Vất vả mưu sinh trị bệnh

(ĐTTCO) - Lúc mới bị bệnh còn khỏe họ chạy xe ôm, rồi ngược xuôi buôn bán. Nhưng khi yếu hơn họ về xóm đan hạt ghế ô tô, làm vàng mã. Rồi những lúc chỉ có thể ngồi, nằm trên giường họ vẫn gấp giấy màu để kiếm từng đồng bạc lẻ, mong bám trụ lại Hà Nội, chung thân với bệnh viện để điều trị. Xóm ngụ cư nghèo với những bệnh nhân chạy thận đau khổ ấy luôn khát khao sống bằng chính đôi bàn tay và lòng tự trọng cao quý của mình.

(ĐTTCO) - Lúc mới bị bệnh còn khỏe họ chạy xe ôm, rồi ngược xuôi buôn bán. Nhưng khi yếu hơn họ về xóm đan hạt ghế ô tô, làm vàng mã. Rồi những lúc chỉ có thể ngồi, nằm trên giường họ vẫn gấp giấy màu để kiếm từng đồng bạc lẻ, mong bám trụ lại Hà Nội, chung thân với bệnh viện để điều trị. Xóm ngụ cư nghèo với những bệnh nhân chạy thận đau khổ ấy luôn khát khao sống bằng chính đôi bàn tay và lòng tự trọng cao quý của mình.

Nghề gì cũng làm

Ở Hà Nội xóm trọ, xóm ngụ cư nhiều như nấm sau mưa. Nhưng ở trong số vô vàn ấy, khu ngụ cư của người chạy thận (xóm chạy thận) đặc biệt nhất, mang những niềm đau nhất, bên cạnh sự nghèo khó tồi tàn. Nằm trong con ngõ nhỏ chỉ vừa đủ chiếc xe máy lách qua, khu nhà của bệnh nhân chạy thận ở xóm 7, xã Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội khó tìm và xập xệ hơn nhiều so với chúng tôi tưởng tượng. Tuy có đến hơn 10 căn phòng cấp bốn san sát nhau, nhưng không khí của xóm rất ảm đạm, nặng nề.

Chúng tôi loay hoay dựng xe và tìm người hỏi han. Bỗng một căn phòng hé cửa, người đàn ông ngoại ngũ tuần ho thốc ho tháo bước ra. “Hôm nay xóm trọ có một nửa bệnh nhân vào bệnh viện chạy thận rồi. Những người còn lại ở xóm do rét chui hết trong nhà đắp chăn. Các cậu tìm ai vậy?” - ông giải thích cho thắc mắc ban đầu về không gian yên tĩnh của chúng tôi.

Khi có tiếng người lạ, một số phòng bắt đầu mở cửa, lặng lẽ đưa ánh mắt buồn bã nhìn ra bên ngoài. Trong một căn trọ lụp sụp, mái nhà chỉ cao quá đầu người, một đôi vợ chồng già đang lúi húi gập những mảnh giấy màu. Bà lão là Lê Thị Thanh, năm nay 69 tuổi, đã 6 năm chạy thận ở xóm này. Ngồi bên cạnh ông Trần Mạnh Quý, 74 tuổi, cũng chung thân đi chăm vợ ở xóm.
Bà Thanh đắp chăn nửa người, trong tư thế vừa nằm vừa ngồi, lặng lẽ gập từng mảnh giấy nhỏ thành một hình mẫu, tâm sự: “Anh trưởng xóm mới kiếm được nghề này cho chúng tôi làm đấy. Gập giấy màu này rồi xếp lại thành từng xâu tuy không mất sức, nhưng tỉ mỉ mất nhiều thời gian lắm, đau lưng vô cùng. Nhưng các cụ ta đã bảo bới rẻ còn hơn ngồi không. Kiếm được đồng nào thêm vào chữa bệnh, đỡ con cháu cũng tốt lắm rồi”.

Bà Thanh quê ở Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Ông bà có 5 đứa con đều đã trưởng thành. Nhưng bà phải chung thân lâu dài với bệnh viện, nên nếu cứ dựa vào con cái không được. Do đó, có sức đến đâu và làm được cái gì ông bà đều cố gắng làm.

Anh Hồng đang chăm sóc những rổ rau mầm của xóm.

Anh Hồng đang chăm sóc những rổ rau mầm của xóm.

Tôi không khỏi xót xa khi ông Quý tâm sự: “Làm gập giấy màu này tiền công thấp lắm. 1kg thành phẩm chỉ được 75.000 đồng, vợ chồng tôi làm liên tục 1 tuần may ra mới được 1kg, mỗi tháng cũng chỉ được 300.000-400.000 đồng tiền công. Lúc bà chạy thận ở viện, hay những lúc mệt mỏi quá tôi không cho bà làm đâu”.

Cứ tưởng vợ chồng bà Thanh già yếu mới phải làm việc gập giấy, nhưng hóa ra cả xóm trọ đều làm. Chúng tôi vào phòng ông Nguyễn Văn Dược, 67 tuổi, cũng đã thấy có túi giấy thành phẩm để trên bàn. Chạy thận vô cùng tốn kém, nên ông Dược và mọi người trong xóm xác định phải kiếm việc để làm. Người đem nghề về xóm và làm nhiều nghề nhất ở đây phải kể đến anh Nguyễn Văn Hồng. Anh Hồng quê ở Kim Động, Hưng Yên, tuy mới 50 tuổi nhưng đã có thâm niên 12 năm chạy thận ở xóm.

