Vui như chuyện cưới

Bây giờ, làng chẳng khác gì phố, đám cưới lại còn kềnh càng hơn. Có nhà ăn cưới rình rịch đến 3 ngày. Ngày dựng rạp: Mổ lợn, đón khách xa. Ngày thứ hai cưới chính thức. Ngày thứ ba: Dỡ rạp và dọn dẹp: Cũng lại mổ lợn. Nhà cô dâu cách nhà chú rể chỉ một đoạn ngắn mà cũng xe cộ đón rước rình rang.

Bây giờ, làng chẳng khác gì phố, đám cưới lại còn kềnh càng hơn. Có nhà ăn cưới rình rịch đến 3 ngày. Ngày dựng rạp: Mổ lợn, đón khách xa. Ngày thứ hai cưới chính thức. Ngày thứ ba: Dỡ rạp và dọn dẹp: Cũng lại mổ lợn. Nhà cô dâu cách nhà chú rể chỉ một đoạn ngắn mà cũng xe cộ đón rước rình rang.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh cũng đã ghi chép chân thực cảnh đón dâu theo kiểu một bác “phó nháy”. Đây là cưới “đúp hai”. Nói theo giọng các cụ là “rổ rá cạp lại”. Chú rể là một lão già, đã tung tảy khắp mọi nẻo đường tình rồi. Thế mà vẫn rất oách:

Lão bảo: Cưới “nhí” về làm thiếp

Tính lão không ưa chuyện lòng vòng

Thuê hẳn hai hàng bình bịch

Vừa đi vừa bắn pháo bông

Đúng là một trọc phú. “Bình bịch” là xe máy. Bà con thôn quê “phiên” theo tiếng nổ “bịch bịch” của nó mà đặt tên xe cho có phong vị cổ. Đón dâu bằng “bình bịch”, dù có pháo bông bắn yểm trợ như nghi lễ đón vua chúa hay nguyên thủ quốc gia thì cũng vẫn cứ nhếch nhác.

Ở một xóm nghèo Hà Tĩnh trong buổi đón dâu, người ta còn thấy xuất hiện hàng trăm xe khủng, xe đắt nhất có giá đến mấy chục tỷ đồng. Đó là đám cưới con một đại gia nhà quê. Đối trọng lại, là một dàn xe trâu kềnh càng, cót két rước dâu ở một đám cưới ngoại ô thành phố.

Nhạc cưới giật đùng đùng. Sân rạp rùng rùng như động đất. Mấy em chăn lợn nhóng nhánh trong những chiếc váy mỏng tang, ngắn cũn cỡn như váy búp bê. Ông bạn tôi ngán ngẩm: “Có phải ai cũng mặc váy được đâu. Muốn diện váy phải có cặp giò óng nuột, trắng nõn. Đằng này… chân với chả cẳng, đen thủi đen thui.

Đã vậy lại còn khùng khoèo như gộc tre, gộc sắn. Đến thế mà vẫn động cỡn. Khiếp! Trông mà vãi linh hồn. Nhiều lúc, tớ chỉ ước thành Chủ tịch tỉnh, hay một ông nào đó thật to cấp Trung ương. Để làm gì, cậu biết không? Để ký một sắc lệnh khủng. Cấm tuyệt đối những em chân cẳng khùng khoèo, những mụ chân voi không được mặc váy”.

Cũng may, ông bạn tôi chỉ là một gã nhà văn ất ơ, nên các em ô mai, các mợ sồn sồn vẫn tỏa hương ngào ngạt. Đám cưới quả là một thiên đường. Không có chốn bồng lai tiên cảnh ấy, chị em còn biết kiếm ở đâu ra những “sân khấu” sôi động để… biểu diễn thời trang.

Vui thì có vui, nhưng quả cũng mệt. Bởi thế, tôi ủng hộ gợi ý cưới giản dị. Cỗ cưới chỉ nên tổ chức 50 mâm. Không ít ban đọc băn khoăn: Sao Thành ủy lại sờ đến từng mâm cỗ cưới của dân? Có cần can thiệp sâu đến thế không? Cưới xin thế nào là việc riêng của mỗi gia đình. Tùy theo sở thích của từng khổ chủ.

