Vương quốc độc dược

Là điểm “nóng” nhất của cả vùng Tây Bắc về tình trạng người chết vì lá ngón, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được mệnh danh là "Vương quốc độc dược". Trong tâm thức người dân vùng cao này luôn bị ám ảnh bởi “ma ngón”.

Là điểm “nóng” nhất của cả vùng Tây Bắc về tình trạng người chết vì lá ngón, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên được mệnh danh là "Vương quốc độc dược". Trong tâm thức người dân vùng cao này luôn bị ám ảnh bởi “ma ngón”. 

Bi kịch lớn trên bản nhỏ

Từ hôm đứa con gái Mùa Thị Ghênh (8 tuổi) chết vì ăn nhầm lá ngón, gương mặt chị Vừa Thị Dung ở bản Trung Sua, xã Keo Lôm vẫn thất thần vì đau đớn. Khi chúng tôi đến thăm, chị Dung ngồi vá áo bên hiên, ai hỏi thăm nước mắt chị cứ tuôn rơi, không thốt nên lời.

Không khí tang tóc bao trùm không chỉ trong gia đình Vừa Thị Dung mà ở cả bản người Mông này. Mùa A So là hàng xóm và cũng là Trưởng bản Trung Sua, kể về ngày định mệnh: “Hôm đó là thứ năm, được cô giáo cho nghỉ học, 4 chị em con chú, con bác là Mùa Thị Ghênh (học sinh lớp 2), Mùa Thị Bông (mẫu giáo), con người anh và Mùa Thị Ly (lớp 2), Mùa Thị Súa (lớp 1) con của người em, rủ nhau ra rừng nhặt hạt dẻ.

Nhặt được một lúc, thấy mấy bụi dây leo lá xanh non, nở hoa vàng, cả 4 cùng xúm lại xem rồi ăn lá. Khi người lớn phát hiện ra các cháu ngộ độc thì Súa và Ghênh đã chết. Mùa Thị Ly và Mùa Thị Bông được đưa đến trung tâm y tế huyện cứu sống”.

Cây lá ngón trong rừng.

Cây lá ngón trong rừng. 

Mùa Thị Bông, cô bé tóc xoăn, da trắng, mắt đen tròn vừa thoát chết, ngơ ngác hết nhìn mẹ khóc rồi nhìn khách lạ. Mùa Phá Di, ông nội của 4 đứa trẻ cũng không nói nên lời vì buồn đau. Giọng ông Di nghèn nghẹn: “10 ngày rồi, nó không còn được đi học, không còn được chơi như những đứa trẻ khác”.

Vịn tay vào hàng rào, ông Di đứng thẫn thờ một lúc lâu rồi chỉ tay về phía sườn đồi, bảo: “Mộ của Súa nằm bên đó. Con “ma ngón” khiến nó không bao giờ còn được...”. Ông Di không nói được trọn câu, đã nghẹn ngào.

Theo thống kê của Công an huyện Điện Biên Đông, chưa tính đến những trường hợp chết vì ăn nhầm hay tự tử bằng lá ngón được cứu sống, cả huyện có 13 người tự tử chết bằng lá ngón trong năm 2010; năm 2011, tính đến hết tháng 8 có 21 người chết vì độc dược này. Thượng úy Vũ Văn Hưng, Đội Phó Đội Tham mưu Tổng hợp, Công an huyện Điện Biên Đông, cho biết có không ít vụ tự tử vì nguyên nhân “lãng xẹt”.

Thí dụ trường hợp chị em Vừ Thị Cá (sinh năm 1988), Vừ Thí Pà (sinh năm 1990) ở bản Mường Tỉnh B, xã Xa Dung (Điện Biên Đông). Hôm đó bố mẹ của Cá và Phà muốn các con cùng đi huyện Mường Nhé, nhưng 2 chị em nhất định đòi ở lại. Lời qua tiếng lại, Cá và Pà rủ nhau ra rừng hái lá ngón ăn để "giải quyết mâu thuẫn với bố mẹ".