Bên bàn nước chè ở giữa sân của khu xóm trọ, anh Hồng vừa đếm vừa kể cho chúng tôi biết gần chục nghề đã kinh qua: “Lúc mới bị bệnh, tôi còn khỏe lắm, vẫn đi đi về về Hà Nội-Hưng Yên. Khi đó mình hay lên Chợ Giời (Phố Huế) lấy băng đĩa phim, nhạc về in sao mang về quê giao cho các đại lý. Nhưng sức khỏe sau đó kém dần, mình phải thuê trọ gần bệnh viện, ngày nào không phải chạy thận chạy xe ôm kiếm thêm tiền”.

Nghề xe ôm cũng khó cạnh tranh, nên anh Hồng quyết định chuyển sang nghề đi đánh giấy ráp cho các xưởng mộc. “Mình kéo cả xóm trọ đi đánh giấy ráp. Thu nhập cũng ổn, nhưng độc hại quá. Nhiều người đi làm 1 thời gian hít phải bụi gỗ nên bị viêm phổi, ho cả ra máu, cả xóm rủ nhau bỏ cho an toàn”.

Đánh giấy ráp không thành, anh Hồng lại kiếm nghề đan hạt trang trí ghế ô tô. Nhưng một lần nữa không trụ lâu với nghề. Rồi sau đó anh mang nghề gập giấy màu về cho xóm làm hiện nay.

 Những mầm xanh khát vọng

Một ngày cách đây 4 năm, sư thầy Thích Đàm Chung ở chùa Phổ Linh, quận Tây Hồ về thăm xóm và bày cho cách trồng rau mầm. Anh Phạm Văn Hồng lại một lần nữa là người đầu tiên trồng thử nghiệm rau mầm vào những chiếc rổ nhựa hình chữ nhật, sau đó phổ biến cho mọi người. Anh đưa chúng tôi ra khu vườn rau giữa sân xóm trọ tham quan. “Cứ nhìn thấy những mầm xanh lớn lên hàng ngày là tôi và mọi người đều rất vui.

Mọi người trong xóm chạy thận cùng nhau làm giá đỗ để bán.

Mọi người trong xóm chạy thận cùng nhau làm giá đỗ để bán.

Thành quả chắc cũng không đáng là bao, nhưng những người bệnh như chúng tôi trồng rau mầm cảm thấy ý nghĩa nhất” - anh tâm sự. Nhưng nghề trồng rau mầm với xóm trọ chạy thận cũng gặp không ít khó khăn. Đây là loại rau chỉ sống được trên đất hữu cơ, đất phải mua với giá 9.000 đồng/kg. Do đó đầu tư đất và rổ nhựa trồng rau cũng mất nhiều vốn. Nhưng đầu ra của sản phẩm mới nan giải.

Anh Hồng kể: “Lúc đầu thầy Thích Đàm Chung bán hộ rau cho các phật tử hay đến chùa với giá 60.000 đồng/kg. Nhưng chỉ được một thời gian vì mọi người ăn không quen.  Sau đó Công ty Xa Lộ 4 nhận  mua với mức giá 50.000 đồng/kg. Do  đây là loại rau người Hà Nội vẫn chưa đón nhận, chủ yếu chỉ bán vào khách sạn chế biến thành các món ăn salat theo phong cách Tây”.

Nhiều người đến xóm chạy thận, biết được có rau mầm cũng tìm đầu mối ra giúp, nhưng chỉ được vài lần. Đầu ra cho sản phẩm rau mầm vẫn chưa ổn định, nên nghề trồng rau mầm vẫn hạn chế ở xóm chạy thận. Anh Hồng cho biết: “Bây giờ mỗi tháng xóm trồng được khoảng 8-9 lứa rau với sản lượng trên 100kg, bán được 5-6 triệu đồng, trừ chi phí còn lại khoảng 3-4 triệu đồng. Số tiền ấy chia bình quân đầu người cũng chỉ được 300.000 đồng/người”.

Chính vì vậy mong ước lớn nhất mọi người xóm trọ là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí làm sao để tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Nếu có đầu ra tốt, hơn chục con người trong xóm có thể làm được sản lượng rau gấp 5-6 lần hiện tại.

  Cứ 1 tuần, cả xóm lại có 3-4 buổi tập trung đông đủ bên những rổ nhựa ngoài sân để ươm trồng, tưới nước chăm sóc cho mầm rau xanh. Ông Nguyễn Duy Xứng, một bệnh nhân chạy thận 11 năm, cho biết: “Được làm công việc này là một niềm vui nhỏ của xóm chúng tôi. Nó càng có ý nghĩa hơn với những người bệnh ở xóm này. Mỗi mầm xanh lớn lên cũng như khát vọng, hy vọng về sự sống hồi sinh trong chúng tôi”.

Và cũng theo ông, có được đồng tiền từ chính sức lao động của mình để trang trải cuộc sống và chữa bệnh là điều tốt đẹp nhất. Trồng rau mầm kết hợp với làm giá đỗ, gấp giấy màu dù chỉ đủ tiền thuê nhà, trả điện nước, nhưng những đồng tiền ấy thật sự ý nghĩa với bệnh nhân chạy thận nơi đây.

Các tin khác