VTV4 tác nghiệp tại Trường Yale

Tối hôm ấy, tôi nhận được email anh Văn Phú Quang, TS. triết học dạy tiếng Việt và văn hóa Đông Nam Á ở Trường Yale, bang Connecticut, Hoa Kỳ. Anh Quang là hạt nhân cho các hoạt động của cộng đồng Việt ở trường đại học này. Bức thư đề “Khẩn”.

Tối hôm ấy, tôi nhận được email anh Văn Phú Quang, TS. triết học dạy tiếng Việt và văn hóa Đông Nam Á ở Trường Yale, bang Connecticut, Hoa Kỳ. Anh Quang là hạt nhân cho các hoạt động của cộng đồng Việt ở trường đại học này. Bức thư đề “Khẩn”.

Thưa quý anh chị em thân mến:

Về chương trình ngày mai, đoàn thu hình của VTV4 sẽ đến Yale để thu hình thay vì thứ bảy. Mục đích của chuyến đi này để làm một số tập phóng sự giới thiệu về sinh hoạt của các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Lần này ở Yale, đoàn sẽ làm một phóng sự giới thiệu với đồng bào ở trong nước về cộng đồng người Việt ở Đại học Yale, bao gồm các giáo sư, sinh viên, thành viên trong cộng đồng, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Việt Nam học...

Bức thư gửi đến từng người và có nhắc từng việc nhờ mọi người cùng giúp. Tôi đã được anh Quang mời tới nói chuyện thơ ở khoa của anh, thấy anh rất chu đáo cho từng chi tiết công việc. Lần này, để giúp Đài Truyền hình Việt Nam từ Hà Nội sang làm việc có hiệu quả, anh đã tập hợp một số nhân vật người Việt tiêu biểu, có cả những bác cao niên, người nước ngoài có mối liên quan với văn hóa, lịch sử Việt Nam.

Tôi từ Hà Nội sang cũng được anh mời tới, vừa làm khách vừa làm chủ, được tham dự hoạt động của cộng đồng người Việt tại Trường Yale với truyền thông trong nước, vừa gặp lại các bạn làm truyền hình từng quen thuộc với công việc của mình.

Một góc Trường Đại học Yale. 

Một góc Trường Đại học Yale. 

 Nhưng, như lịch đã định từ trước, anh Văn Phú Quang buổi sáng vẫn phải đứng lớp 2 tiết dạy tiếng Việt cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai. Tôi được mời dự giờ và trò chuyện với sinh viên. Xong việc ở lớp đã buổi trưa. Các bạn truyền hình cũng vừa hoàn thành 2 cuộc phỏng vấn với ông quản lý thư viện sách Đông Nam Á - Richard P. Richie và GS. dân tộc học Erick L. Hams.

Ông Richard hôm trước đã trò chuyện với tôi về mảng sách Hán Nôm thư viện trường tiếp nhận từ gia đình GS. người Pháp Maurice Durand. Ông M. Durand vốn là Giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ ở Việt Nam trước năm 1954. Còn Erick, một giáo sư Hoa Kỳ nói tiếng Việt, giọng Hà Nội, rất lưu loát. Erick đã xuất bản ở Hoa Kỳ cuốn “Vùng ven TPHCM” bằng tiếng Anh, khảo sát đời sống dân cư ngoại vi thành phố sau 2 năm điều tra thực địa đề tài này. Anh là PGS. Khoa dân tộc học, tham gia dạy tiếng Việt với Văn Phú Quang.

Sang đây nửa tháng trước, đoàn VTV4 có 3 thành viên, do chị Nguyễn Phương Liên, biên tập viên, làm trưởng đoàn; anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Đỗ Quang Anh, quay phim và phiên dịch. Các bạn đi từ bờ Tây sang bờ Đông Hoa Kỳ, đã làm ở bang California, với các cộng đồng người Việt tại San Francisco, San Jose, Orange County (quận Cam). Lường trước những gay go vì sự phá đám của một số ít kẻ cực đoan, nhưng mọi sự đã diễn ra tốt đẹp. Báo Viet Weekly có viết bài giới thiệu. Đoàn ít người, thao tác gọn nhẹ, chủ đề các phóng sự là tình tự dân tộc, tình cảm đồng bào. Tới đâu cũng được sự cộng tác của bà con, nhưng chính vì vậy phải rất khẩn trương để gặp được nhiều người, ghi nhiều cảnh, hỏi nhiều chuyện.