“Cứ tự sinh tự diệt là tốt nhất”. Thì sự sống vẫn “tự sinh tự diệt” đấy chứ.Dự thảo chỉ thị ấy chỉ nhằm “hạn chế cán bộ, lãnh đạo các cấp của Hà Nội tổ chức lễ cưới cồng kềnh cho con cháu ở những nơi quá sang trọng, gây tốn kém, lãng phí, không phù hợp với thu nhập chung của cán bộ, công chức”. Đây chỉ là gợi ý. Dân tự lựa chọn. Bởi thế, “việc thực hiện các nội dung trên cũng không cần phải lập ban giám sát”.

Đã có lần, tôi định tổ chức đám cưới riêng theo kiểu của tôi. Chủ yếu là báo hỷ. Chỉ mời 30 bạn thân nhất của cả 2 vợ chồng, xuống một con thuyền, dạo 3 vòng trên Hồ Tây. Tiền thuê thuyền hồi đó là 3 triệu đồng. Tiền bia với đồ ăn cho cả 30 người cũng chỉ 15 triệu đồng.

Gọn nhẹ mà vẫn vui. Người đến dự không mang theo quà tặng và phong bì. Chỉ mới dự kiến thế mà bạn bè tôi đã phản đối rầm rầm. “Cậu đừng có mà rửng mỡ. Dở hơi! Muốn chơi trội à?”. Thi sĩ Nguyễn Đình Chiến còn làm cả một bài thơ dài độc vận diễu cợt tôi:

Đám cưới trên sông. Chà! Tuyệt nhỉ

Xem trò rối nước cũng không hơn

Mấy ông bạn thân của tôi bảo: “Cậu đừng dại dột thế. Không phải cứ muốn làm gì thì làm. Bây giờ cậu không còn là cậu nữa đâu. Còn nhà gái nữa chứ. Họ có thích thế không? Đời người chỉ một lần. Con gái người ta như thế, có phải giẻ rách đâu mà quấy quá cưới chui cưới lủi”. “Cậu là thằng thi sĩ ất ơ chứ có phải quan chức quái gì đâu mà phải giữ kẽ để còn leo lên nữa? Thi sĩ thì leo lên đâu? Hay cậu muốn làm một quả giả vờ liêm khiết để thăng quan đấy?”.

Ối giời đất ơi! Khiếp quá. Đến thế thì không còn là chuyện cưới xin nữa rồi. Tôi xây xẩm mặt mày. Không ngờ một việc cỏn con lại thành chuyện nghiêm trọng đến thế.

Nhà văn Chu Lai bảo: “Tớ dự cưới con thằng bạn đại gia. Thiếp cưới có một dòng ghi chú đề rõ: Xin vui lòng không mang phong bì. Một đám cưới lạ. Nhưng khách khứa lại nhìn nhau bẽ bàng. Bởi ăn xong, ai cũng đứng dậy quẹt mỏ. Mình cứ thấy có cái gì khuất tất”. “Thôi! Hãy cứ làm một người bình dân để lẫn vào đám đông”.

Ảnh minh họa. 

Ảnh minh họa. 

Nhiều bạn khuyên tôi thế. Và để “lẫn vào đám đông”, tôi cũng tổ chức cưới như tất cả mọi người. Cuộc “cải cách” hoàn toàn thất bại. Bạn bè tôi cũng thế. Họ cũng muốn “phá cách” trong cưới xin lắm mà rồi cũng có làm nổi đâu.

Tôi nhận được “cú phôn” của anh bạn mời dự cưới con. “Cậu ở đâu để mình trực tiếp mang thiếp mời đến?”. “Bác báo thế là tuyệt vời rồi. Người ta sinh ra điện thoại để giải phóng đôi chân. Có điện thoại rồi, sao phải khổ thế. Chỉ xin gần đến ngày cưới, bác làm ơn “nháy” lại một lần nữa nhá, kẻo rồi nhiều việc, tôi quên, không được mừng cháu”.

Đúng ngày, giờ, tôi đến Khách sạn Công Đoàn. Mới hay đó là một quần thể khách sạn. Có bốn đám cưới cùng tổ chức. Đám nào cũng uỳnh uỳnh giậm dật cả. “Có phải đám cưới con ông ấy… ông ấy không?”. “Đúng rồi! Đúng rồi đấy”. Tôi chỉ biết bố mẹ mà không biết tên cô dâu chú rể.

