Vất vả nghề chăm bệnh thuê

(ĐTTCO) - Không phải ruột thịt, nhưng mối quan hệ giữa người làm nghề chăm bệnh thuê với người bệnh không chỉ là trách nhiệm mà còn có cả tình người. Đây là một nghề khá vất vả, đòi hỏi phải biết ân cần, chịu khó và có tấm lòng. 

Xem người bệnh như người thân

Bà Phạm Thị Oanh (quê Cần Thơ) đang chăm bệnh nhân là một bà cụ bị tai biến, nằm điều trị ở Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115. Gần như bà Oanh phải thường xuyên túc trực bên giường bệnh suốt ngày đêm. Mỗi khi bà cụ khó chịu, vùng vẫy, la hét, bà Oanh lại nhẹ nhàng dỗ dành, vỗ về để bà cụ an tâm nằm yên lại và tránh làm phiền những bệnh nhân bên cạnh.

Hàng ngày, bà làm vệ sinh, lau rửa, thay tã, đút ăn, canh giờ uống thuốc cho bà cụ, khi có gì bất thường thì báo bác sĩ và người nhà hay ngay. Thấy bà Oanh chịu khó, ăn nói nhỏ nhẹ, hết mực ân cần, kiên nhẫn, ai cũng nghĩ bà là con gái của bà cụ.

Vất vả nghề chăm bệnh thuê ảnh 1Nghề chăm bệnh nhân khá vất vả, đòi hỏi phải biết ân cần, chịu khó, và có tấm lòng

Cũng làm nghề chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Nhân dân 115, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (quê An Giang) đã có hơn 15 năm tuổi nghề, hiện đang chăm một bệnh nhân bị gãy chân.

Bà Phượng kể: “Quá trình làm nghề chăm bệnh nhân, tôi may mắn được các bác sĩ, điều dưỡng quý mến, hướng dẫn cách chăm sóc đúng, rồi dần dần tôi có nhiều kinh nghiệm thực tế, các thao tác chăm sóc bệnh nhân trở nên thuần thục, chuyên nghiệp hơn. Nhờ vậy, tôi được nhiều người bệnh tin tưởng, giới thiệu khi có ai cần người chăm bệnh thuê. Hiện tôi đang làm việc cho Công ty Dịch vụ chăm sóc điều dưỡng Tâm Đức (có văn phòng tại Bệnh viện Nhân dân 115)”.

Bà Mai (quê Đồng Tháp) đang chăm một bệnh nhân mổ cấp cứu (gãy chân) ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, cũng có gần 20 năm thâm niên trong nghề chăm bệnh nhân. Hiện bà nhận chăm bệnh theo yêu cầu, chứ không hẳn tại một bệnh viện nào.

Bà Mai chia sẻ: “Tôi đến với nghề này như một cái duyên. Lúc còn trẻ, buồn chuyện gia đình, tôi lên Sài Gòn, định bán vé số hay kiếm quán cơm làm thuê, nhưng rồi gặp người cần tìm người chăm bệnh cho một bệnh nhân đang phải ăn bằng đường ống, điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi chăm chú quan sát, nghe hướng dẫn để làm theo, rồi cũng làm được. Thấy tôi xông xáo, nhiệt tình, luôn xem người bệnh như người nhà, tận tụy, không nề hà việc gì, không ngại khó, ngại bẩn, nên ai cũng mến. Vậy là tôi gắn bó với nghề chăm bệnh nhân".

"Tôi cảm thấy vui khi giúp bệnh nhân hết bệnh. Tôi tâm niệm, người làm nghề chăm bệnh nhân phải có tâm, có trách nhiệm, phải hiểu tâm lý bệnh nhân. Ví dụ như bệnh nhân mới phẫu thuật ra thường hay bứt rứt, vật vã bởi những cơn đau do tan thuốc mê hoặc tê, dễ nổi nóng, cấu xé, la hét, do vậy mình phải nghĩ như mình đang chăm cha mẹ hay em bé, phải ngọt ngào dỗ dành, phải luôn sạch sẽ, kiên nhẫn và có khiếu hài hước để người bệnh quên đi cơn đau, hợp tác chữa bệnh”, bà Mai bộc bạch thêm.

Một nghề vất vả, nhiều rủi ro  

Công việc chăm bệnh nhân có thể đem lại thu nhập cao hơn so với giúp việc nhà. Tuy nhiên, đây là công việc vất vả, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro vì phải tiếp xúc trực tiếp với nhiều loại bệnh, nhất là những bệnh truyền nhiễm.

Khi được hỏi, làm công việc này có dễ không, bà Mai cười: “Bây giờ thì thấy bình thường, vì tôi quen việc rồi. Chứ ai mới bắt đầu vào nghề cũng thấy khó. Việc gì cũng có cái khó cái dễ, cái may cái rủi. Công việc chăm bệnh tưởng đơn giản, nhưng thực sự rất cực. Gặp những bệnh nhân khó tính hay quát mắng, cũng phải ráng nhẫn nhịn. Nếu gặp bệnh nhân khó ngủ, cũng phải thức theo để trò chuyện với họ. Mình không biết về bệnh thì khả năng hỗ trợ sẽ không cao. Có những khi tiếp xúc với bệnh nhân bị các bệnh truyền nhiễm, biết rằng có thể rủi ro nhiễm bệnh, nhưng mình không làm thì ai làm. Thương nhất là những bệnh nhân không có người thân, nghèo, mình lấy ít tiền hơn, chỉ mong họ mau khỏe, coi như mình làm từ thiện”.

Còn bà Oanh chia sẻ: “Tôi không tính làm công việc này lâu dài, nhưng càng làm càng thấy hợp, kiếm sống được, nên làm luôn. Chỉ mong mình mạnh khỏe để có thể làm, phụ gia đình ở quê trang trải cuộc sống hàng ngày. Yêu thương, tận tụy chăm sóc những người không phải ruột thịt với mình là điều không phải ai cũng làm được”. Bà Huệ (quê ở An Giang) có hơn 20 năm làm nghề chăm sóc bệnh nhân, tâm sự: “Đối với tôi, thời gian ở các bệnh viện trong TPHCM còn nhiều hơn ở nhà mình. Làm cái nghề này phải có lòng với người bệnh và chịu khó mới trụ lại được”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Bình (ở phường 13 quận Tân Bình) có mẹ đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nói: “Cuộc sống hàng ngày tất bật với bao lo toan, khi nhà có người bệnh, nhất là bệnh nặng lâu dài, thì việc phân công người vào bệnh viện chăm bệnh nhân là vấn đề không đơn giản. Những lúc ấy, thuê được người chăm bệnh là may mắn, hạnh phúc lớn lao. Tôi thấy rất nhiều người có nhu cầu này, nhất là những gia đình có thân nhân bệnh nặng phải điều trị dài ngày”.

Các tin khác