Vực dậy ngành chè

(ĐTTCO) - Nằm ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được thiên nhiên ban tặng cho giống chè Shan tuyết quý hiếm, với hương vị thơm ngon đặc biệt. Cây chè Shan tuyết Suối Giàng được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý.

(ĐTTCO) - Nằm ở độ cao trên 1.300m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được thiên nhiên ban tặng cho giống chè Shan tuyết quý hiếm, với hương vị thơm ngon đặc biệt. Cây chè Shan tuyết Suối Giàng được các nhà khoa học đánh giá là một trong những thủy tổ của cây chè, mang nhiều nguồn gen quý.

Bảo tồn, phát huy giống chè quý

Đặc điểm của chè tuyết Suối Giàng là lá to, dày và có màu xanh đậm, sẫm, búp chè to mập. Mặt lá có phủ một lớp lông tơ mỏng, giống như có tuyết phủ lên, nên được gọi là chè Shan tuyết. Cây chè càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá càng xanh ngắt một vẻ đẹp tự nhiên. Do vị trí địa lý của khu vực quanh năm mây mù bao phủ, thời tiết se lạnh hơi sương, nên cây chè Shan tuyết ở đây ít khi bị sâu bệnh. Lá cây hình dáng đẹp và búp chè rất khỏe mạnh, khi pha trà thường cho ra nước sánh vàng như màu mật ong, uống vào dư vị chát, ngọt tự nhiên hòa quyện trong từng chén trà.

 Trải qua hàng trăm năm, giá trị của vùng chè Suối Giàng là không thể phủ nhận, nhưng sự sinh trưởng, phát triển hoàn toàn tự nhiên của cây chè tạo điều kiện cho các tác nhân gây hại, tác động mạnh, làm giảm tuổi thọ, đe dọa đến sự sinh tồn của nhiều vườn chè cổ thụ. Đứng trước nguy cơ phá hoại của mối, mọt... huyện Văn Chấn đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh Yên Bái và các nhà khoa học rà soát, nghiên cứu chống mối, mọt, đánh dấu những cây đầu dòng để bảo tồn nguồn gen quý. Huyện Văn Chấn đã hoàn thành quy hoạch các diện tích chè cổ thụ, gắn với quy hoạch khu du lịch sinh thái Suối Giàng, đồng thời hướng dẫn Nhân dân trồng mới và chăm sóc các diện tích chè hiện có.

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, cho biết: "Sau nhiều năm nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị cây chè Shan tuyết Suối Giàng, năm 2016, quần thể 400 gốc chè cổ thụ trên 100 năm tuổi của xã Suối Giàng đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên-Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Những cây chè cổ thụ này được các nhà khoa học xác định là thủy tổ của cây chè trên thế giới. Sự kiện này một lần nữa vinh danh và khẳng định giá trị vị thế của cây chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng với bạn bè trong và ngoài nước.

Đây là tiền đề, động lực để huyện Văn Chấn và Nhân dân Suối Giàng phát triển, nâng cao hơn nữa giá trị của vùng chè Shan tuyết. Việc lựa chọn và vinh danh những cây chè cổ thụ không chỉ nhằm trực tiếp bảo vệ nguồn gen tiêu biểu, quý hiếm của cây chè Shan tuyết ở nước ta mà còn giới thiệu sự phong phú, đa dạng của hệ thực vật Việt Nam”. Ông Sổng A Nủ, Chủ tịch UBND xã Suối Giàng, cho biết việc công nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè Shan tuyết và công nhận quần thể chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng là cây di sản Việt Nam đã cổ vũ động viên Nhân dân tích cực chăm sóc, bảo vệ và phát huy hơn nữa giá trị của cây chè và sản phẩm chè Suối Giàng. Đồng thời quảng bá du lịch sinh thái ở Suối Giàng.

Hiện tại, huyện Văn Chấn đang chỉ đạo các ngành chức năng và các đơn vị được sử dụng nhãn hiệu sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng xúc tiến thực hiện đăng ký mã số mã vạch trên bao bì sản phẩm để hoàn tất việc xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng. Ngoài ra, huyện đang triển khai Đề án Bảo vệ và phát triển vùng chè Shan tuyết Suối Giàng giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu bảo tồn và khai thác có hiệu quả các diện tích chè hiện có và phấn đấu đến năm 2020, trồng mới 600ha chè Shan tuyết Suối Giàng tại 6 xã vùng cao của huyện. 

