu phong vài ba trăm năm tuổi cũng bị dỡ bỏ, lấy đường cho xe đi. Những ngôi làng Việt đang đứng trước thách thức của sự phát triển.

Cổng làng Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội.

Cổng làng Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội.  

2. “Khi phố tiến về làng”, trong cái được có nhiều suy tư. Không chỉ kiến trúc thay đổi, mà sâu hơn là nếp sống, phong tục tập quán, cung cách làm ăn, cách ứng xử, các giá trị đạo đức truyền thống... cũng biến động. Nói một cách hình tượng “chiếc thắt lưng” của làng - những lũy tre xanh - đã bị mở bung.

Như cái làng Vòng bé bỏng nhưng rất nổi tiếng ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Làng nổi tiếng về nghề làm cốm, với thương hiệu “cốm làng Vòng” tồn tại đã mấy trăm năm. Nhưng đến nay, ngôi làng hơn 600 hộ dân này không còn một mảnh ruộng để canh tác. Người ta đua nhau chia lô xây nhà cho sinh viên thuê để kiếm tiền. Hiện nay trong làng chỉ vỏn vẹn 15 hộ làm cốm.

Con đường Nguyễn Phong Sắc xuyên qua làng nhan nhản các quán ăn, tiệm gội đầu, cửa hàng bán tạp hóa, quán cà phê... Ông Tạ Duy Sâm, một cư dân cao niên trong làng Vòng, cho biết: “Hồi đó từ đầu đến cuối làng luôn có tiếng chày giã cốm. Rơm nếp phơi ngập đường làng, leo lên cả nóc nhà, bờ tường”.

Theo ông Sâm, chuyện “mất làng Vòng” bắt đầu từ năm 1997, khi 3 thôn Tiền, Hậu, Trung được "nâng cấp" thành phường Dịch Vọng. Toàn bộ 80ha đất canh tác của làng Vòng phải nhường cho việc xây dựng khu đô thị mới Cầu Giấy. Còn ông Trang, người sinh ra và già đi ở làng Vòng cho rằng với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, trước sau gì làng cốm sẽ không còn nữa.

GS. Phùng Hữu Phú nhận định làn sóng đô thị hóa lan tỏa đã lôi cuốn và tác động trực tiếp đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Bên cạnh những mặt được, nó đã tạo ra những nghịch lý, mâu thuẫn, thách thức, mà nóng bỏng nhất là vấn đề quy hoạch, quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

Rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đã được thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ, đường giao thông… dẫn đến dư thừa lao động nông nghiệp khiến làn sóng di cư khỏi làng quê diễn ra rầm rộ. Ngược lại, khi “phố tiến về làng” đã phá tan sự yên tĩnh vốn có. Các ngôi nhà trong làng ngăn cách với nhau bằng những rặng cây thấp nay được thay bằng những bức tường kiên cố, cổng đóng then cài.

Tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau dần bị pha loãng, cuộc sống tinh thần dần thu hẹp. Nhiều ngôi làng vốn không có nạn trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, nay có đủ. Hương ước, gia phả, lệ làng, hội làng... vẫn còn đó nhưng chỉ tồn tại như cái bóng chứ không phải là một thực thể để những người liên quan soi vào mà ứng xử.

3. Con đường về làng ngày thêm xa xôi khi ngay cả người sống trong làng cổ cũng không còn muốn giữ lại ngôi nhà truyền thống ông cha. Không hẳn người làng Mông Phụ (xã Đường Lâm, Ba Vì, Hà Nội) không hiểu giá trị những ngôi nhà cổ xây bằng đá ong và gỗ, nhưng không ít người “chán” danh hiệu Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia trao cho làng.

Làng cổ trong tư cách là một di tích cho du khách tham quan, thưởng lãm, nhưng lại “đóng khung” người dân sống trong làng bằng quy định của Luật Di sản, nên tự dưng người “được” ở di sản lại trở thành người “phải” ở di sản. Vì thế, người ở đây có câu “Làng cổ khổ dân”. Do không được tự ý sửa chữa, nâng cấp, nên đa số người sống trong nhà cổ cảm thấy bất tiện.

Ông Hà Nguyên Huyến, người đang sở hữu một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Đường Lâm, chỉ tay lên trần nhà nói: “Do lâu năm, mối mục hết, đến ngói cũng mủn ra, rơi bụi xuống đầy nhà”. Nhiều người trong làng muốn “trả lại danh hiệu” để thoát khỏi "vòng kim cô" của Luật Di sản để đập nhà cũ xây nhà mới, dù vẫn biết như thế làng sẽ “mất thiêng”, không còn thương hiệu.

Năm 2005 Đường Lâm chính thức được công nhận là Di tích quốc gia. Lúc đó người ta rất hớn hở, đi đâu cũng khoe làng mình. Người ta còn cảm thấy thương cho những ai vì kế mưu sinh mà phải rời làng ra đi. Khi đó khách đến rất nhiều, được người làng vui vẻ tiếp đón, mời vào thăm nhà, mời uống nước, hút thuốc lào, đôi khi còn biếu cả lọ tương cho khách làm quà, vì tương làng này ngon nổi tiếng.

Nhưng rồi, không bao lâu, người dân Đường Lâm ngộ ra cái “danh suông” kia lại đem đến cho họ rất nhiều phiền toái. Xin xây, sửa bất cứ cái gì cũng “hãy đợi đấy”. Bảo vệ di tích làng cổ là việc cần thiết, nhưng cũng không thể vì thế mà để họ lại sân ga khi con tàu phát triển đang rầm rầm tăng tốc.

Các tin khác