Những người sốt sắng “soi đường chỉ dẫn” cho tôi lại chỉ quen biết chú rể cô dâu, mà không biết đấng sinh thành. Tôi nhét phong bì vào hộp quà mừng rồi chỗm chệ ngồi vào bàn tiệc. Đến khi cô dâu chú rể xuất hiện dưới làn pháo hoa giấy mù mịt cùng với cha mẹ hai bên, tôi mới ngỡ ngàng vì không phải những gương mặt mình thân quen. Nhầm rồi! Tôi lặng lẽ rời bàn tiệc, rồi loay hoay một lúc sau, tôi mới tìm được đúng địa chỉ “của mình”. Chỉ khổ nỗi trong túi chẳng còn một cái phong bì nào.

Ở nơi cưới, người ta cũng không có sẵn phong bì bán. Thế là lại phải lộn ra phố. “Sắm” lại được món quà tặng thì tiệc cũng đã tàn.

Một lần khác, ông bạn thân của tôi cưới cô cháu gái xinh đẹp. Hôm ấy đám cưới lại trùng với đám tang con anh bạn bị tai nạn giao thông. Tiệc cưới bắt đầu lúc 11 giờ, còn đám tang viếng lúc 13 giờ. Tôi đã chuẩn bị cẩn thận 2 chiếc phong bì rồi cũng lại cẩn thận để ở 2 túi quần khác nhau. Vẫn cứ đinh ninh “túi vui bên phải, túi buồn bên trái”. Đầu óc cũng đâu đến nỗi mụ mị. Vui chuyện một hồi bên bàn tiệc rồi, tôi chợt linh cảm thấy có gì không ổn. Kiểm tra chiếc phong bì còn lại trong túi, tôi chợt tá hỏa khi nhìn thấy dòng chữ của chính mình: “Chúc mừng hạnh phúc hai cháu”. Và như thế, chiếc phong bì: “Một nén tâm nhang thương tiếc cháu. Xin chia sẻ cùng gia đình nỗi đau thương không gì bù được này. Xót quá!” đã nằm trong hộp “Chúc mừng” rồi. Một sự nhầm lẫn như ma ám.

Giữa mùa đông lạnh mà mồ hôi vã đầm đìa. Tôi hoảng hồn tìm anh bạn: “Chết thật, mình bỏ nhầm phong bì. Đây mới là quà mừng cháu”. “Ối trời, ông đến với gia đình tôi là rất mừng rồi. Không cần thêm gì cả. Giờ ông lại có quà cho cháu. Ông cho cháu bao nhiêu cũng rất đẹp. Không cần phải đổi lại làm gì”.

Có lẽ ông bạn tôi nghĩ rằng, vì thân quen đặc biệt giữa tôi với bạn, nên phong bì “nặng” hơn một chút. Và vật chất, đối với bạn đâu có quan trọng gì. Nhưng nỗi đời lại không phải đơn giản như thế. Tôi cũng không thể nói được với anh bạn chiếc phong bì bị bỏ nhầm ấy là phong bì gì.

Nếu “Một nén tâm hương thương tiếc cụ…” thì có thể cho qua, rồi cho tiếp cái phong bì “chuẩn” vào, nói bạn và gia đình đôi bên thông cảm thì có thể còn “chấp nhận” được. Đằng này “Một nén tâm hương thương tiếc cháu…” thì xúi quá, “tàn bạo” quá, không thể bao biện được. Bắt buộc phải đổi lại. Phải hủy bằng được cái phong bì đó. Và tôi phải trực tiếp làm, chứ cũng không thể để cho người nhà cháu làm được.

Mọi người ngạc nhiên và không ít người đã nhếch mép cười khi thấy một gã nhà quê là tôi lọ mọ lục lọi trong cả một đống phong bì. Cũng đã từng có những gã dở hơi, đi vào nhầm đám cưới nhà người ta, rồi cứ nằng nặc đòi khổ chủ phải trả đúng cái phong bì mình đã bỏ nhầm. Trong con mắt nhiều người dự tiệc cưới hôm ấy, có lẽ tôi cũng là một lão già dị mọ và bẩn thỉu như thế. Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn xấu hổ, chỉ muốn kiếm một cái lỗ để…chui.

Các tin khác