Hay Sùng Thị Say (sinh năm 1996) ở bản Nà Nếnh, xã Pú Hồng. Thấy bạn bè cùng tuổi có điện thoại di động đã xin tiền bố mẹ để mua. Không được đáp ứng lại còn bị mắng, Say vào rừng hái lá ngón kết liễu đời mình. Còn các trường hợp Lầu Thị Dợ (sinh năm 1991) ở bản Dư O, xã Noo U, chỉ vì cãi nhau với chồng, đã ăn lá ngón tự tử.

Vợ chồng trẻ Mùa A Sinh và Vàng Thị Nua (xã Phì Nhừ) mới cưới và sinh được con trai đầu lòng. Khi con được 2 tuần tuổi, xã mở hội, Nua muốn đi, chồng can ngăn. Vì nghĩ chồng không còn yêu thương mình, Nua mang con vào rừng tìm lá ngón cho cả mẹ lẫn con.

Nỗi ám ảnh "ma ngón"

“Chỉ cần xung đột, mâu thuẫn nhỏ, thậm chí hiểu nhầm…, thanh - thiếu niên người dân tộc Mông ở đây sẵn sàng tìm đến lá ngón để giải quyết” - Thượng úy Vũ Văn Hưng tâm sự. Theo các thầy cô giáo ở Phì Nhừ (Điện Biên Đông - nơi có nhiều học sinh tự tử bằng lá ngón), điều khiến mọi người ngán ngại nhất là nhiều em học sinh bị ám ảnh bởi lá ngón, sử dụng độc dược này để tự vệ trước những lỗi lầm hay mâu thuẫn.

Nếu bị thầy cô giáo phạt vì những lỗi như đi học muộn, không thuộc bài, nói chuyện riêng trong lớp…, các em có thể tìm lá ngón để phản đối “án” phạt. Cô giáo Vàng Chồng Chu, giáo viên ở Phì Nhừ không giấu được nỗi xót xa khi kể về những trường hợp học sinh của mình chết một cách oan uổng: Các học sinh tiểu học là Ma Văn Nghiệp, Ma A Làn, Lý A Ngụ và Lý A Chung trộm lúa của bố mẹ mang đi đổi kẹo, sợ bị phát hiện, 4 em ra rừng cùng ăn lá ngón.

Trường hợp khác, bị cô giáo phạt không làm bài tập, cả 3 học sinh lớp 3 rủ nhau lên ăn lá ngón tự tử. “Chính vì phản ứng tiêu cực của các em nên có nhiều em học sinh vi phạm nội quy nhà trường, thay vì phạt, các thầy cô còn phải dỗ dành” - cô Trịnh Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Phì Nhừ lo ngại.

Theo chân trưởng bản Trung Sua (xã Keo Lôm) Mùa A So đi một vòng qua quả đồi gần bản, tôi không khó khăn để bắt gặp những bụi ngón mọc um tùm trong những lùm cây bóng mát, sum xuê cành lá. Nhiều bụi nở hoa rực rỡ đầy mê hoặc. Mùa A So bảo, trước đây chính quyền động viên dân bản gặp cây ngón đâu là diệt đến đó, nhưng làm không xuể.

Theo các nhà chuyên môn, tiêu diệt tận gốc cây lá ngón nhằm ngăn chặn nạn tự tử là điều không thể. Vấn đề chính ở đây thuộc về tập quán, văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông. Lá ngón đã ăn sâu vào đời sống của họ bao đời nay, do vậy phải “diệt” cái mầm trong tâm thức con người.

Là người có nhiều năm lăn lộn với “vương quốc độc dược”, nhà dân tộc học TS. Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trăn trở: “Lá ngón chỉ là phương tiện để tự tử, nếu không có nó nạn tử tự vẫn xảy ra bằng phương tiện khác khi người ta thực sự muốn kết liễu đời mình. Việc tự tử là vấn đề xã hội, cần phải nhìn nhận thấu đáo, trước tiên cần xem xét do đâu dẫn đến nạn tự tử tăng cao”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, cho rằng cần phải ngăn chặn nạn “ma ngón” bằng phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đi đôi với nâng cao nhận thức cho đồng bào Mông.

Là người thường tham gia cứu chữa các trường hợp ngộ độc lá ngón, bác sĩ Minh cho biết ông đang nghiên cứu đề tài về lá ngón và biên soạn bộ tài liệu “Nói không với lá ngón” để phổ biến cho các dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Các tin khác