Trong bữa ăn trưa ở nhà ăn Beckeley, một nhà ăn sinh viên từng được nhật báo Phố Wall bình chọn có món ăn ngon nhất các ký túc xá đại học (chắc bình theo khẩu vị Hoa Kỳ, tôi ăn mấy lần mà chưa nhận ra điều đó), đoàn làm phim đã gặp khá đông những gương mặt sinh viên, nghiên cứu sinh... đang theo học. Hôm ấy là thứ sáu, ngày có bàn ăn Việt Nam (Vietnamese table) tại đây. Anh Văn Phú Quang cho biết Trường Yale có nhiều hình thức khuyến khích học ngoại ngữ. Một trong các hình thức ấy là cấp tiền cho các khoa dạy tiếng các nước (Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn, Việt Nam...) tổ chức hàng tuần một bữa cùng ăn cho các bạn học tiếng và sinh viên chính nước đó để thực hành giao tiếp. Hôm nay thực hành xoay quanh chuyện làm việc với VTV4. Tiếc là thời gian buổi trưa quá ngắn, kịch bản quay không được bàn nháp trước. Tuy nhiên có cái hay của sự tự nhiên.

Quay phim trong Trường Yale, chắc trong các trường đại học khác cũng thế, phải tuân thủ nội quy khá nghiêm ngặt: không được quay trong lớp đang học, hay trong các phòng đọc sách quý của thư viện... Cho nên vừa để tạo được không gian học đường cho phim vừa tránh phạm quy, cán bộ của trường, của thư viện phải bỏ công sắp xếp, bố trí. Anh Văn Phú Quang cho biết khi quay ngoại cảnh ở đây các hãng truyền thông phải mua bảo hiểm người, bảo hiểm máy móc... phòng khi bị tai nạn, máy móc bị hư hỏng, mất mát còn được bồi hoàn. Nhiều thứ bảo hiểm lắm, giúp người hành nghề yên tâm làm việc. Nhưng tiền bảo hiểm khá cao, hàng triệu USD mỗi thứ. Chỉ các hãng lớn, hoạt động thường xuyên mới mua nổi. Đoàn VTV4 nhà ta chỉ quay như một thao tác khách du lịch, cần làm gọn, thoáng và an toàn.

Buổi chiều, khi phỏng vấn một nhóm nhà toán học trẻ người Việt đang làm postdoc (hậu tiến sĩ) với GS. người Việt - Vũ Hà Văn, đoàn làm phim VTV4 đã mời được các anh Nguyễn Hội, Đỗ Yên và chị Đặng Kim. Đoàn tận dụng ghi hình ở phòng làm việc của GS. Vũ Hà Văn, khi ông đang dự một hội thảo ở chỗ khác.

Các bạn VTV4 hẹn với GS. Vũ Hà Văn cuộc làm việc ngày mai tại nhà riêng trong thành phố Wood Bridg, cách Trường Yale khoảng nửa giờ lái xe. Gia đình GS. Vũ Hà Văn, mà tôi là một thành viên (tác giả Vũ Quần Phương là cha của GS. Vũ Hà Văn), rất cảm động được có với các bạn nửa ngày thứ bảy trong không khí ấm áp. Mọi người hào hứng chuẩn bị đón khách thì hơn 7 giờ tối, anh Đức Hoàng, từ Hartford, gọi tới báo khoảng 1 giờ nữa đoàn mới tới, xin làm việc luôn để về lại Washington ngay trong đêm. Đức Hoàng thường trú ở đây đã hơn 3 năm, vợ và 2 con nhỏ theo sang và ở Wasghington. Nhóm thường trú của Đức Hoàng bên này có 3 người bạn nữa, vừa biên tập vừa quay phim, được cơ quan cấp một xe tự lái.

Đêm hôm ấy, khi cả nhà Vũ Hà Văn tiễn các bạn ra xe, trời đã sắp nửa đêm, cả cánh rừng yên tĩnh vào khuya, tuy không có tuyết, nhưng khá lạnh. Từ đây về thủ đô Washington mất 6 giờ lái xe. Đi hết đêm. Chủ nhà năn nỉ các bạn ở lại, mai về sớm nhưng khách đã tính việc trưa mai, đã hẹn trước rồi. Tôi nhìn vào xe thấy ngổn ngang máy móc quanh ghế ngồi của 4 anh em, mà hình dung dặm đường của những người làm báo VTV4 tham công tiếc việc. Gặp gỡ chớp nhoáng nhưng lúc chia tay lại có nỗi bịn rịn rất gia đình.

Các tin khác