Người dân thu hoạch chè Shan tuyết.
Người dân thu hoạch chè Shan tuyết.

Vùng chè sạch VietGap

Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ, tiền thân là 1 trong 3 nông trường lớn ở huyện Văn Chấn. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, thực hiện chính sách giao đất giao rừng của Đảng, Nhà nước, hàng trăm gia đình ở các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa… đã lên khai hoang, trồng màu, trồng rừng phát triển kinh tế. Chính quyền Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ đã có chủ trương mở rộng diện tích chè.

Từ chủ trương này Nhân dân đã tích cực khai hoang, vỡ đất trồng chè, trên 400ha chè trung du được trồng, cây chè đã bám trụ và tạo công ăn việc làm cho trên 60% hộ gia đình tại địa phương. Cùng với thời gian các diện tích chè đã già cỗi không đảm bảo năng suất chất lượng, cũng như giá trị thu nhập để đảm bảo đời sống của người làm chè. Nhận thức được những tiềm năng thế mạnh và hạn chế trong phát triển cây chè, năm 2010, Đảng bộ thị trấn đã ra nghị quyết về phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu.

Kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước cùng kinh nghiệm, sự cần cù chịu khó của Nhân dân, mỗi năm thị trấn đã cải tạo và trồng mới được 70-100ha. Đến nay thị trấn Nghĩa Lộ có trên 500ha chè kinh doanh, trong đó trên 80% diện tích được trồng bằng các giống chè lai chất lượng cao. Giống tốt đã đưa năng suất chè bình quân của người dân đạt trên 13 tấn/ha/năm, tổng sản lượng chè năm 2016 đạt trên 7.000 tấn chiếm 16% tổng sản lượng chè búp tươi của toàn huyện. Cây chè đã góp phần đưa mức thu nhập bình quân đầu người lên mức 22 triệu đồng/người/năm.

Ông Hồ Đức Hợp, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, cho biết: “Thị trấn nông trường Nghĩa Lộ là 1 trong 6 địa phương ở huyện Văn Chấn được dự án Quseap tỉnh Yên Bái đầu tư xây dựng vùng chè sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Cùng với việc đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông nội đồng, dự án còn tập huấn nâng cao năng lực và hướng dẫn các quy trình sản xuất chè sạch. Đây là cơ sở để người dân thị trấn nói riêng và người làm chè ở Văn Chấn nói chung tiếp tục thay đổi tư duy sản suất, tạo ra các sản phẩm chè sạch và có hàm lượng tri thức để nâng cao chất lượng, giá trị tiến tới xây dựng thương hiệu chè”.

Với quyết tâm vực dậy vùng chè, ngành chè tỉnh Yên Bái cũng đề ra những giải pháp cụ thể như ổn định diện tích chè hiện có, tích cực đầu tư thâm canh và cải tạo giống chè có chất lượng cao, đáp ứng cho chế biến. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 60 cơ sở, nhóm hộ được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGap trên chè búp tươi. Việc áp dụng thành công nhiều mô hình sản xuất công nghệ cao đã khiến Yên Bái được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn.

Các công ty đã bắt đầu chuyển hướng sang đầu tư nông nghiệp do nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng tăng cao. Chè Yên Bái đã nổi tiếng trong và ngoài nước, nhất là sản phẩm chè đen, chè CTC, chè xanh và đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nga, và các nước châu Âu. Một số tập đoàn lớn cũng bắt đầu đầu tư vào Yên Bái nhằm triển khai những vùng sản xuất chè theo hướng công nghệ cao.

“Đối với những khó khăn, kiến nghị của các doanh nghiệp chè, lãnh đạo tỉnh Yên Bái giao cho ngành Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Tài chính nghiên cứu xây dựng giải pháp giúp doanh nghiệp. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất chú ý đến khâu vệ sinh công nghiệp, thu mua chè đúng phẩm cấp... Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Yên Bái tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung nâng cao năng suất, chất lượng chè nguyên liệu theo hướng tiêu chuẩn VietGap để xây dựng chè Yên Bái có chỉ dẫn địa lý về thương hiệu chè Tây Bắc” - ông Hồ Đức Hợp phấn khởi chia sẻ.

Các tin khác